28/09/2009 22:27 GMT+7

Fatih Akin và nỗi ám ảnh di dân

NHAM HOA (Theo báo Sinh Viên Việt Nam)
NHAM HOA (Theo báo Sinh Viên Việt Nam)

Trung tuần tháng 12 năm 2008, Liên hoan phim Đức tại Hà Nội được tổ chức tại Viện Goethe. Khai mạc liên hoan là Edge of Heaven. Kết thúc liên hoan là Head-on. Mở đầu với Fatih Akin và kết thúc bằng Fatih Akin, chương trình của LHP có lẽ đã phần nào khẳng định, cái tên rất không Đức này lại đang chính là cái tên sáng giá nhất của điện ảnh Đức đương đại.

Fatih Akin và nỗi ám ảnh di dân

Trung tuần tháng 12 năm 2008, Liên hoan phim Đức tại Hà Nội được tổ chức tại Viện Goethe. Khai mạc liên hoan là Edge of Heaven. Kết thúc liên hoan là Head-on. Mở đầu với Fatih Akin và kết thúc bằng Fatih Akin, chương trình của LHP có lẽ đã phần nào khẳng định, cái tên rất không Đức này lại đang chính là cái tên sáng giá nhất của điện ảnh Đức đương đại.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363491

Fatih Akin nhận giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại LHP Venice lần thứ 66 với bộ phim Soul Kitchen - Ảnh: AP

Đức mà không Đức

Fatih Akin sinh năm 1973 tại Đức, nhưng bố mẹ anh là người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư. Sở hữu một gương mặt điển trai nam tính, Akin phát triển song song cả nghề diễn xuất lẫn đạo diễn song sự nghiệp đạo diễn của anh vượt trội hơn hẳn.

Akin đã đạo diễn khoảng 10 bộ phim truyện dài và một số phim ngắn, đoạt 25 giải thưởng lớn nhỏ, trong đó đáng kể nhất là 3 giải thưởng quan trọng tại 3 LHP lớn nhất thế giới: Gấu vàng tại Berlin, Kịch bản xuất sắc tại Cannes và Giải đặc biệt của BGK tại Venice. Anh cũng là thành viên BGK của LHP Berlin (2001) và Cannes (2005).

Fatih Akin còn đạo diễn 1 phân đoạn trong 11 phân đoạn phim ngắn của bộ phim lãng mạn New York, I Love You sẽ ra mắt vào tháng 10 tới.

Mắt sắc, lông mày rậm, khuôn mặt điển trai, Fatih Akin dễ khiến người ta có cảm giác anh là một tay chơi hơn là tác giả những bộ phim đầy suy tư về cuộc sống và về thân phận con người. Ở tuổi ba mươi sáu, anh đã chinh phục hầu hết những gì một đạo diễn cần chinh phục ở Cựu lục địa - Gấu vàng Berlin, Kịch bản xuất sắc ở Cannes, và mới đây nhất là Giải đặc biệt của Ban giám khảo ở Venice mới kết thúc ngày 12-9 vừa qua.

Nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên nhất ở Fatih Akin lại không phải là tài năng của anh, mà là đề tài của những bộ phim đã xác lập tên tuổi của anh trong nền điện ảnh châu Âu.

Trong thế giới hiện đại, hiếm quốc gia nào duy trì được tính đơn nhất về chủng tộc và văn hóa trước những làn sóng di cư nổi lên như vũ bão trên khắp các châu lục. Di dân và những vấn đề đi cùng nó từ lâu đã trở thành thách thức cho mọi xã hội, tiên tiến cũng như đang phát triển. Mặc dù vậy, rất hiếm đạo diễn chọn di cư làm đối tượng cho phim của mình. Họ có thể làm một, hai bộ phim về đề tài này, có thể đả động đến nó trong một vài kịch bản. Nhưng lấy di cư, dân di cư và giao thoa văn hóa làm cảm hứng xuyên suốt cho sự nghiệp điện ảnh của mình thì chắc chắn là rất ít. Fatih Akin là một trong số đó.

Sinh ra trong một gia đình gốc Thổ di cư sang Đức từ những năm 60, Fatih Akin, hơn ai hết, hiểu rất rõ thế nào là cuộc sống của một người nhập cư. Anh hiểu thế nào là khoảng cách giữa văn hóa bản địa và văn hóa di dân, là xung đột giữa giá trị mới và giá trị cũ, là mâu thuẫn giữa thế hệ trước vẫn nặng lòng cố quốc và thế hệ sau chỉ biết miền đất mới. Cuộc sống của cộng đồng người Đức gốc Thổ và sự đấu tranh của họ để giải quyết những vấn đề ấy, bởi thế cho nên, đã trở thành đề tài chủ đạo trong hầu như mọi tác phẩm của anh.

Xem phim của Fatih, không khó để nhận ra một điều: anh là người rất gắn bó với truyền thống. Anh tự hào về nguồn gốc của mình, và thậm chí từng tuyên bố tiếp nhận giải thưởng của LHP Cannes thay mặt cho điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ. Sinh ra và lớn lên ở Hamburg, thành danh cũng ở Hamburg, làm phim cũng lấy bối cảnh là Hamburg, nhưng trong lòng anh hình như chưa lúc nào nguôi nỗi khát khao tìm kiếm một cội nguồn đích thực, một bản lai chân diện của những kẻ di cư.

Nỗi khát khao ấy, đã không ngừng thôi thúc anh tìm về eo biển Bosphorus.

Đơn độc đương đầu

Năm 2004, Head-on, bộ phim thứ tư của Fatih Akin, càn quét mọi giải thưởng của  điện ảnh Đức trước khi giành nốt Gấu vàng (LHP Berlin). Như cái tên của mình, Head-on là sự đương đầu trong đơn độc của hai nhân vật chính, hai thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ lớn lên trên đất Đức, với gia đình, với truyền thống, và với những mâu thuẫn nội tại của mỗi người.

Điểm độc đáo nhất của Head-on là câu chuyện của Cahit và Sibel diễn ra hoàn toàn trong cộng đồng người Thổ, yếu tố Đức hầu như không xuất hiện trên màn ảnh. Mặc dù vậy, người ta vẫn thấy được sự đụng độ dữ dội giữa hai nền văn hóa, mà bãi chiến trường của cuộc đụng độ ấy chính là hai nhân vật chính (họ quen nhau trong bệnh viện, sau khi cả hai vừa tự tử bất thành). Sibel đề nghị Cahit cưới mình, hy vọng điều đó sẽ giải quyết được vấn đề của cô.

Nhưng, khác với Hỷ yến của Lý An với kịch bản tương tự và đề tài tương tự, màn kịch cưới xin giữa họ, dưới tay Fatih Akin, không hề có hậu. Cuộc hôn nhân đáng lẽ phải đem đến tự do cho Sibel lại mở đường cho cô rơi vào vòng xoáy của rượu, ma túy, và hàng loạt cuộc tình một đêm; trong khi những bế tắc trước cuộc sống của Cahit không vì sự hiện diện của người vợ mới cưới mà vơi bớt.

Dù ống kính của bộ phim chỉ xoáy vào cái tiểu xã hội của cộng đồng người Thổ ở Đức, và hầu như không zoom out để cho ta thấy bức tranh toàn cảnh, nhưng Fatih Akin, trên tấm phông nền rất hẹp này, vẫn khéo léo đặt ra câu hỏi về bản sắc Đức - Thổ qua cách giao tiếp của nhân vật. Sự hoán chuyển liên tục giữa ba ngôn ngữ Thổ, Đức, và Anh trong phim của Sibel và Cahit là chỉ dấu rõ ràng nhất về sự “rối loạn văn hóa” của họ nói riêng, và cả một thế hệ người Thổ ở Đức nói chung.

Trong khi nhân vật của Head-on rối bời với bản sắc văn hóa của chính mình thì bộ phim, tự thân nó, lại là một bức tranh rực rỡ và đa chiều của văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng một thủ pháp rất Brecht - sử dụng một dàn nhạc cổ truyền diễn tấu trên bờ biển ở Istanbul làm dẫn đề cho từng chương, Fatih Akin đã thổi vào Head-on một hơi thở nồng nàn truyền thống, làm nổi bật chất sân khấu dân gian trên nền điện ảnh hiện đại.

ImageView.aspx?ThumbnailID=364398
Cảnh trong Head-On

Head-on, bên cạnh đó, cũng không thiếu yếu tố hài hước - bất đồng văn hóa luôn là một cái nền tốt cho sự hài hước. Song những tiếng cười dễ dãi một cách cố ý ấy lại càng nhấn mạnh hơn bi kịch của những con người bị cầm tù trong thế giới của chính mình, khát khao vượt thoát nhưng lại không hề có lối thoát. Không phải họ không sẵn lòng hòa nhập vào thế giới ấy, mà thế giới ấy không cho họ quyền lựa chọn. Nhân vật Đức duy nhất của phim đã nói: “Nếu không thể đổi thay thế giới, hãy thay đổi chính mình.”

Cả hai, rốt cục, đã chọn một giải pháp khác: thay đổi môi trường sống. Họ chia tay, nhưng cùng đi về một hướng: trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Quay về cố quận

Ba năm sau Head-on, Fatih Akin thực hiện Edge of Heaven, kể về những cuộc đi về giữa hai xứ sở của những thân phận lưu dân. Khác với Head-on, bối cảnh của Edge of Heaven trải dài trên cả hai miền Đức, Thổ. Cùng với cái thoáng đãng của không gian địa lý này là một không gian tâm lý sâu lắng hơn, dễ thở hơn, dù vẫn đầy ắp những ưu tư. Bộ phim kể về những mối quan hệ chồng chéo giữa sáu con người, ba cặp cha con và mẹ con, Đức có, Thổ có; mỗi người đều miệt mài rong ruổi trên hành trình “hòa giải” với người kia và tìm kiếm sự thanh thản cho tâm hồn mình.

Câu chuyện ở Edge of Heaven là câu chuyện của trùng điệp nhiều tầng mâu thuẫn: xung đột giữa hai thế hệ, va chạm giữa những hệ giá trị xã hội, sự lạc lối giữa hai nền văn hóa. Nejat, một trí thức trẻ gốc Thổ (phải chăng đó chính là chân dung tự họa của Fatih Akin?) đứng ở trung tâm, và là sợi dây nối kết những người còn lại.

Đó là Yeter, bà mẹ Thổ làm gái điếm ở Hamburg để kiếm tiền nuôi con gái. Đó là Lotte, cô sinh viên Đức mà anh gặp ở Istanbul và vui niềm vui “tha hương ngộ cố nhân” - bởi Istanbul khi ấy với anh vẫn là xứ lạ, còn Hamburg mới đích thực là quê. Đó là Susanne, người mẹ Đức mất con mà niềm đau đớn khôn nguôi lại đã góp phần kéo anh gần lại với cha mình.

Trong mỗi cuộc gặp gỡ (và tiễn đưa!) mỗi người trong số họ, Nejat lại khám phá ra một ý nghĩa sâu thẳm hơn về cuộc sống. Yeter và cái chết của cô thôi thúc anh về lại Thổ Nhĩ Kỳ; trong khi Susanne và câu chuyện của bà về Abraham và Isaac giục giã anh tìm về cố quận bên bờ Hắc Hải, đánh thức trong anh tình phụ tử đã ngủ quên sau cái chết của Yeter…

ImageView.aspx?ThumbnailID=364400
Poster phim The Edge of Heaven

Khác với Head-on trầm uất và bế tắc, Edge of Heaven, mặc dù không thiếu nỗi đau và cái chết, dường như lại là mẫu mực về sự cân bằng và hòa hợp mà Fatih Akin hướng đến. Có cảm giác bộ phim là một bức tranh đối xứng hoàn hảo: một người cha nhớ con trai đi tìm sự an ủi nơi một người mẹ xa con gái, một cô gái Thổ mất mẹ nép vào lòng một người mẹ Đức mất con; một cỗ quan tài Thổ ở Đức quay lại Thổ và một cỗ quan tài Đức từ Thổ đi về Đức…

Nếu như Head-on chưa có câu trả lời cho những băn khoăn và mâu thuẫn trong lòng kẻ di cư, thì Edge of Heaven, ở một chừng mực nào đó, đã tìm thấy câu trả lời từ những đền bồi và đắp đổi trong số phận của sáu con người ấy. Và, cuối cùng, Nejat, người chứng kiến tất cả, cũng đã hiểu ra điều mà Fatih Akin muốn tất cả chúng ta cùng hiểu: sự thanh thản của tâm hồn, sự hòa hợp giữa hai thế hệ, cũng như sự giao thoa giữa hai nền văn hóa, chỉ có thể đạt đến khi con người ta biết chấp nhận nhau, dung hòa nhau.

Kết thúc phim, Nejat đứng lặng bên bờ Hắc Hải, đợi Ali từ biển quay về. Tìm về cố quận, anh đã sẵn sàng mở lòng đón nhận cha mình, đón nhận cả một miền đất, một quê hương, một tâm hồn Thổ.

NHAM HOA (Theo báo Sinh Viên Việt Nam)

NHAM HOA (Theo báo Sinh Viên Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp