28/12/2017 10:52 GMT+7

EVN hạch toán sai tạo áp lực giả đòi tăng giá điện?

LÊ THANH - NGỌC AN
LÊ THANH - NGỌC AN

TTO - Việc cố tình hạch toán sai, theo các chuyên gia, không chỉ để né thuế mà phải chăng còn là cách EVN tạo áp lực để tăng giá điện lên 6,08%?

Chi phí sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng để tăng giá điện

EVN hạch toán sai tạo áp lực giả đòi tăng giá điện? - Ảnh 1.

Lắp côngtơ điện tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH

Theo các chuyên gia, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán đúng quy định các khoản chi phí trên thì chắc chắn lợi nhuận của tập đoàn này sẽ tăng. 

Khi đó ngành điện sẽ không còn điệp khúc lỗ để "đòi" tăng giá điện, hoặc nếu tăng thì cũng thấp hơn mức 6,08% vừa được thông qua.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với kết luận thanh tra trên thì không chỉ EVN mà cơ quan kiểm toán cũng đã thực hiện sai quy định.

Ngay cả tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 cũng "chưa làm tròn vai" khi những khoản chi phí tài chính lên tới hàng nghìn tỉ đồng chưa được hạch toán vào giá thành nhưng không được phát hiện.

"Đây là lỗ hổng, thiếu sót lớn, cho thấy tính minh bạch của EVN chưa rõ, chưa làm đúng quy định. Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Cần quy trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan là do chủ quan hay khách quan. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân", ông Long nói.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc không thực hiện đúng quy định trong hạch toán chi phí theo chỉ đạo cho thấy EVN đã cố tình hạch toán không chính xác để giảm nghĩa vụ nộp thuế nhà nước, đồng thời tạo ra áp lực giả cho việc tăng giá điện, như vậy là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài chính.

Theo vị chuyên gia này, vấn đề công khai minh bạch trong hoạt động thu chi của EVN luôn được nói đến từ lâu, bởi chi phí giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế.

Do đó, bên cạnh việc EVN phải sớm khắc phục, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước thì vấn đề công khai, minh bạch các khoản thu chi và các hoạt động liên quan giá thành điện một lần nữa cần phải được thực hiện nghiêm túc, công khai rõ ràng hơn chứ không phải chỉ "mang tính hình thức" như vừa qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc hạch toán trước thời điểm được phê duyệt thì sau đó EVN phải tiến hành bù trừ, nộp đúng đủ số thuế phải đóng cho Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề tỉ giá, theo ông Ngãi cho rằng có thể EVN và thanh tra Bộ Tài chính có cách hạch toán khác nhau, nên hai bên cần đối chiếu rõ ràng và có công bố cụ thể cho dư luận. 

"Cần đề nghị EVN làm cho rõ và có giải trình cụ thể khoản lỗ hay lãi với tỉ giá biến đổi, công bố rộng rãi cho chuẩn. Quan trọng là cần sự minh bạch", ông Ngãi đề nghị.

Tại cuộc họp báo ngày 1-12-2017, Bộ Công thương cho biết chi phí sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng để điều chỉnh tăng giá điện 6,08%.

Trong đó, năm 2016 tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 266.104 tỉ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.665,29 đồng/kWh, doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510 tỉ đồng.

Như vậy hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỉ đồng.

Tuy nhiên, EVN cho biết nhờ các hoạt động kinh doanh khác nên năm 2016 EVN lãi 2.658 tỉ đồng.

Trong số đó, đáng chú ý khoản chênh lệch tỉ giá chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 là trên 9.500 tỉ đồng.

LÊ THANH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp