Báo cáo mới nhất về "Tình hình lương thực và triển vọng mùa màng" do FAO công bố ngày 8-12 cho biết, 39 nước trên thế giới hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Theo báo cáo, mặc dù nguồn cung cấp lương thực toàn cầu được dự báo sẽ có nhiều triển vọng do điều kiện trồng trọt được cải thiện, tuy nhiên do hạn hán kéo dài cùng với những tác động tiêu cực của các cuộc nội chiến khiến người dân nhiều nước vẫn trong tình trạng thiếu lương thực.
Báo cáo cũng chỉ rõ những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là do sụt giảm mạnh trong sản xuất lương thực, không mua được lương thực do thu nhập thấp, giá cao, hệ thống phân phối bị gián đoạn và do hậu quả của các cuộc xung đột đang diễn ra ở một số nước.
Cụ thể, hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra ở phía nam châu Phi đã khiến sản lượng lương thực ở khu vực này sụt giảm mạnh trong năm nay, kéo theo gia tăng số người cần được viện trợ lương thực trong quý đầu tiên của năm 2017.
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cũng tăng mạnh ở những vùng bị ảnh hưởng nặng của El Nino, đặc biệt là các nước Madagascar, Malawi và Mozambique. Ở một số vùng khác trong khu vực, việc lương thực dự trữ cũng giảm đáng kể do 2 năm mất mùa liên tiếp.
Các cuộc nội chiến kéo dài ở một số nước như Nam Sudan, Syria và Yemen cũng tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa mì của Syria năm nay dự báo sẽ giảm khoảng 55% so với thời điểm trước nội chiến. Tại
Yemen, số người bị đói lên tới 14,2 triệu người. Con số này ở Nigeria là 8 triệu người và dự kiến có thể tăng lên mức 11 triệu người vào tháng 8-2017 nếu tình hình không được cải thiện.
Để đối phó với tình trạng này, FAO và chính phủ một số nước đang thực hiện một số chương trình hỗ trợ nông nghiệp nhằm giúp các nước gặp khó khăn mua được các sản phẩm nông nghiệp chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận