17/03/2023 13:48 GMT+7

EVN vẫn đề xuất cấp điện cho Côn Đảo bằng cáp ngầm vượt biển

Đề xuất mới nhất của EVN không thay đổi so với kiến nghị đưa ra trước đó, mặc dù Bộ Công Thương đã yêu cầu tập đoàn này đánh giá lại toàn bộ nhu cầu phụ tải điện của huyện Côn Đảo, các phương án cấp điện nhằm đảm bảo tính khả thi nhất.

EVN vẫn đề xuất cấp điện cho Côn Đảo bằng cáp ngầm vượt biển - Ảnh 1.

Hệ thống điện tại Côn Đảo hiện nay được cấp chủ yếu từ nguồn điện chạy dầu - Ảnh: N.HIỂN

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có đề xuất gửi Bộ Công Thương về phương án cấp điện cho Côn Đảo bằng tuyến cáp ngầm vượt biển. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 4.950 tỉ đồng.

Nhu cầu điện Côn Đảo ra sao?

Đề xuất của EVN đưa ra sau khi đơn vị tư vấn là Ban quản lý dự án điện 3 (thuộc EVN) đã rà soát nhu cầu phụ tải điện và xây dựng các phương án. Việc rà soát được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương với tập đoàn này, đề nghị đánh giá lại toàn bộ nhu cầu phụ tải điện của huyện Côn Đảo, các phương án cấp điện nhằm đảm bảo tính khả thi nhất.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân của Côn Đảo giai đoạn 2015-2019 tăng từ 16-22%. Tuy có giảm sút trong giai đoạn đại dịch nhưng đến năm 2022, nhu cầu điện đã tăng trở lại như trước. Dự báo nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, lên cao nhất 27,3% vào năm 2025.

Trên cơ sở này, cơ quan tư vấn đã đưa ra 5 phương án cấp điện. Bao gồm, phát triển nguồn nhiệt điện tại chỗ; phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió trên mặt đất; điện gió ngoài khơi; nguồn điện gió ngoài khơi kết hợp nguồn diesel và mặt trời hiện hữu; hoặc kết hợp với hệ thống lưu trữ điện; cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển.

Việc lựa chọn phương án phải đảm bảo các nguyên tắc như đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng. Đảm bảo cung cấp nguồn ổn định, liên tục; hướng đến việc giảm phát thải khí cacbon vào năm 2050 và bảo vệ môi trường, chiếm ít diện tích sử dụng đất. Đồng thời đảm bảo giá bán điện trên đảo ở mức chấp nhận được.

Cấp điện bằng cáp ngầm "vẫn khả thi nhất" 

So sánh các phương án, cơ quan tư vấn cho hay việc cấp điện từ nguồn nhiệt điện tại chỗ (dầu diesel hoặc khí LNG) có chi phí lớn, hiệu quả kinh tế dự án không cao, giá nhiên liệu bất ổn và còn tác động đến môi trường sinh thái.

Theo đơn vị tư vấn, phương án cấp điện gió hoặc điện mặt trời mặt đất với quy mô công suất lớn sẽ chiếm dụng nhiều diện tích đất, nên không phù hợp với quy hoạch chung. Bởi theo quy hoạch của huyện Côn Đảo được phê duyệt, quỹ đất cho công trình năng lượng có tỉ trọng thấp, chiếm 0,04% diện tích tự nhiên, tức chỉ tương ứng với 2,89ha.

Với phương án nguồn điện gió ngoài khơi, cơ quan tư vấn cho rằng khu vực biển Côn Đảo có tiềm năng gió lớn, thuận lợi cho phát triển điện gió trên biển. Tuy vậy, nguồn điện này có tính chất không ổn định, đặc biệt là các tháng chuyển mùa. Khi gió suy yếu thì công suất, lượng điện năng cung cấp giảm tới 80 - 90%. Vì vậy không đảm bảo cung cấp điện liên tục.

Vì vậy nếu thực hiện phương án này, cần phải có nguồn chạy bù. Trường hợp sử dụng nguồn diesel và điện mặt trời hiện hữu, cũng không thể đáp ứng nhu cầu điện liên tục và ổn định, không đảm bảo mục tiêu giảm phát thải.

Còn trường hợp bổ sung thêm nguồn lưu trữ điện, sẽ cần thêm diện tích để lắp đặt hệ thống pin. Tuy vậy, có thể gây tác động đến môi trường sau khi loại bỏ pin, làm gia tăng chi phí. Do đó, mô hình này cũng không hiệu quả về mặt kinh tế do chi phí đầu tư quá lớn và chỉ giải quyết thiếu hụt công suất trong ngắn hạn, cũng không thực hiện giảm phát thải.

Đối với phương án được đề xuất là cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển, cơ quan tư vấn cho rằng nguồn điện này có đa dạng loại hình nên có độ dự trữ cao. Vì thế đảm bảo việc cung cấp điện liên tục, ổn định và lâu dài theo nhu cầu phụ tải cực đại trên đảo. 

Đây cũng là phương án hiệu quả tài chính, khi tổng mức đầu tư, giá điện trung bình là tốt nhất khi đáp ứng việc cung cấp điện ổn định, lâu dài. Với phương án này cũng sẽ tạo điều kiện hình thành tuyến thông tin cáp quang giữa đất liền và Côn Đảo, nên đây được xem là phương án tối ưu nhất.

Đầu tư điện gió ngoài khơi ở Côn Đảo hơn 6.000 đồng/kWh, vì sao ưu tiên chọn kéo cáp ngầm?Đầu tư điện gió ngoài khơi ở Côn Đảo hơn 6.000 đồng/kWh, vì sao ưu tiên chọn kéo cáp ngầm?

TTO - Theo EVN, mỗi kWh điện gió được đầu tư có giá thành lên tới 6.016 đồng thì phương án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển có giá thành điện năng sẽ là 2.142 đồng/kWh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp