Tăng giá điện để bù lỗ - Ảnh minh họa: TTO |
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Tập đoàn điện lực VN (EVN) vào hôm qua 13-1, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN nêu việc xử lý khoản lỗ gần 17.000 tỉ đồng trong năm 2015 là thách thức lớn.
Cụ thể, ông Thanh cho biết, theo quyết định 854 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, EVN cơ bản phải giải quyết các khoản lỗ và cân bằng được tài chính. Thực tế, khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá được treo từ những năm trước, hiện đã giải quyết được cơ bản nhưng còn lại khoảng 8.880 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số lỗ của EVN tiếp tục phát sinh do trong năm 2014, giá than bán cho điện tăng 2 lần; cùng với đó, giá khí trên bao tiêu, phí môi trường rừng, thuế tài nguyên nước… đều tăng mạnh. Tổng chi phí tăng khoảng 8.000 tỉ đồng mà chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành.
Như vậy, EVN đang có khoản lỗ 16.880 tỉ đồng nhưng vẫn chưa cân đối được. Đây là thách thức về tài chính rất lớn đối với EVN trong năm 2015. Do vậy, EVN kiến nghị Bộ Công thương bổ sung các chi phí như tăng giá khí, tăng thuế tài nguyên… vào giá điện năm 2015.
Theo EVN, năm 2015 dự kiến đầu tư xây dựng khoảng 127.533 tỉ đồng, tăng 1,7% so với năm 2014. Riêng về trả nợ gốc và lãi vay, theo kế hoạch, tập đoàn này tăng trả nợ so với năm ngoái là hơn 500 tỉ đồng, lên 30.873 tỉ đồng. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận của toàn tập đoàn, trong kế hoạch, EVN không đặt ra con số cụ thể.
Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 nêu rõ công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỉ suất lợi nhuận rất thấp. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt khoảng 300 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ bằng 0,2%.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng bộ Công thương cho biết nhiệm vụ của EVN là phải đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Mặt khác, để tăng trưởng kinh tế cả năm nay đạt chỉ tiêu 6,2% như Quốc hội phê duyệt, ngành điện phải đảm bảo tăng trưởng điện năng 13% so với năm 2014.
Ông Hoàng cũng cho biết thêm chi phí của ngành điện là một trong hai nội dung quan trọng dự kiến sẽ được Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ thảo thuận vào cuối tháng này, trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận