Đây thực sự là mối lo ngại lớn cho hàng triệu người dùng hai mạng xã hội này tại châu Âu. Tuy nhiên, mọi thứ đều có duyên cớ - Ảnh: CNBC
Các nhà quản lý của EU đang soạn thảo luật mới, yêu cầu các hãng công nghệ thu thập dữ liệu người dân sống tại các quốc gia thuộc EU (trong đó có Meta) lưu trữ và xử lý những dữ liệu này trên các máy chủ đặt tại châu Âu. Quy định này khiến Meta bối rối, bởi lẽ từ trước đến nay dữ liệu người dùng EU được Facebook xử lý tại các máy chủ đặt ở Mỹ.
Trong khi đó, việc xử lý dữ liệu người dùng ở các vùng lãnh thổ khác nhau có liên quan trực tiếp và quan trọng đến quá trình nhắm mục tiêu quảng cáo của Meta. Do vậy, hãng công nghệ này lên tiếng dọa sẽ rút hai nền tảng mạng xã hội lớn nhất của hãng là Facebook và Instagram khỏi thị trường châu Âu (không bao gồm Anh sau Brexit) nếu EU không có một khung pháp lý phù hợp nào được thông qua.
Đây là thông tin chính thức được Meta gửi lên Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ trong bản báo cáo tài chính quý 4-2021.
Nếu điều này thực sự xảy ra thì không chỉ người dùng tại châu Âu bị ảnh hưởng mà ngay cả hoạt động kinh doanh của chính Meta và của nhiều doanh nghiệp tại châu Âu, dựa vào các quảng cáo và quảng bá sản phẩm thông qua Facebook và Instagram, cũng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Châu Âu là một trong những thị trường quan trọng nhất của Meta, thu về lợi nhuận 6,8 tỉ USD mỗi năm nhưng nguy cơ này hoàn toàn có thể sẽ xảy ra trong thời gian sớm.
Mặc dù lời cảnh báo này khiến cho hàng triệu doanh nghiệp và người dùng đang đứng ngồi không yên nhưng các nhà quản lý của EU vẫn thể hiện thái độ cứng rắn trước động thái của Meta - Ảnh: AFP
Axel Voss, đại biểu Nghị viện châu Âu, viết trên trang Twitter cá nhân sau khi có thông tin Meta sẽ đóng cửa Facebook và Instagram tại châu Âu rằng: "Meta không thể đe dọa EU và buộc EU phá bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu người dân được. Meta sẽ là phía chịu thiệt hại nhiều nhất nếu rút khỏi thị trường châu Âu".
Thỏa thuận về các tiêu chuẩn truyền dữ liệu trực tuyến quan trọng giữa châu Âu và Hoa Kỳ đã bị vô hiệu vào tháng 7 năm 2020 trong một phán quyết của tòa án cấp cao nhất của EU, khiến hãng công nghệ lớn xuyên Đại Tây Dương rơi vào tình trạng không chắc chắn về mặt pháp lý.
Kể từ thời điểm đó cho đến nay, EU và Mỹ vẫn cố gắng để đạt được một thỏa thuận mới về việc truyền và xử lý dữ liệu công dân tại châu Âu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Trong báo cáo hằng năm cho Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ, Meta cho biết các quy định hiện hành của EU đang ngăn cản việc truyền dữ liệu cần thiết cho hoạt động của mình.
Gã khổng lồ trong mạng truyền thông xã hội gần đây đã trải qua những ngày sóng gió khi chứng kiến sự sụt giảm giá trị thị trường tồi tệ nhất từ trước đến nay, buộc hãng đặt ra câu hỏi về tương lai của mình.
Và nếu như không có thỏa thuận mới nào đạt được giữa Mỹ và châu Âu, Meta sẽ buộc phải loại bỏ phần lớn dữ liệu người dùng tại châu Âu mà họ thu thập được. Bởi nếu không làm theo quy tắc mà cố tình vi phạm việc thu thập dữ liệu người dân châu Âu, Meta có thể bị phạt 4% doanh thu hằng năm, tương đương khoảng 2,8 tỉ USD.
Đây quả thực là một cú giáng mạnh cho hãng công nghệ lớn có hàng tỉ người dùng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận