Ảnh: FACEBOOK
Theo hãng tin AFP, trên thực tế, cựu tổng thống Barack Obama đã tận dụng sức mạnh to lớn của mạng xã hội Facebook cả trong chiến dịch tranh cử lần đầu năm 2008 cho tới chiến dịch tái tranh cử năm 2012 của ông.
Tuy nhiên câu chuyện thu thập phi pháp dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook của hãng tư vấn Anh trong chiến dịch tranh cử của tỉ phú Donald Trump lại xới lên một khía cạnh đáng quan tâm khác: các chính trị gia và các công ty tiếp thị đang sử dụng thông tin cá nhân của người dùng như thế nào, hợp lý hay phi pháp?
Công cụ phổ biến
Hãng phân tích dữ liệu chính trị Cambridge Analytica, tâm điểm của bê bối liên quan Facebook, nhấn mạnh họ không phải công ty duy nhất đang khai thác nguồn dữ liệu người dùng trên mạng để có thể tiếp cận chính xác các cử tri mong muốn.
"Chiến dịch tranh cử năm 2008 của ông Obama nổi tiếng là được tạo đà từ nguồn dữ liệu, ông ấy cũng đã tiên phong trong phương pháp hướng tới mục tiêu vi mô (micro-targeting) năm 2012, trao đổi với mọi người về chính xác những vấn đề họ quan tâm", công ty Cambridge Analytica viết trên Twitter.
Tất nhiên các cựu thành viên trong nhóm tranh cử của ông Obama phản đối gay gắt chuyện họ bị đem ra so sánh với công ty Cambridge Analytica.
Ông Michael Simon, người phụ trách nhóm hướng tới mục tiêu vi mô của ông Obama năm 2008 "phản pháo": "Chúng tôi không hề đánh cắp dữ liệu cá nhân người dùng Facebook bằng các lý do giả mạo. Chiến dịch tranh cử của ông Obama (OFA) đã tình nguyện thu thập quan điểm của hàng trăm ngàn cử tri".
Trên thực tế, đúng là các phương pháp thu thập dữ liệu người dùng của công ty Cambridge Analytica vẫn còn gây tranh cãi, song mục đích cuối cùng của họ, dùng mạng xã hội để nắm được tâm lý và hành vi người dùng, vẫn là điểm chung giữa họ với OFA.
Phương pháp có tên micro-targeting (hướng tới mục tiêu vi mô) vốn là phương pháp phân khúc tâm lý khách hàng quen thuộc trong lĩnh vực marketing.
Theo nhà khoa học chính trị Victoria Farrar-Myers và cũng là một nhà nghiên cứu tại Đại học Southern Methodist, trước thời có Internet, các chiến dịch tranh cử từ năm 1976 đã sử dụng phương pháp này.
Bà Victoria Farrar-Myers cho rằng những người thường chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội có thể "hoàn toàn không hiểu hết việc người ta có thể sử dụng những thông tin đó như thế nào".
Theo chuyên gia này, "chiến dịch tranh cử của ông Trump đã sử dụng phương pháp micro-targeting rất hiệu quả".
Tài liệu do Ủy ban bầu cử Liên bang (FEC) công bố cho thấy, ông John Bolton, người mới được ông Trump chọn đề cử làm tân cố vấn an ninh quốc gia, cũng đã từng thuê công ty Cambridge Analytica tiến hành công tác thu thập hồ sơ cho tổ chức vận động gây quỹ Super PAC của ông để ủng hộ các ứng cử viên tranh ghế nghị sĩ của đảng Cộng hòa.
Vẫn chỉ là phỏng đoán
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề chưa rõ là những kỹ thuật tiếp thị đó có thực sự tạo ra sự khác biệt trong kết quả bầu cử Mỹ 2016 hay không.
Ông Chirag Shah, giáo sư chuyên ngành thông tin và khoa học máy tính Đại học Rutgers, cho rằng dữ liệu thu thập trên mạng rất có thể đã mang lại chiến thắng cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Từ kinh nghiệm quan sát hiệu quả của phương pháp này trong ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác không chỉ là chính trị, ông Shah tin rằng ảnh hưởng này là thật.
Tuy nhiên cũng theo ông, việc cho rằng nó có thực sự làm thay đổi kết quả bầu cử không thì vẫn chỉ thuộc phương diện phỏng đoán, không thể xác quyết.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cả chiến dịch tranh cử của ông Obama lẫn ông Trump đều không vi phạm luật bảo vệ dữ liệu cá nhân hay các nguyên tắc nội bộ của Facebook.
Năm 2015 mạng xã hội này từng ra quy định siết chặt, ngăn các nhà phát triển ứng dụng không được thu thập thông tin người dùng khi không có sự đồng ý rõ ràng của họ.
Giáo sư Shah cũng cho rằng những lo lắng của người dùng về việc sử dụng trái phép thông tin cá nhân là chuyện không mới. Tuy nhiên cũng cảnh báo: "Facebook sẽ không có cách nào theo dõi tất cả đường đi của những dữ liệu được chia sẻ với các bên thứ 3 hay thứ tư".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận