Từ trái sang: ảnh nữ diễn viên Meryl Streep thời trẻ, ảnh Meryl Streep “già hóa” qua , và ảnh Meryl Streep ngoài đời thực hiện nay - Ảnh: The Sun
Chỉ trong 10 ngày, từ 9 đến 19-7, ứng dụng này đã được tải 6,5 triệu lần, mang đến cho chủ nhân của nó hơn 1 triệu USD, theo Forbes, căn cứ vào tính toán của Hãng App Annie chuyên phân tích thị trường các ứng dụng.
Nói là "cuộc đời thứ hai" vì ứng dụng FaceApp đã lan truyền lần đầu tiên từ hai năm trước. Năm 2017, với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo, ứng dụng này đã cải biến hình ảnh selfie của người dùng, trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất của iPhone ở Nga và nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, Anh, Đức.
Với làn sóng thứ hai vào tháng 7 này, đầu tiên, hàng triệu người dùng tò mò trên thế giới đã tải hình ảnh của mình vào ứng dụng rồi chia sẻ kết quả trên mạng xã hội. Theo đó, có sáu bộ lọc: cười, nóng bỏng, trẻ trung, già, nam, và nữ.
Tức người dùng có thể xem mình... già đi (hoặc trẻ ra) như thế nào, biến thành nam (hoặc nữ) ra sao, thay đổi màu tóc, đặt thêm hình xăm... như ý muốn.
Có thể tải các bộ lọc miễn phí, nhưng muốn tắt quảng cáo, xóa hình mờ FaceApp trên ảnh và nhận quyền truy cập vào các bộ lọc bổ sung, người dùng sẽ phải mua phiên bản mở rộng, giá gần 5 USD/tháng hoặc gần 24 USD/năm. Trong 1 triệu USD FaceApp thu hoạch được 10 ngày qua, 746.000 USD là của người dùng Apple.
Không chỉ chia sẻ hình ảnh lão hóa của mình trên mạng xã hội, người dùng, ở Nga chẳng hạn, còn lấy hình "về hưu" của các ngôi sao Nga so sánh với những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, làm xuất hiện một kiểu "Flashmob trên mạng".
Vài ví dụ lý thú: lấy hình "về hưu" của cựu ứng viên tổng thống Nga Ksenya Sobchak so sánh với cựu ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton; so ảnh già của nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh Nga Gosha Kutsenko với kẻ sát nhân hàng loạt hư cấu Freddy Krueger trong phim kinh dị Mỹ Ác mộng trên phố Elm; còn nam diễn viên trẻ Pavel Priluchniy khi biến thành ông già lại giống diễn viên, chính khách Mỹ Arnold Schwarzenegger!
Ở quy mô toàn cầu, đến tháng 7-2019, FaceApp đã phá mọi kỷ lục và trở thành ứng dụng miễn phí được dùng nhiều nhất ở 154/155 quốc gia (nước lớn không chơi FaceApp duy nhất là... Trung Quốc), theo tiết lộ trên trang của người sáng lập FaceApp ngày 12-7.
Có lẽ như những trò chơi khác - có thời người ta giẫm đạp nhau để "bắt Pokemon", trò "chơi già" này sẽ nhanh chóng bị lãng quên, nhưng ngay lúc này nó đang gây rắc rối bởi quốc tịch của người sáng chế ứng dụng: một người Nga.
Chuyên gia phụ trách an ninh mạng của Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ Bob Lord cảnh báo: "Trò mới này không phải không có rủi ro: nó được người Nga phát triển!". Ông Lord gửi thư cho các thành viên của cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020, yêu cầu họ phải xóa ngay ứng dụng này nếu đã lỡ tải về.
Riêng thượng nghị sĩ New York của Đảng Dân chủ Charles Chuck Schumer còn viết thư cho giám đốc FBI và Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), bày tỏ lo ngại thông tin riêng tư của công dân Mỹ sẽ lọt vào tay Chính phủ Nga hoặc các công ty khác.
Ông yêu cầu FBI phải đánh giá rủi ro, trong khi FTC phải công khai cảnh báo công dân Hoa Kỳ về những rủi ro khi sử dụng FaceApp. Trong bối cảnh Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 (dù vẫn không có bằng chứng cụ thể nào) và cuộc chiến tranh thông tin hiện nay, mối lo ngại "ứng dụng của người Nga" đang ngày càng được đẩy lên cao.
Từng thất bại với bot đánh bạc
Người sáng lập ứng dụng là công dân Saint Petersburg Yaroslav Goncharov, một chuyên gia về mạng lưới thần kinh (neural networks) nhân tạo. Mê lập trình từ nhỏ, cậu bé Yaroslav may mắn lớn lên trong một gia đình "nhà nòi".
Bác cậu là một trong những nhân viên đầu tiên của công ty phát triển phần mềm lớn nhất thế giới Oracle. Chính ông đã tặng cho cậu cháu cuốn Ngôn ngữ lập trình C khi cậu còn là học sinh Trường nội trú toán - lý số 45 ở St Petersburg.
Cha Yaroslav là người có thể tự tay lắp ráp một tổ hợp điện toán tương tác, gắn với một máy ghi âm. Chính trên đó, cậu viết những chương trình đầu tiên của mình. Cha mẹ Yaroslav là kỹ sư của Nhà máy điện hạt nhân Leningrad. Lớp 10, cậu đã có một máy tính rất hiện đại và hiển nhiên là cậu chơi trò chơi điện tử rất nhiều, dù vẫn theo đuổi môn quyền anh.
Yaroslav Goncharov tốt nghiệp khoa toán học và cơ khí của Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, có việc làm ngay khi còn trong trường đại học.
Sự nghiệp thật sự của Goncharov bắt đầu năm 2001, khi anh làm cho công ty phần mềm SPB chuyên phát triển các ứng dụng di động và là một trong những lá cờ đầu của Nga trên thị trường này. Công việc khiến Goncharov thường xuyên bay tới Mỹ, có thời gian làm việc cho Microsoft.
Đây cũng là lúc lập trình viên người Nga này phát triển mạng lưới thần kinh đầu tiên của mình: một con bot chơi poker! Tuy nhiên, robot đánh bạc này không mang lại nhiều thành công. Kết quả là Goncharov quay về Nga, trở lại làm việc cho SPB đang phát triển nhanh và được người khổng lồ Yandex để mắt rồi mua lại.
Goncharov quyết định phát triển công việc kinh doanh riêng: anh sáng lập Wireless Lab chuyên phát triển các ứng dụng cho di động. Một trong số chúng là FaceApp. Đến nay, Goncharov vẫn là chủ nhân duy nhất của Wireless Lab.
Ý tưởng khá đơn giản: người dùng mạng xã hội ngày càng quan tâm đến ảnh. Xu hướng selfie bắt đầu có các quy tắc riêng và theo nhiều cách đã xác định tương lai của các chương trình di động. Yaroslav tận dụng khía cạnh này.
Nguyên tắc của ứng dụng là mạng lưới thần kinh tự đào tạo mình. Các nhà phát triển đã đưa qua nó hàng trăm bức ảnh để nó học cách tính toán các đường nét của một người thay đổi ra sao, chẳng hạn khi người đó cười.
Trả lời Techcrunch về những lo ngại chính trị, Goncharov bác bỏ các cảnh báo. Anh giải thích FaceApp thực hiện phần lớn việc xử lý ảnh trên đám mây: "Chúng tôi chỉ tải những tấm ảnh mà người dùng chọn để chỉnh sửa và không bao giờ chuyển các hình ảnh khác từ điện thoại sang đám mây. Hầu hết các hình ảnh được xóa khỏi máy chủ của chúng tôi trong vòng 48 giờ sau khi tải xuống.
Chúng tôi chấp nhận yêu cầu của người dùng xóa tất cả dữ liệu của họ khỏi máy chủ chúng tôi. Chúng tôi cũng không bán hoặc truyền dữ liệu cho bên thứ ba nào. Và mặc dù nhóm nghiên cứu và phát triển cốt lõi nằm ở Nga, dữ liệu người dùng không được chuyển sang Nga". Goncharov cũng cho biết đang tiếp tục hoàn thiện các bộ lọc để giúp cải thiện hình ảnh người dùng, dù không tiết lộ cụ thể.
Cơ quan Liên bang Nga về giám sát các công nghệ thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng (Roskomnadzor) cho biết đến nay họ chưa nhận than phiền hay khiếu nại nào về việc rò rỉ hay lạm dụng dữ liệu cá nhân với FaceApp.
Người dùng có thể mất gì?
Tờ Komsomolskaya Pravda đã đem những quan ngại của các chính khách Hoa Kỳ về nguy cơ bảo mật và lạm dụng dữ liệu người dùng FaceApp hỏi giám đốc công ty phân tích nội dung Content Review Sergey Polovnikov.
Chuyên gia này chỉ ra một điểm khá tinh tế: tất cả các máy chủ của FaceApp đều nằm ở Hoa Kỳ. "Tôi hoàn toàn không hiểu điều gì có thể đe dọa an ninh Hoa Kỳ nếu việc lưu giữ và xử lý dữ liệu nằm ở các máy chủ Mỹ, chứ không phải ở Nga?".
Tuy nhiên, về nguyên tắc, theo ông Polovnikov, hình ảnh được tải lên qua các ứng dụng thường được chụp hoặc lưu giữ ở chính thiết bị di động của người dùng. Nếu trước đó người dùng không ngắt kết nối thì các tệp tin này thường chứa thông tin về chính kiểu máy của điện thoại, dữ liệu của nhà điều hành mạng di động, thời điểm, vị trí chụp ảnh...
Vì thế trên lý thuyết có thể nói tới đe dọa an ninh kiểu "các binh sĩ chụp ảnh selfie trên nền các tổ hợp tên lửa và gửi chúng vào ứng dụng. Khi đó có thể đoán ra các tổ hợp này bố trí ở đâu. Nhưng quân đội đã có bài học kinh nghiệm sau câu chuyện ầm ĩ về các máy theo dõi tập thể dục.
Các ứng dụng ấy theo dõi các thông số khác nhau khi bạn chơi thể thao. Khi các binh sĩ bắt đầu sử dụng các máy theo dõi này trong khi chạy, tọa độ chính xác của các căn cứ quân sự sẽ xuất hiện trên bản đồ thế giới. Theo tôi biết, việc giải trình đã diễn ra ở các cơ quan thực thi pháp luật, và giới quân nhân sẽ không tái phạm".
Polovnikov nhìn vấn đề đơn thuần ở khía cạnh giao ước xã hội. Cũng giống như khi người dùng ký thác hình ảnh, thông tin của mình cho Facebook hoặc Instagram, "mọi việc đều có cái giá của nó.
Sử dụng FaceApp, chúng ta giúp một công ty cụ thể làm cho trí tuệ nhân tạo của họ thông minh hơn, bởi chúng ta cung cấp cho trí tuệ đó những dữ liệu bổ sung... Đổi lại, chúng ta nhận được các tấm ảnh khác nhau qua bộ lọc. Đó là một hợp đồng xã hội thông thường, không có yếu tố tội phạm gì trong đó".
Tuy nhiên, truyền thông phương Tây vẫn rất nghi kỵ. The New York Magazine (Mỹ) lưu ý độc giả chi tiết Wireless Lab được đăng ký tại Công viên công nghệ nhà nước Nga Skolkovo. Còn Daily Mail (Anh) trong một bài báo lớn mỉa mai: "Chính phủ Nga không cần cơ sở dữ liệu riêng, họ sẽ nhận được chúng qua các ứng dụng".
Yahoo! News cũng đồng tình: "Chia sẻ hình ảnh selfie của bạn cho người Nga là một ý tưởng tồi".
Trang web của ấn bản tiếng Nga đối lập Meduza.io thì khuyến cáo người dùng nên nghiên cứu cẩn thận các điều khoản sử dụng dữ liệu của FaceApp, trong đó ứng dụng này được quyền sử dụng tên tuổi, dáng vẻ, giọng nói và các đường nét cá nhân khác, "khá đủ để lập nên nhân dạng con người", và "nếu công ty bị mua lại một phần hay toàn phần thì đối tác mua lại có quyền truy cập các dữ liệu này...".
Trang iravnunk.com nhắc nhở người dùng mạng xã hội xìcăngđan chưa xa của Cambridge Analytica, khi người dùng ngỡ rằng họ chỉ thực hiện một bài kiểm tra tâm lý, sau đó mới biết thông tin về họ đã được sử dụng cho cuộc vận động tranh cử của ứng viên tổng thống Donald Trump.
Tháng 5 mới đây, NBC thông báo ứng dụng Ever, đề nghị lưu trữ miễn phí hình ảnh người dùng, hóa ra sử dụng chúng để huấn luyện các mạng lưới thần kinh nhân tạo cho một thiết bị nhận diện rồi đem bán thiết bị này cho các cơ quan thực thi pháp luật!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận