Nhiều đề xuất mới về quy định làm việc đối với người F0, F1 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế, doanh nghiệp và người lao động xung quanh vấn đề này. Các giải pháp đảm bảo an toàn ra sao nếu F1 đi làm việc trực tiếp?'
Cho người thuộc diện F0, F1 có thể đi làm là một trong những đề xuất của Bộ Y tế chuẩn bị cho việc tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, cần cân nhắc từng địa phương, không nên áp dụng đại trà.
F0 làm việc trực tuyến: dựa trên tự nguyện
Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm với hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh COVID-19 tại gia đình, cơ sở điều trị.
Đồng thời, F1 được chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm (thay vì cách ly tại nhà 5 ngày), tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Người F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên để người F0 làm việc vì người mắc COVID-19 hiện là người bệnh vẫn đang được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm, họ có quyền lợi của người bệnh.
Xoay quanh việc bệnh nhân F0 có nên làm việc trực tuyến tại nhà, PGS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết nếu bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng có thể để họ được tự nguyện làm việc với hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đó phải là điều tự nguyện và trong suốt thời gian làm việc phải luôn theo dõi sức khỏe của mình, nếu có bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế, đơn vị để xử trí kịp thời.
"Nếu không có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau rát họng, có thể ở nhà làm việc trực tuyến, tuy nhiên cần phải xem xét kỹ tùy trường hợp. Ví như một giáo viên nhiễm bệnh có triệu chứng đau họng, viêm họng, dù nó ở thể nhẹ thì không thể yêu cầu họ tiếp tục dạy trực tuyến.
Các đơn vị, doanh nghiệp nên bố trí sẵn sàng kịch bản nhân sự thay thế vì diễn biến của dịch bệnh khi vào cơ thể vẫn rất khó lường. Cần có những cơ chế khuyến khích người làm việc ở vị trí trọng yếu để không đứt gãy chuỗi công việc", ông Phu chia sẻ.
Phải chú ý quyền lợi của F0 vẫn làm việc
Bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho rằng vấn đề chính hiện nay là việc tiêm ngừa để độ phủ vắc xin luôn được đảm bảo. Với việc lây nhiễm bệnh ở cộng đồng là điều rất khó tránh khỏi. Có chăng việc phòng ngừa lây nhiễm chủ yếu tập trung ở các nhóm yếu thế, giảm tổn thất về con người.
"Vấn đề cơ bản là tiêm ngừa, còn làm việc tùy thuộc từng nhu cầu, mong muốn của mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Hiện giờ, với bệnh cảm cúm thông thường nếu người bệnh muốn xin nghỉ thì họ được nghỉ thôi, họ vẫn được hưởng chế độ đau ốm và COVID-19 cũng được thế", ông Chiến chia sẻ.
Đồng thời, cũng có những băn khoăn về yếu tố diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân khi nhiễm bệnh. Một bác sĩ chuyên khoa nhiễm có quan điểm rằng hiện nay COVID-19 vẫn là một bệnh truyền nhiễm nhóm A, vẫn có mức độ nguy hiểm nhất định.
Với bệnh nhân F0 dù không có triệu chứng nhưng không thể phủ nhận cơ thể đang có virus xâm nhập, không thể khẳng định liệu có diễn tiến nặng hơn không. Chính vì vậy, người mắc COVID-19 nên được nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 2-3 ngày sau phơi nhiễm.
"Theo đề xuất người F0 làm việc trực tuyến, mặc dù công ty cho phép nhân viên tự nguyện đăng ký làm việc hoặc nghỉ ngơi, nhưng nếu họ chọn nghỉ ngơi họ lại có tâm lý quan ngại đánh giá của đơn vị. Hoặc có thể xảy ra tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp thiếu nguồn lực và họ bắt người F0 vẫn phải làm việc để đáp ứng nhu cầu nhân sự", vị bác sĩ này chia sẻ.
Mô hình F1 đi làm ra sao?
Công nhân là F1 vẫn đi làm tại nhà máy ở Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Văn Giang - chủ tịch công đoàn Công ty Sanwa (Bắc Giang) - chia sẻ công nhân là F1 sẽ đi làm bình thường tại công ty từ ngày 7-3.
Những người này không phân biệt F1 nguy cơ cao hay nguy cơ thấp như trước. Tuy nhiên, công nhân đi làm phải xét nghiệm nhanh vào thứ hai và xét nghiệm PCR vào thứ tư hằng tuần. Chi phí xét nghiệm cho hơn 330 công nhân hoàn toàn do doanh nghiệp chi trả.
Lý do không thể tổ chức khu vực làm riêng cho F1 là vì công ty gia công cắt gọt chính xác phụ tùng ôtô với máy cơ khí chính xác rất nặng, không thể di chuyển. Người F1 đi làm khu riêng, xưởng riêng chỉ khả thi nếu áp dụng ở công ty may mặc, làm theo băng chuyền", anh Nguyễn Văn Giang chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Chí, chủ tịch công đoàn Công ty Crystal Martin (Bắc Giang), cho hay công ty đã thông báo thông tin người F1 đi làm theo hướng dẫn mới tới khoảng 8.300 công nhân viên.
Nhiều công nhân đồng thuận nếu là F1 vẫn đi làm bình thường vì đa số được tiêm vắc xin 3 mũi, tuân thủ 5K. Công ty cũng không chia xưởng để tách công nhân là F1. Doanh nghiệp giảm tần suất xét nghiệm, chỉ xét nghiệm nhanh thường xuyên cho đội xe, đội nấu bếp ở căngtin...
"Công nhân F1, người khỏi bệnh rất mong muốn đi làm vì nếu nghỉ thì hưởng 70% lương nên đời sống rất khó khăn", anh Chí bày tỏ.
Trước đó vào ngày 2-3, tỉnh Bắc Giang đã cho phép những người là F1 đi làm việc, học tập bình thường, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc 5K.
Tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Phúc - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết F1 tại tỉnh này vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi có xét nghiệm âm tính.
Đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, ông Phúc cho rằng một số doanh nghiệp lớn có quy mô lớn có thể tổ chức một dây chuyền riêng cho công nhân là F1 để đảm bảo sản xuất, tuy nhiên việc này sẽ khó hơn ở công ty nhỏ, nhân công ít.
"Tỉnh sắp hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vắc xin cho công nhân nên phương án F1 đi làm có thể được xem xét", ông Phúc cho hay.
HÀ QUÂN
F1 đi làm, cần có điều kiện
Về đề xuất cho F1 được làm trực tiếp, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết đó là phương án phù hợp trong tình hình hiện nay, bởi số ca nhiễm tăng cao, vô số người đã trở thành F1.
"Nếu cứ cách ly F1 ở nhà thì những nơi có diễn biến dịch COVID-19 mật độ cao dễ xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta nới lỏng chứ không phải thả lỏng, chúng ta chấp nhận người F0 trong cộng đồng, chấp nhận rủi ro lây nhiễm nhưng phải làm sao để tránh quá tải", PGS Trần Đắc Phu cho hay.
Theo ông Phu, Bộ Y tế đưa ra đề xuất, còn việc thực hiện phải tùy vào từng địa phương, từng cơ quan xí nghiệp. Một cơ quan không quản lý tốt người F1 thì sẽ có nguy cơ lây lan ra cả cơ quan khiến tình hình dịch phức tạp hơn. Với người F1 đi làm trực tiếp phải luôn theo dõi sức khỏe, tuyệt đối tuân thủ 5K. Xét nghiệm nhanh nếu trong quá trình theo dõi bệnh có bất kỳ triệu chứng gì.
"Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất như vậy thì bộ đã xem xét kỹ trên nền tảng chung là độ bao phủ vắc xin. Có lẽ sẽ có thêm những hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn trong từng khu vực, từng đơn vị nếu đề xuất của Bộ Y tế được áp dụng", bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) nói.
Các chuyên gia lưu ý: trong quá trình người F1 làm việc trực tiếp, việc một số người từ F1 trở thành F0 là điều rất khó tránh khỏi nên các đơn vị phải xây dựng trước phương án xử trí. Tạm dừng khu vực làm việc của ca nhiễm để xét nghiệm sàng lọc.
Bản thân người là F1 cũng tự ý thức theo dõi sức khỏe, tránh tiếp xúc nhiều người trong quá trình di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc. Khi nhiễm bệnh phải khai báo ngay, tuyệt đối không giấu bệnh để tiếp tục làm việc.
Nên cho doanh nghiệp linh hoạt áp dụng
Người bệnh F0 được cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện các doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM đều cho rằng việc Bộ Y tế đề xuất cho người F1 đi làm trực tiếp sẽ tạo điều kiện cho DN vận dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình nếu đề xuất này được thông qua.
Cụ thể, đại diện một DN FDI tại TP.HCM cho biết thời gian qua DN này quy định những người F1 (sống cùng nhà, cùng phòng trọ với người F0) nghỉ 3 ngày để theo dõi sức khỏe, nếu không có triệu chứng có thể quay trở lại nhà máy sản xuất. Còn chiếu theo đề xuất mới nếu được phê duyệt, DN có thể xem xét tùy tình hình nhu cầu cho phép người này được tiếp tục đi làm.
"Về yêu cầu phải có khu vực riêng cho F1, theo tôi, cũng nên linh hoạt theo từng nhà máy, quan trọng là giãn cách và tuân thủ các quy định về phòng dịch" - vị này nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé - chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM - cho biết đề xuất cho F1 đi làm trực tiếp nhận được sự đồng tình của DN. Ông Bé cho hay TP.HCM hiện có hơn 350.000 công nhân trong các KCN với tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 2 gần 100%, nhiều người đã tiêm mũi tăng cường (mũi 3). Nếu áp dụng rập khuôn người F1 phải cách ly ít nhất 5 ngày sẽ kéo theo nhà máy không có công nhân đi làm.
Với những người xác định là F1, chỉ cần bố trí họ làm việc ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m và có sự giám sát của quản lý nhà máy. Đến ngày thứ 5, nếu xét nghiệm vẫn là âm tính, công nhân đó được hòa nhập lao động bình thường.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho rằng việc nới quy định về làm việc cho F1 sẽ tạo điều kiện tốt cho DN có lao động sản xuất.
NGỌC HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận