Dự kiến tới đây sẽ sửa đổi chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải - Ảnh: N.A.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học "Cơ chế, chính sách phát triển nguồn điện theo hình thức IPP (dự án điện độc lập do tư nhân đầu tư-PV) tại Việt Nam - Những vấn đề với các nhà đầu tư" do Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực tổ chức ngày 18-9.
Là một trong những nhà đầu tư vào dự án nhiệt điện, ông Ngô Quốc Hội - tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh (Bắc Giang) - thẳng thắn chỉ ra rằng các chính sách hiện không đồng bộ và không công bằng.
Bởi thực tế các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức IPP không có chính sách để được đảm bảo các khoản ngoại tệ, không được bao tiêu sản lượng điện phát ra hằng năm.
"Chúng tôi làm việc với 20 ngân hàng và tổ chức quốc tế, họ đặt câu hỏi là nhà máy phát điện mà EVN không huy động thì lấy đâu nguồn để trả nợ, do đó vướng mắc lớn là nếu EVN mất khả năng thanh toán thì hợp đồng mua bán điện giải quyết như thế nào?" - ông Hội nói.
Do đó, ông đề xuất cơ quan chức năng khi soạn thảo và ban hành cơ chế chính sách cần dựa trên cơ sở bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tư nhân, nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo minh bạch và công khai.
Có tính công bằng giữa các loại hình đầu tư, tránh tình trạng mỗi loại hình đầu tư đều có chính sách khác nhau như hiện nay nên ngân hàng cho vay sẽ lựa chọn điều kiện tốt nhất để cho vay.
Ông Phạm Huy Thành - giám đốc quốc gia Wärtsilä Việt Nam - cho rằng trong bối cảnh nhiều dự án chậm tiến độ, nguồn cung điện khó khăn, cần phát triển đa dạng các loại hình điện linh hoạt mới, tích hợp năng lượng tái tạo.
Trong đó nhà máy điện khí sử dụng động cơ đốt trong ICE, vừa giúp dự phòng và tích điện là một giải pháp, song điều quan trọng là cần cơ chế.
"Trong Quy hoạch điện VIII cũng đã đưa vào, song cần xem đây là loại hình nhà máy điện khí riêng, tách biệt với tuabin khí vì công nghệ khác nhau. Đây sẽ là nguồn dự phòng khi thiếu điện và tích hợp cho năng lượng tái tạo. Do vậy, cần xây dựng cơ chế chính sách cho điện linh hoạt, vì đây không phải là nguồn chạy nền mà hoạt động với số giờ thấp" - ông Thành nói.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công thương, những năm trước dự án điện đều do Nhà nước xây dựng và vận hành, thì đến nay quy mô và tỉ trọng của các nhà đầu tư tư nhân ngày càng lớn.
Cụ thể, tới cuối năm 2019, trong cơ cấu nguồn điện cả nước đã có công suất 19.253 MW thuộc khối tư nhân (bao gồm cả nhà máy điện được đầu tư theo hình thức IPP và BOT), chiếm tới 34,4%.
Ông Vượng cho hay từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần trung bình khoảng 7.500 MW công suất nguồn điện mới, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 7-8 tỉ USD/năm, chứng tỏ thị trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong ngành điện là thực sự tiềm năng lớn.
Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị các giải pháp tập trung tới đây là để giải tỏa công suất các nguồn điện sạch cần có lưới điện đồng bộ, điều chỉnh quy định để tư nhân tham gia đầu tư. Cho phép kéo dài cơ chế giá FIT (đặc biệt cho điện gió) từ 1 - 2 năm; sửa đổi quy định hiện hành về tiêu chuẩn các loại hình năng lượng tái tạo….
Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cũng cho hay, riêng các dự án điện IPP được đầu tư, đưa vào vận hành đạt tổng công suất là 16.400 MW, chiếm 28,3%.
Tuy nhiên, nhiều dự án với công suất lớn có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh hoặc đã bổ sung vào quy hoạch đang bị chậm tiến độ, một số dự án chưa thể xác định được thời gian vận hành làm ảnh hưởng đến đảm bảo cung cấp điện.
Khó khăn lớn nhất là cơ chế nguồn vốn, các quy định đầu tư xây dựng còn thiếu thống nhất, chồng chéo, công tác thỏa thuận vị trí trạm và hướng tuyến đường dây kéo dài do quy hoạch chồng chéo; việc thu xếp tài chính khó khăn khi Chính phủ có chủ trương tạm dừng bảo lãnh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận