30/10/2014 12:45 GMT+7

Dầu trượt giá, USD đụng trần 3 tuần ​sau quyết định của FED

CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)
CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)

TTO - Giá USD sáng 30-10 đã tăng đụng trần 3 tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tuyên bố kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối tháng này, vì nền kinh tế Mỹ đã đủ vững vàng.

Công nhân làm việc tại nhà máy Red Hook ở quận Brooklyn, New York. FED cho biết "dữ liệu việc làm vững chắc và tỉ lệ thất nghiệp thấp" đã cho phép họ kết thúc chương trình nới lỏng định lượng vào cuối tháng này - Ảnh: Bloomberg

Dầu thô giảm cùng cổ phiếu Hongkong.

11g01 trưa 30-10 (giờ Tokyo), chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index theo dõi 10 đồng tiền lớn tăng 0,1% lên 1.070,67 - mức cao nhất kể từ ngày 3-10.

Trước đó trong ngày 29-10, chỉ số này đã tăng 0,6%, chấm dứt chuỗi giảm 3 ngày do các nhà đầu tư cho rằng khi kết thúc chương trình nới lỏng định lượng, Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất vào năm sau.

Chỉ số Hang Seng Index Hongkong giảm 0,3% sau chuỗi tăng 2 ngày mạnh mẽ nhất trong 7 tháng qua. Chỉ số NZX 50 Index New Zealand lập kỷ lục mới. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau quyết định của FED.

ED cam kết duy trì lãi suất thấp

FED đã dựa vào dữ liệu việc làm tăng như một yếu tố để đưa ra quyết định kết thúc chương trình mua trái phiếu - vốn đã gây áp lực lên sản lượng của Mỹ và buộc giới đầu tư hướng dòng vốn vào các thị trường mới nổi. 

Các quan chức FED cam kết sẽ duy trì lãi suất thấp "trong một thời gian đáng kể". GDP quý 3 của Mỹ sẽ được cập nhật vào hôm nay. Theo cuộc khảo sát 87 nhà kinh tế của Bloomberg, GDP Mỹ có thể đã tăng 3% trong quý 3 - dưới mức 4,6% trong 3 tháng trước.

Chỉ số Standard & Poor's 500 giảm 2,75 điểm, khoảng 0,1%, còn 1.982,30. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 31,44 điểm, khoảng 0,2%, còn 16.974,31. Sàn Nasdaq giảm 15,07 điểm, khoảng 0,3%, còn 4.549,23.

Dữ liệu Bloomberg cho thấy giá trị cổ phiếu toàn cầu tháng này đã bốc hơi hơn 680 tỉ USD, so với tháng 9 là 1,8 nghìn tỉ USD.

Đồng yen suy yếu 0,2% và đồng rupiah của Indonesia giảm mạnh nhất trong các đồng tiền của nhóm nền kinh tế mới nổi. Cụ thể, đồng yen so với USD giảm còn 109,05 - thấp nhất kể từ ngày 7-10, đồng rupiah giảm mạnh 0,7% còn 12.165 và xóa sổ mức tăng của ngày 29-10.

Đồng won Hàn Quốc suy yếu 0,6% còn 1.053,78 sau 3 ngày tăng trước đó.

Những lo ngại về tình hình châu Âu suy thoái và kinh tế Trung Quốc chậm lại đã khiến các nhà đầu tư Mỹ chùn chân, đẩy chỉ số S&P 500 giảm 7,4% tính đến ngày 15-10, từ mức cao kỷ lục đạt được hồi giữa tháng 9.

Chỉ số này tăng trở lại 6,6% vào ngày 28-10 sau tuyên bố của chủ tịch FED tại St. Louis James Bullard, rằng các quan chức sẽ cân nhắc việc chấm dứt gói hỗ trợ giữa bối cảnh lo ngại toàn cầu.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm ngày 29-10 tăng 2 điểm cơ bản lên 2,32%. Trái phiếu cùng kỳ hạn của chính phủ Úc cũng tăng 3 điểm cơ bản lên 3,32%.

Dầu WTI trượt giá 0,4% còn 81,89 USD/thùng sau khi tăng 1% trong ngày trước đó, vì có dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng trong các kho dự trữ của Mỹ giảm lại. Cơ quan Thông tin năng lượng báo cáo kho dầu đã tăng thêm 2,06 triệu thùng trong 7 ngày tính đến ngày 24-10, sau khi tăng 21 triệu thùng trong 3 tuần trước đó.

Tại London, dầu Brent giảm 0,3% còn 86,87 USD/thùng, rớt khỏi mức trần 2 tuần đạt được vào hôm 29-10.

Vàng giao ngay dao động quanh mức 1.213,79 USD/ounce sau khi giảm 1,6% còn 1.208,50 USD/ounce trong phiên cuối ngày 29-10 (giờ Mỹ) - mức thấp nhất theo ngày kể từ 8-10.

 

CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp