Nhiều F0 là người lớn tuổi, ở một mình nên tình nguyện viên phải vất vả gõ cửa, bấm chuông hoặc nhờ hàng xóm hỗ trợ - Ảnh: HÀ QUÂN
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội sáng 22-12, cán bộ và lực lượng y tế điều trị tại nhà theo quy trình đối với các bệnh nhân F0 không triệu chứng.
Bà Trần Thị Lan Hương - phụ trách trạm y tế lưu động phường Ô Chợ Dừa - cho biết trạm y tế lưu động được phân công phụ trách F0 điều trị tại nhà. Tổ chăm sóc huy động sự hỗ trợ của đoàn viên thanh niên, quân nhân… tất cả đều đã được tập huấn.
"Chúng tôi xác nhận nếu F0 có đủ điều kiện để cách ly tại nhà như có phòng cách ly riêng, trang thiết bị y tế (máy đo SpO2)… sẽ hướng dẫn người dân tự cách ly và chăm sóc tại nhà.
Hàng ngày, buổi sáng cán bộ y tế sẽ rà soát danh sách, bắt đầu từ 10h kíp trực liên hệ với F0 để tư vấn và tiến hành xuống tận nơi cấp phát thuốc", bà Hương nói.
Chị Nhung - quận Đống Đa, Hà Nội - nhận được túi thuốc A của cán bộ y tế phường và được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà.
"Tôi vừa biết mình mắc COVID-19 hôm qua, sau khi khai báo đã được y tế phường tiếp nhận. Tôi đã ký cam kết để cách ly điều trị tại nhà. Hiện tại, tôi không có triệu chứng, nên việc điều trị tại nhà tôi nghĩ sẽ phù hợp hơn", chị Nhung chia sẻ.
Tình nguyện viên hướng dẫn chị Nhung sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Chị Nhung có thể gọi số điện thoại bác sĩ hoặc nhắn qua Zalo để được tư vấn hoặc cấp cứu kịp thời
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Tuấn - giám đốc Trung tâm y tế quận Đống Đa - cho biết hiện quận có hơn 200 F0 điều trị tại nhà, 100% đều được cấp túi thuốc A.
"Chúng tôi chỉ phát túi thuốc A một lần khi bắt đầu tiếp nhận F0 điều trị tại nhà. Túi thuốc A sử dụng trong 10 ngày. Với túi thuốc B cũng chỉ phát 1 lần khi bệnh nhân chuyển nặng, chuẩn bị chuyển tuyến.
Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục Quản lý dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Đến ngày 20-12 quận mới nhận được 1.200 viên, chỉ được 30 người dùng. Chuẩn bị sắp tới sẽ được tiếp nhận thêm khoảng 4.800 viên là được hơn 100 người dùng. Gói thuốc này chúng tôi ưu tiên chỉ dành cho những người cao tuổi, bệnh lý nền. Vì vậy số người tiếp cận với thuốc thử nghiệm lâm sàng còn ít", ông Tuấn thông tin.
Lý giải việc nhiều người dân khi tự test dương tính nhưng không gọi được cơ sở y tế phường, ông Tuấn cho biết đúng là có những trường hợp như vậy.
"Không phải lúc nào cán bộ y tế cũng nghe máy ngay. Nếu đòi hỏi gọi là y tế phường xuống thì không thể nào đáp ứng được. Mỗi ngày cán bộ y tế còn tiêm chủng, truy vết, lại lên kế hoạch mũi 3… Như vậy không thể quan tâm được hết các F0 điều trị tại nhà mà chủ yếu chăm sóc những bệnh nhân có triệu chứng nặng, kịp thời chuyển tuyến.
Tuy nhiên, chỉ cần người dân khai báo qua ứng dụng thì sẽ được cập nhật và liên hệ lại. Hiện tại, quận chủ yếu theo dõi người dân lớn tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin. Khi có biểu hiện sẽ chuyển đi ngay để điều trị", ông Tuấn nói.
Bà Hương cho biết những F0 khi cách ly tại nhà cần khai báo hàng ngày trên hệ thống theo dõi để cán bộ y tế theo dõi. Khi đo SpO2 dưới 95%, nhiệt độ khoảng 38,5 độ C trở lên hoặc sốt liên tục 2 ngày phải báo cán bộ y tế để nhanh chóng chuyển đến cơ sở điều trị phù hợp.
Tình nguyện viên sử dụng xe máy tới những con ngõ nhỏ, ngách bé...
Trước khi chuyển tới bệnh nhân, kit xét nghiệm và thuốc được cán bộ y tế kiểm tra kỹ số lượng, hạn sử dụng...
Bạn Phạm Hồng Phúc tham gia tình nguyện hỗ trợ mang túi thuốc, kit xét nghiệm tới từng nhà bệnh nhân hoặc F1 tại quận Đống Đa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận