Nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về chuyện vì sao nợ xấu của Eximbank tăng cao dẫn đến việc không còn lợi nhuận để chia cổ tức. |
Đại hội cổ đông của ngân hàng (NH) Eximbank và Đông Á được tổ chức vào ngày 21-7, Chủ tịch HĐQT của cả hai NH đều không tham gia ứng cử nhiệm kỳ mới.
Đại hội cổ đông Eximbank kéo dài đến hơn 15g, với vài chục câu hỏi gay gắt xoáy vào câu chuyện nợ xấu, cổ tức. Nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về chuyện vì sao nợ xấu của Eximbank tăng cao dẫn đến việc không còn lợi nhuận để chia cổ tức.
Lý giải vấn đề này, ông Phạm Hữu Phú, tổng giám đốc Eximbank, nói tổng tỉ lệ cổ tức NH chia cho cổ đông trong năm năm qua lên đến 87% và NH đã phải trả giá, đó là dự trữ ít, tín dụng phát triển quá nóng.
Ngoài ra để đạt chỉ tiêu, NH cũng giao thẩm quyền quá lớn cho các chi nhánh, lợi nhuận đạt được ở mức cao nhưng đã đem chia hết cho cổ đông. Đến nay, sau mấy năm tình hình kinh tế khó khăn, nợ xấu bắt đầu lộ ra.
Nhưng theo ông Phú, thà chấp nhận khó khăn trước mắt để vượt qua chứ nếu cứ chạy theo lợi nhuận thì có chia cổ tức cao nhưng không biết lãi thật hay không.
“Mong cổ đông chia sẻ, có những lúc vinh quang nhưng cũng có những lúc khó khăn. Bản thân tôi cũng cố gắng hết sức nhưng nhiều lúc lực bất tòng tâm. Tôi sẵn sàng từ chức nếu không đảm đương được nhiệm vụ” - ông Phú nói.
Bà Văn Thái Bảo Nhi, phó tổng giám đốc phụ trách khối giám sát hoạt động Eximbank, nói thị trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng phần lớn đến nợ xấu của Eximbank.
Tổng nợ xấu từ nhóm 2 đến nhóm 5 của NH này là 2.400 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 2,8% tổng dư nợ, chủ yếu là có tài sản đảm bảo, song do giá bất động sản giảm nên việc phát mãi tài sản để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Chỉ khoảng 5% trong tổng dư nợ là không có tài sản đảm bảo, nhưng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước, có uy tín và không phát sinh nợ xấu.
Tương tự, cổ đông NH Đông Á cũng bức xúc vì kết quả kinh doanh yếu kém, hai năm nay không có cổ tức. “Chúng tôi cũng hiểu nợ xấu là do bất động sản đóng băng, người vay không trả được nợ, nhưng NH khác cũng khó khăn sao họ có cổ tức?” - một cổ đông bức xúc. Các cổ đông cũng yêu cầu HĐQT nói rõ kế hoạch giải quyết, không thể cứ kéo dài từ năm này qua năm khác.
Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc NH Đông Á, đã nghiêm túc nhận trách nhiệm. “Bản thân tôi và gia đình cũng là cổ đông của NH, do vậy đây không phải là lời xin lỗi suông mà trên cơ sở đó sẽ rà soát, tích cực xử lý các khoản nợ xấu, sớm đưa NH trở lại vị trí. Tôi cũng mong cổ đông cùng đồng hành giúp NH vượt qua khó khăn này” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, trong số nợ xấu của NH có những khoản do quy định nhưng bản chất không xấu. Thời gian qua NH đồng hành cùng khách hàng và hiện nay nhiều doanh nghiệp đã hồi phục và có khả năng trả nợ. Ông Bình cho biết trong năm nay NH tiếp tục bán nợ cho VAMC để đưa nợ xấu xuống mức 3% và tiếp tục thu hồi nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận