EVN cho biết nắng nóng kỷ lục làm nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao - Ảnh: EVN
Theo EVN, khi vào mùa khô ở miền Nam, mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa không khí) là nguyên nhân chính khiến điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến tiền điện tăng.
Dẫn chứng về việc này, EVN đưa ra số liệu hiện có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt (trên tổng số 26 triệu khách hàng), tương đương khoảng 11,92%, có mức tiêu thụ điện tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020.
Đặc biệt trong số này, có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Để làm rõ hơn, EVN cho hay một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do COVID-19).
Sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh, số tiền điện cần thanh toán 875.200 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.
Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1,1 triệu đồng - tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5.
Còn nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1,6 triệu đồng, tức là tăng 138,87% so với tháng 4.
Cũng theo EVN, chỉ các hộ gia đình có dùng máy điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều khiến tiền điện cũng tăng theo. Còn với các hộ chỉ dùng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không nhiều.
Trong khi đó, việc dùng điều hòa, điện năng sử dụng của thiết bị này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng. Nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì thiết bị điều hòa nhiệt độ sẽ phải hoạt động nhiều hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%.
Đối với vấn đề độ chính xác của côngtơ điện và ghi chỉ số điện, EVN cho rằng hệ thống này được lắp đặt và kiểm định đạt tiêu chuẩn. Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số côngtơ. EVN khẳng định sẵn sàng tiếp nhận mọi thắc mắc từ khách hàng sử dụng điện.
Hiện nay biểu tính giá điện sinh hoạt được áp dụng 6 bậc thang lũy tiến. Việc sửa đổi biểu giá điện bậc thang được Bộ Công thương, EVN nhìn nhận có nhiều bất cập, khiến việc tính toán tiền điện sử dụng giữa các bậc có sự bất hợp lý, nên cơ quan này đã đề xuất sửa đổi biểu giá bậc thang còn 5 bậc. Tuy nhiên, đến nay việc sửa đổi vẫn chưa được thực hiện, theo Bộ Công thương, là do tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19 nên bộ này đã xin Chính phủ lùi thời gian sửa biểu giá bậc thang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận