Năm 2010 là năm đầu tiên EVN lỗ. Việc trả nợ cho PVN, TKV dư luận nói nhiều nhưng EVN chỉ có tiền bán điện, với giá như vậy, tôi lấy đâu ra trả? Có người xui bán bớt tòa nhà đi, tôi đồng ý, nhưng sang năm lấy gì bán? |
Đối với từng khâu kinh doanh điện, chi phí cho phát điện lớn nhất, trên 78.000 tỉ đồng. Thứ hai là khâu phân phối, bán lẻ: trên 16.000 tỉ đồng... Đặc biệt, chi phí cho quản lý và các khâu phụ trợ cũng được công bố với 764 tỉ đồng (tương đương mỗi kWh, EVN dùng 8,9 đồng chi cho quản lý, các khâu phụ trợ).
Tổng giám đốc EVN nhầm?
Lãnh đạo Bộ Công thương và EVN đã trả lời chất vấn của báo chí. Đáng lưu ý, ông Phạm Lê Thanh (tổng giám đốc EVN) đã có mâu thuẫn khi khẳng định đang phải bù lỗ cho cả người trung lưu (dùng đến 1 triệu đồng tiền điện/tháng) khiến Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng phải chỉnh lại:
Ông Phạm Lê Thanh: Năm 2010, do đổ dầu phát điện chúng tôi lỗ trên 10.000 tỉ đồng. Do kinh doanh các mặt hàng khác có lãi bù lại nên tổng lỗ giảm còn trên 8.000 tỉ đồng. Trên thực tế, mỗi kWh điện chúng tôi đang bị lỗ và thực tế EVN bù cho xã hội 300 đồng. Do Chính phủ không thể điều chỉnh giá điện sớm để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên đã xảy ra nghịch lý: chúng ta tưởng đang bù lỗ cho người nghèo nhưng thực tế những người trung lưu, mỗi kWh EVN cũng đang bù 300 đồng. Nghĩa là nếu họ dùng 1 triệu thì EVN bù 300.000. Như thế rất nguy hiểm và đã tạo áp lực khiến EVN khó khăn...
Ông Hoàng Quốc Vượng: Anh Phạm Lê Thanh nói đang phải bù 300 đồng/kWh là con số năm 2011. Còn năm 2010 giá thành của EVN là 1.180,4 đồng/kWh, giá bình quân bán ra là 1.061 đồng, như vậy đúng là lỗ, nhưng chỉ hơn 100 đồng/kWh. Cũng có một điểm nữa, đó là chúng ta đã có bảy bậc thang. Do đó không phải tất cả người sử dụng nhiều đều phải bù lỗ.
Ông Phạm Lê Thanh: Vâng, người dùng đến 130 kWh thì EVN hòa vốn. Với giá điện được thiết kế theo bậc thang tăng dần thì người dùng trên 130 kWh mới có lãi...
Chưa thể công bố khi nào tăng giá điện
* Năm 2010 Chính phủ cho tăng giá điện 6,8% nhưng kết luận của thanh tra Bộ Tài chính cho biết Bộ Công thương đã cho tăng thực tế tới 9%?
- Ông Hoàng Quốc Vượng: Hai con số khác nhau này là do cách tính. Giá điện hằng năm được chỉnh từ ngày 1-3. Năm 2010 Chính phủ quyết định từ ngày 1-3 điều chỉnh tăng giá 6,8%. Bộ Tài chính tính từ thời điểm 1-3 đến 31-12-2010 thì đúng là tăng 9%. Nhưng nếu tính từ 1-1 đến 31-12-2010 thì chỉ tăng 6,8%. Vì vậy, chúng tôi cho rằng không có gì khuất tất. Và như số liệu sản xuất kinh doanh năm 2010 cho thấy, ngay cả với giá EVN bán được trung bình là 1.061 đồng/kWh thì họ vẫn lỗ rất lớn...
* Có đại biểu Quốc hội nói EVN lỗ nhưng lương vẫn rất cao?
- Ông Phạm Lê Thanh: Tôi xin công khai, lương bình quân của cán bộ công nhân viên EVN năm 2009 đạt khoảng 7,3 triệu đồng/tháng. Năm 2010 do lỗ nên giảm xuống, còn 95% mức của năm 2009. Đúng là đang có thông tin lương lãnh đạo ngành điện cao, nhưng tôi cho rằng phải xem xét đó là lương hay thu nhập. Còn lương hạch toán vào giá thành trung bình chỉ có 7,3 triệu đồng/người. Mức này theo tôi là tương đối thấp, nếu sống ở nông thôn có thể ổn nhưng ở thành phố có con thì khó khăn. Làm tổng giám đốc tôi cũng thấy đau lòng vì đứng đầu mà nuôi quân như vậy...
* Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định trước khi tăng giá điện sẽ công bố chi phí kinh doanh, thực chất lỗ lãi của EVN. Vì vậy, người dân có thể hiểu giá điện sẽ sắp tăng?
- Ông Hoàng Quốc Vượng: Đáng lẽ chúng tôi phải công bố sớm hơn. Do EVN vừa kiểm toán xong nên công bố chậm hơn so với mong muốn. Còn việc này có liên quan đến điều chỉnh giá điện không, lúc nào điều chỉnh, liều lượng ra sao hiện tôi chưa thể thông báo được. Chúng ta sẽ biết các vấn đề trên khi giá điện được điều chỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận