Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trở thành bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: T.LŨY
Cụ thể, tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện ở tầng 1, TP Cần Thơ hiện có 8 bệnh viện với 1.850 giường. Ở tầng 2 hiện có 6 bệnh viện với 1.050 giường. Tầng 3 điều trị bệnh nhân nặng có 3 bệnh viện với tổng 200 giường. Tất cả các bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 đều đã trong tình trạng quá tải, phải kê thêm giường.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP Cần Thơ, số quá tải tập trung nhiều nhất ở bệnh viện thuộc tầng 1 và 2. Trong đó bệnh viện dã chiến các quận Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, huyện Thới Lai và tầng 1 của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã phải kê thêm giường lên gần gấp đôi so với số giường kế hoạch.
Để giải quyết tình trạng này, hiện TP Cần Thơ đang tổ chức quản lý điều trị hơn 4.000 trường hợp F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà và cách ly tại nhà hơn 5.000 người là F1. Số liệu thực tế còn cao hơn do chưa thống kê báo cáo kịp.
Ông Cao Hoàng Anh - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết những ngày gần đây, số ca F0 liên tục tăng từ 700 đến gần 1.000 trường hợp/ngày. Số ca F0 này chỉ là những trường hợp xét nghiệm được trong nhóm nguy cơ cao, nếu xét nghiệm rộng ra cộng đồng, số liệu khả năng còn cao hơn nữa.
Điều này phản ánh việc khi mở cửa, người dân có tâm lý chủ quan, tụ tập nhiều hơn, các nhà máy, khu công nghiệp cho công nhân đi làm lại, tan sở về nhà cũng thoải mái hơn…, dẫn đến khó kiểm soát khi có ca lây nhiễm ban đầu.
Để giải tỏa áp lực cho các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tầng 1, hiện Sở Y tế TP Cần Thơ đã hướng dẫn giảm bớt thời gian cách ly điều trị. Ví dụ bệnh nhân đã tiêm vắc xin, đã xét nghiệm 2 lần âm tính… có thể cho về nhà theo dõi. Các trường hợp F0 điều trị tại nhà thì giao trách nhiệm cho 83 trạm y tế lưu động, 50 đội cấp cứu lưu động và các tổ COVID-19 cộng đồng, cấp gói thuốc A (gồm hạ sốt và các vitamin) và thăm khám theo dõi sức khỏe.
"Riêng gói thuốc B chỉ được cấp khi bệnh nhân chuyển giai đoạn 2 tại bệnh viện, có sự theo dõi của bác sĩ. Đối với các loại thuốc kháng virus, Sở Y tế Cần Thơ cũng đã liên hệ với Bộ Y tế để nhận, do đây là thuốc trong giai đoạn thử nghiệm nên những bệnh nhân đồng ý và có cam kết mới được cấp phát sử dụng", ông Hoàng Anh cho hay.
Vấn đề đáng lo ngại nhất của ngành y tế TP Cần Thơ lúc này là quá tải ở bệnh viện thuộc tầng 3 (bệnh nhân nặng, nguy kịch), với chỉ 50 giường hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ; 100 giường tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và 50 giường tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi.
Ông Trần Quốc Luận - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - chia sẻ: Theo yêu cầu của lãnh đạo TP, bệnh viện chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Các trang thiết bị và nhân lực hoàn toàn của bệnh viện cũ, không được đầu tư mua sắm gì thêm.
Trước tình hình số ca mắc ngày càng tăng, bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, cả cơ sở vật chất và nhân lực điều trị, thiếu máy thở, trang bị hồi sức tích cực… Hiện bệnh viện đang điều trị cho 427 bệnh nhân ở cả tầng 1, 2, trong đó có 73 bệnh nhân nặng cần theo dõi.
"Sở Y tế TP Cần Thơ đã có tờ trình đề xuất UBND TP xin Bộ Y tế chi viện thêm 50 bác sĩ, 100 điều dưỡng cùng trang thiết bị hồi sức COVID-19 để điều trị cho bệnh nhân nặng. Đồng thời đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân để hạn chế bệnh chuyển nặng và tử vong", ông Cao Hoàng Anh cho biết.
Hiện tỉ lệ tiêm mũi 1 (người trên 18 tuổi) của Cần Thơ đạt trên 96%, mũi 2 đạt trên 80%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận