08/06/2021 20:55 GMT+7

FBI thuê làm phần mềm lừa tội phạm thế giới

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Các cảnh sát nằm vùng đã thuyết phục được các nhóm tội phạm tin rằng ứng dụng nhắn tin AnOm là an toàn bởi chỉ có tính năng nhắn tin và tin nhắn được mã hóa.

FBI thuê làm phần mềm lừa tội phạm thế giới - Ảnh 1.

Ông Anthony Russo (thuộc FBI) và Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo kết quả chiến dịch tại Sydney, Úc vào ngày 8-6 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, ngày 8-6, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã tổ chức buổi họp báo công bố chi tiết về thành công của "Chiến dịch Lá chắn Trojan" (Trojan Shield, bên Úc gọi là Chiến dịch Ironside), với việc bắt giữ 800 đối tượng dính líu tới các băng nhóm tội phạm tại nhiều nước trên thế giới. 

Đây là chiến dịch hợp tác của Europol cùng lực lượng hành pháp của gần 20 quốc gia, trong đó sử dụng công nghệ mã hóa tinh vi để xâm nhập và theo dõi hoạt động của các tổ chức tội phạm trên thế giới. 

Từ vụ bắt giữ năm 2018

Theo hồ sơ hình sự do phía Mỹ công bố vào tối 7-6, chiến dịch tầm quốc tế bắt đầu từ vụ bắt giữ hồi năm 2018 Vincent Ramos, tổng giám đốc của Phantom Secure, chuyên bán điện thoại mã hóa cho các băng nhóm tội phạm. 

Sau vụ bắt giữ đó, Phantom Secure phải đóng cửa, nhưng từ đó Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thâu nạp nguồn nhân sự từ đây để nắm giữ bí mật hoạt động và phát triển hoạt động cài cắm.

Từ tháng 10-2018, phía Mỹ bắt đầu áp dụng ứng dụng AnOm, với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan cảnh sát quốc tế.

Trợ lý giám đốc Đơn vị điều tra hình sự của FBI Calvin Shivers cho biết trong 18 tháng qua, FBI đã bí mật "cài" vào các tổ chức tội phạm tại hơn 100 nước hơn 300 thiết bị mã hóa, qua đó cho phép lực lượng chức năng theo dõi hoạt động thông tin liên lạc của các đối tượng này.

Kể từ năm 2019, FBI đã phối hợp với cảnh sát Liên bang Úc bí mật xâm nhập và kiểm soát thành công ứng dụng nhắn tin AnOm mà các mạng lưới tội phạm thường sử dụng.

Các cảnh sát "chìm" trong các mạng lưới tội phạm đã thuyết phục được các nhóm tội phạm tin rằng ứng dụng này an toàn bởi chỉ có tính năng nhắn tin và tin nhắn được mã hóa.

Hơn 12.000 thiết bị có sử dụng ứng dụng này đã được phân phối cho hơn 300 tổ chức tội phạm hoạt động ở hơn 100 quốc gia, bao gồm các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Ý, các băng nhóm bị đặt ngoài vòng pháp luật và các tổ chức buôn bán ma túy quốc tế.

Đối tượng của kế hoạch này là các tổ chức tội phạm có tổ chức, các băng nhóm buôn bán ma túy và rửa tiền trên toàn cầu. Lực lượng chức năng đã khai thác thông tin từ 27 triệu tin nhắn thu được qua thiết bị có ứng dụng AnOm, mất hơn 18 tháng phân tích các tin nhắn, qua đó nắm được những hoạt động cũng như căn cứ của các băng nhóm tội phạm.

Kế hoạch trên đã giúp lực lượng chức năng thực hiện một loạt chiến dịch triệt phá quy mô lớn trong những ngày qua tại 16 quốc gia và thu về được những kết quả ấn tượng.

FBI thuê làm phần mềm lừa tội phạm thế giới - Ảnh 2.

Tội phạm ở Úc bị cảnh sát bắt giữ trong chiến dịch Ironside - Ảnh: AFP

Chiến dịch bao trùm khắp thế giới

Các băng nhóm bị cất vó lần này gồm các băng đảng mafia, các băng nhóm tội phạm châu Á, các băng nhóm chạy môtô ở Mỹ... Việc điều tra tập trung vào hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền và thậm chí là các âm mưu giết người...

Chiến dịch trên do FBI, Cảnh sát quốc gia Hà Lan (Politie) và Cơ quan Cảnh sát Thụy Điển (Polisen) phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) và 16 quốc gia khác thực hiện với sự hỗ trợ của Europol. 

Đây được đánh giá là một trong những chiến dịch thực thi pháp luật lớn nhất và tinh vi nhất cho đến nay trong nỗ lực triệt phá thế giới ngầm của các băng nhóm tội phạm.

Phát biểu họp báo, ông Jean-Philippe Lecouffe, phó giám đốc điều hành của Europol, nhấn mạnh hàng trăm chiến dịch thực thi pháp luật trong khuôn khổ "Chiến dịch Lá chắn Trojan" đã được thực hiện trên quy mô toàn cầu, từ New Zealand tới Úc, châu Âu và Mỹ, qua đó mang lại những kết quả ấn tượng. 

Lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 800 người, khám xét hơn 700 địa điểm và thu giữ nhiều tấn cocaine.

Chiến dịch đã giúp ngăn chặn hơn 100 "mối đe dọa đến tính mạng", thu giữ 6 tấn cocaine, 5 tấn cần sa, 2 tấn ma túy đá và hơn 148 triệu USD tiền mặt. 

Ông Shivers, thuộc FBI, đánh giá "thành công của "Chiến dịch Lá chắn Trojan" là kết quả của "sự đổi mới và cống hiến to lớn cùng sự hợp tác quốc tế chưa từng có".

Tại châu Âu, nhà chức trách cho biết đã bắt giữ 75 nghi phạm người Thụy Điển, hơn 60 đối tượng ở Đức và 49 nghi phạm tại Hà Lan dính líu tới hoạt động tội phạm. Tại Úc, có tổng cộng 224 đối tượng bị bắt giữ và bị truy tố với hơn 500 tội danh, trong khi số nghi phạm bị bắt giữ tại New Zealand là 35 người.

Mỹ xử tù tội phạm mạng người Nga bị dẫn độ từ Thái Lan Mỹ xử tù tội phạm mạng người Nga bị dẫn độ từ Thái Lan

TTO - Ngày 19-3, Mỹ kết án tù ông Sergey Medvedev, người Nga, và ông Marko Leopard, người Bắc Macedonia, vì vai trò quan trọng của họ trong một hoạt động tội phạm mạng lớn, gây thiệt hại hơn 568 triệu USD.

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp