Máy bay chiến đấu F-35 có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ - Ảnh: DEFENSE.GOV
"Chúng tôi tin nhiều khả năng viên phi công đã bị 'mất phương hướng về không gian' và không ý thức về việc này" - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết tại cuộc họp báo ngày hôm nay 10-6.
Theo ông, bất kỳ phi công nào cũng có thể rơi vào hoàn cảnh trên, tùy theo trình độ và kinh nghiệm của họ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy viên phi công 41 tuổi đã tìm cách thoát ra khỏi máy bay và có thể đã mất phương hướng ngay trước khi xảy ra vụ việc.
Máy bay đã rơi cắm đầu xuống biển Thái Bình Dương ở vận tốc 1.100km/h.
Tuyên bố mới nhất này đồng nghĩa với việc bác bỏ các nguyên nhân khác như vấn đề về phần mềm hoặc lỗi kỹ thuật gây ra vụ rơi máy bay tân tiến này.
Đánh giá của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có thể khiến các nước khác đang vận hành hoặc có kế hoạch mua loại máy bay chiến đấu hiện đại này của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) như Anh, Mỹ, Úc... thở phào nhẹ nhõm.
Chiếc F-35 trưng bày tại Hội chợ hàng không ở Berlin (Đức) tháng 4-2018 - Ảnh: REUTERS
Công tác điều tra manh mối nguyên nhân vụ rơi máy bay chiến đấu hiện đại này đang rất được chú ý trong bối cảnh Tokyo đã nêu kế hoạch mua 105 máy bay F-35A với giá 11,6 tỉ yen (107 triệu USD)/chiếc nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump vừa qua.
Thương vụ mua máy bay chiến đấu lớn nhất này có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả điều tra.
Hiện Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) đang phân tích các dữ liệu rađa và các bản ghi liên lạc giữa phi công của máy bay gặp nạn với với 3 máy bay F-35A khác trong quá trình tập huấn.
Vào tối 9-4 vừa qua, một máy bay F-35 thuộc đội bay số 302, không đoàn bay số 3 của ASDF đồn trú tại căn cứ Misawa, đã biến mất khỏi màn hình rađa trong quá trình huấn luyện bay và rơi xuống biển khoảng 28 phút sau khi cất cánh.
Sau sự cố, Bộ Quốc phòng đã ra lệnh ngừng hoạt động bay của toàn bộ đội bay F-35.
Đây là vụ rơi máy bay F-35A đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
Nhật Bản đã ngừng tìm kiếm máy bay gặp nạn sau khi thu thập được một số mảnh vỡ và bộ ghi dữ liệu bay. Tuy nhiên, bộ phận nay đã bị hư hại nặng.
Tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật cùng máy bay Mỹ tìm kiếm chiếc F-35 mất tích trong ngày 10-4 - Ảnh: REUTERS
Ngày 7-6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật xác nhận phi công Akinori Hosomi đã thiệt mạng, nhiều phần thi thể của ông đã được tìm thấy trên biển cùng với các mảnh vỡ của máy bay.
F-35 Lightning II là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích bom phối hợp (JSF) một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến (CAS), ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không.
Dự án JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất cho Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, thể hiện qua số lượng máy bay dự tính chế tạo trong thời gian tới năm 2035 lên tới hàng ngàn chiếc, như vậy trung bình dự kiến chế tạo hơn 100 chiếc mỗi năm.
Nó được thiết kế và chế tạo bởi Tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác là Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman. Tổng kinh phí ước tính phục vụ nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và chế tạo số lượng máy bay đến 2.456 chiếc (trong đó có 14 chiếc dùng để thử nghiệm) của cả ba biến thể lên tới 406,1 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận