Tiêm kích F-35 với tầm hoạt động xa và khả năng tàng hình cao sẽ là "bảo bối" của không quân Nhật Bản - Ảnh: REUTERS
"Thương vụ F-35 sẽ cho phép Nhật sở hữu phi đội F-35 lớn nhất trong số các đồng minh của Mỹ" - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố như vậy trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua.
Việc xác nhận thỏa thuận F-35, lần đầu được công bố hồi tháng 12-2018, cho thấy một bức tranh lớn hơn về vai trò của Nhật Bản, một cuộc chạy đua vũ trang ở và thế kiềm kẹp mà các đồng minh Mỹ đang giăng ra ở châu Á.
Đối trọng với đe dọa từ Trung Quốc
F-35 tiên tiến đến mức có thể "nói chuyện" với các máy bay khác, phát hiện kẻ thù nhanh chóng và có khả năng "tàng hình" trước các hệ thống săn mồi của địch tốt chưa từng thấy.
Năm ngoái, Nhật Bản đã quyết định hoán cải tàu Kaga và Izumo trở thành hai tàu sân bay thực thụ đầu tiên của nước này kể từ Thế chiến 2, nhằm cho phép các tiêm kích F-35B cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Ban đầu, Tokyo đặt mua 42 chiếc F-35A - vốn chỉ có khả năng cất cánh và hạ cánh theo hình thức truyền thống. Tuy nhiên, năm ngoái Nhật đã thông qua kế hoạch mua thêm 105 tiêm kích F-35, trong đó có 42 chiếc F-35B, theo báo Nikkei.
"Thỏa thuận F-35 sẽ giúp tăng cường năng lực của Nhật Bản nhằm đạt được ưu thế trên biển và trên không mà vốn là điều cốt lõi đối với việc bảo vệ đảo quốc" - giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi đến từ Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc bình luận.
Hiện Nhật sở hữu phi đội không quân cũ kỹ với khoảng 200 chiến đấu cơ F-15 sắp ngừng phục vụ và mong muốn bước sang một thế hệ chiến đấu cơ tàng hình mới.
Giới quan sát quân sự cho rằng khi tàu chiến Nhật được chắp thêm đôi cánh F-35, đưa tầm hoạt động của không quân Nhật Bản xa hơn, đó cũng sẽ là cơn ác mộng cho tham vọng của Bắc Kinh ở các vùng biển, đặc biệt là Biển Đông.
Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Tokyo xem Biển Đông là vùng biển quan trọng về mặt chiến lược nhờ vào vai trò là tuyến vận chuyển quan trọng.
Tương tự Washington, Tokyo từ lâu đã cảnh giác trước sự mở rộng về quân sự của Bắc Kinh.
Cách đây 3 năm, Nhật Bản đã công bố chính sách ngoại giao mới về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" nhằm thúc đẩy hơn nữa "pháp quyền, tự do hàng hải và tự do thương mại".
Với năng lực được đưa lên một tầm mới, các hoạt động phối hợp chung với Mỹ của Nhật có thể sẽ thường xuyên hơn.
"Thỏa thuận F-35 có thể giúp Nhật Bản đối trọng với các mối đe dọa từ Trung Quốc và được xem là một phần quan trọng trong chiến lược gây sức ép trên toàn cầu của Mỹ. Điều này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, căn cứ vào số lượng lớn chiến đấu cơ mà Nhật Bản đặt hàng" - ông Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự đến từ Bắc Kinh, phân tích.
Các nước lo sắm "bảo bối trên không"
Không chỉ riêng Nhật Bản, nhiều quốc gia châu Á đã và dự tính bổ sung tiêm kích F-35 vào phi đội của mình, theo Đài Channel News Asia.
Đầu năm nay, Chính phủ Singapore cũng xác định tiêm kích thế hệ thứ 5 này là một lựa chọn để thay thế phi đội F-16 già cỗi. Không như các máy bay F-16 thuộc thế hệ thứ 4, tiêm kích F-35 giấu được tất cả vũ khí và thùng nhiên liệu bên trong "lớp da" bóng mượt của nó.
Khả năng tàng hình của F-35 tốt đến mức có thể "sống sót" trước các hệ thống phòng không mới nhất có thể bắn những quả tên lửa chết chóc xa tới 400km - loại vũ khí mà theo ông Steve Over, giám đốc mảng phát triển kinh doanh quốc tế F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin, có lẽ là "mối đe dọa nghiêm trọng nhất với các chiến đấu cơ".
Cho đến nay, khoảng một chục đồng minh của Mỹ đã đặt hàng F-35. Chính phủ Úc đã dành khoản ngân sách 17 tỉ USD để mua 72 tiêm kích dòng này, trong khi Hàn Quốc đặt hàng 40 chiếc F-35A. Lockheed Marin cũng hi vọng Seoul sẽ mua thêm 20 chiếc.
Ông Tống Trung Bình, một nhà phân tích quân sự tại Hong Kong, nhận định: "Thương vụ F-35 của Nhật sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc cũng hành động tương tự bằng việc phát triển và triển khai chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến để đối trọng với sự hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh".
Thỏa thuận F-35 sẽ gây thêm áp lực lên Trung Quốc để đẩy nhanh và cải tiến chương trình phát triển J-20.
Bởi lẽ, giới phân tích cho rằng mặc dù các tiêm kích thế hệ thứ năm J-20 cho phép quân đội Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình, dòng máy bay này đã gặp một số trục trặc về động cơ sau khi được biên chế hồi năm 2017 và từng dính nhiều đồn đoán là "hổ giấy".
Khẩu chiến tại Shangri-La
Trong bối cảnh Mỹ lên tiếng phản đối liên tục các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, giới quan sát đang trông chờ vào một cuộc khẩu chiến cực nóng khi cả Washington và Bắc Kinh đều cử bộ trưởng quốc phòng đến dự Đối thoại Shangri-La 2019 ở Singapore, dự kiến diễn ra từ ngày 31-5 tới 2-6.
Theo báo South China Morning Post, Đối thoại Shangri-La có thể sẽ là vũ đài để Mỹ công bố chi tiết về một giai đoạn mới trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài việc đẩy mạnh thêm các hợp tác trong "Bộ tứ kim cương" (Quad) gồm Mỹ - Nhật - Ấn - Úc, Washington có thể sẽ nỗ lực thu hút sự tham gia của các nước khác vì việc tập trung vào Quad hiện giới hạn phạm vi hợp tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận