Sự lấn lướt của Facebook trong thị trường quảng cáo trực tuyến đã lấy mất “nồi cơm” của nhiều tờ báo, nhà đài - Ảnh: Reuters
Đề xuất dạng này của Facebook thực ra không mới. Nhưng tính khả thi của nó lại rất thời sự. Thông tin này được "bung" ra khi Facebook thông báo sắp triển khai thẻ tin tức (news tab) trên nền tảng của họ, dự kiến trong mùa thu năm nay.
Và để có "đầu vào" cho nó, đại diện Facebook đã gặp gỡ và thương lượng với một số hãng tin tức như ABC News, Dow Jones, Washington Post và Bloomberg.
Ý tưởng về thẻ tin tức đã được ông Zuckerberg tiết lộ trong cuộc trao đổi với CEO Mathias Döpfner của Công ty Axel Springer trong video đăng trên tài khoản Facebook hồi tháng 4.
Sẵn sàng trả đến 3 triệu USD/năm
Theo những nguồn tin của WSJ, các đại diện Facebook đã nói sẵn sàng trả tới 3 triệu USD/năm để có thể dẫn lại các tít báo, phần nội dung xem trước của các bài báo do các hãng tin tức nói trên cung cấp trên nền tảng của họ.
Kế hoạch này được Facebook đưa ra trong bối cảnh họ đang đối mặt với những chỉ trích gay gắt của giới báo chí "truyền thống". Sự lấn lướt của Facebook trong thị trường quảng cáo trực tuyến thực sự đã cướp đi "nồi cơm" của rất nhiều tờ báo, nhà đài trên thế giới.
Chỉ riêng tại Mỹ, năm ngoái Facebook và Google đã chiếm tới 60% tổng nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến, theo số liệu của eMarketer.
Các hợp đồng cấp bản quyền tin tức giữa Facebook và các hãng thông tấn được cho sẽ có thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, một thông tin chưa rõ lúc này là không biết đã có hãng thông tấn nào chính thức ký thỏa thuận bán bản quyền tin tức cho Facebook chưa.
Cũng theo các nguồn tin của WSJ, Facebook sẽ để các hãng tin tức được tự ý cân nhắc việc nội dung của họ sẽ xuất hiện như thế nào trên thẻ tin tức của Facebook.
Cụ thể, các hãng tin hoặc sẽ tổ chức tin tức của mình trực tiếp trên Facebook, hoặc chỉ hiển thị tiêu đề (headline) và phần xem trước (preview) trên thẻ tin tức, từ đó người đọc bấm vào và được chuyển tới trang web của đơn vị xuất bản.
Google, một trong những đối thủ lớn nhất của Facebook, thời gian qua cũng liên tục đối mặt với những chỉ trích từ báo chí truyền thống vì đã không chịu chia sẻ lợi nhuận, trong khi vẫn "hồn nhiên" hiển thị các tít bài, nội dung xem trước của tin tức trên công cụ tìm kiếm cũng như phần cung cấp tin của họ.
Chủ tịch điều hành Tập đoàn News Corp (công ty mẹ của Dow Jones), ông Rupert Murdoch, và giám đốc điều hành Công ty BuzzFeed, ông Jonah Peretti, đều đã lên tiếng kêu gọi Facebook và Google trả tiền cho các cơ quan báo chí để có nguồn tin tức chất lượng.
Báo chí châu Á có được hưởng lợi?
Thẻ tin tức mới vẫn đang trong giai đoạn phát triển của Facebook là tính năng độc lập với phần "Today In", một nơi chia sẻ với người dùng nội dung do các hãng tin tức địa phương cung cấp.
Đề xuất mới liên quan tới thẻ tin tức cũng cho thấy Facebook đã từ bỏ những điều khoản tài chính công ty này từng đưa ra khi triển khai tính năng Instant Articles trước đây. Trong chương trình đó, Facebook chia sẻ nguồn thu quảng cáo với các hãng tin, nhưng từ chối trả tiền trước.
Mặc dù chưa trả tiền bản quyền tin tức, song Facebook lại đã và đang sẵn sàng trả tiền cho những nội dung "hút view" khác họ sử dụng trên nền tảng này. Họ đã trả tiền trước cho các video phát trong phần Facebook Watch.
Đó là lý do đây đang là nơi phát rất nhiều chương trình gốc cũng như các video clip phổ biến. Facebook cũng đã trả tiền trước cho các hãng tin tức để họ sáng tạo nội dung cho tính năng Facebook Live, với các chương trình phát trực tuyến kiểu như Confetti.
Một số hãng tin tức bày tỏ nghi ngờ với động thái mới nhất của Facebook trong việc sẵn sàng chi tiền cho tin tức. Bởi lẽ, theo một trong những chia sẻ (không nêu tên) của giới này với WSJ thì: "Đó mới chỉ là chuyện đi hỏi một loạt các hãng tin tức về chuyện chúng tôi có chấp nhận một việc mà chưa ai trong chúng tôi biết rõ là nó có triển khai hay không".
Sự ngờ vực này cũng có trong quan điểm của một số cơ quan báo chí, tin tức ở Việt Nam. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện của một cơ quan báo chí nói có thể Facebook luôn thử nghiệm ý đồ của họ với một số cơ quan báo chí lớn, rồi mở rộng, song cũng có nhiều dự án lớn bị ngưng lại.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng mặc dù ở Việt Nam có rất đông người dùng Facebook, song giá trị quảng cáo mang lại cho công ty này lại không cao như những thị trường khác.
Đó là lý do cho tới nay báo Mỹ và châu Âu đã được hưởng nhiều dự án của Google và Facebook, song báo chí tại các nước châu Á lại không được hưởng gì. Do đó khả năng báo chí Việt Nam có thể tính tới những nguồn chia sẻ lợi nhuận với Facebook còn rất xa vời.
Chuyên gia truyền thông chiến lược Lê Ngọc Sơn:
Lợi cho cả 3 bên
Lê Ngọc Sơn
Những năm gần đây, bên cạnh mặt tích cực, Facebook trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam đã bộc lộ mặt tiêu cực, có quá nhiều "fake news" (tin giả) dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Theo tôi, sự hợp tác này (nếu có) kỳ vọng mang lại lợi ích cho cả 3 bên theo nguyên tắc "win - win - win", đó là Facebook, cơ quan báo chí và công chúng nói chung, bao gồm cả công chúng của Facebook và độc giả của các cơ quan báo chí.
Cơ quan báo chí được lợi khi tiếp cận độc giả nhiều hơn, có thêm nguồn thu để sản xuất những sản phẩm báo chí chất lượng hơn trong bối cảnh kinh tế báo chí đi xuống. Người dùng Facebook cũng hưởng lợi khi được tiếp cận các thông tin khả tín trên môi trường mạng xã hội. Còn với Facebook, đương nhiên họ sẽ hưởng lợi từ độ tin cậy, tương tác của người dùng với những tin tức trên mạng xã hội của mình.
NGỌC HIỂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận