Người tị nạn đến châu Âu đang trong tình cảnh bấp bênh vì nhiều nước hạn chế tiếp nhận - Ảnh: AFP |
Chủ tịch EU Donald Tusk cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã giới thiệu với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu các đề xuất buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận lại toàn bộ những người tị nạn đã đến được Hi Lạp.
Thỏa thuận “một đổi một”
AFP cho biết EU đang trông chờ vào một thỏa thuận quan trọng với chính quyền Ankara nhằm giúp ngăn chặn làn sóng khổng lồ của 1,2 triệu người di cư Syria đổ xô về châu Âu từ đầu năm 2016 đến nay.
Tuy nhiên, thỏa thuận cũng có cái giá khá đắt khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu EU nhanh chóng xem xét tư cách thành viên cho nước này bên cạnh việc viện trợ hàng tỉ euro và miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ du lịch đến châu Âu.
Theo thỏa thuận, EU sẽ tiếp nhận một người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy một người Syria được gửi trả từ Hi Lạp về Ankara. Thỏa thuận nhằm khuyến khích người Syria nộp đơn xin tị nạn EU khi họ vẫn đang trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và tránh được những chuyến vượt biển đầy rủi ro và mạo hiểm do những kẻ buôn người tổ chức.
Trước đó, Thủ tướng Davutoglu cũng đã cam kết rằng dự thảo thỏa thuận sẽ “rõ ràng và trung thực nhất” dù ông đảm bảo “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ là một nhà tù mở đối với người di cư”.
Thỏa thuận cũng sẽ đảm bảo hỗ trợ rất lớn cho Hi Lạp do hàng chục ngàn người tị nạn đang tập trung tại đây và mắc kẹt trong điều kiện sống khó khăn, khi các quốc gia vùng Balkan đóng cửa biên giới và ngăn dòng người di cư hướng lên phía bắc để đến được Đức và các nước khu vực Scandinavia.
Có thể vi phạm luật quốc tế
Tuy nhiên một số lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận “một đổi một” trên là bất hợp pháp. Những người chỉ trích cũng bày tỏ mối lo ngại rằng thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ có thể vi phạm luật pháp quốc tế liên quan việc cấm trục xuất người tị nạn.
Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite nhận định kế hoạch này “rất phức tạp, sẽ rất khó thực hiện và mấp mé ở rìa của luật pháp quốc tế”.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel lại lo ngại về các báo cáo nhân quyền của Ankara cũng như cuộc xung đột của chính phủ nước này với người Kurd. “Tôi không thể chấp nhận đàm phán khi mà đôi khi họ như đang tống tiền” - ông Michel kết luận.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi thỏa thuận là “một cơ hội tốt để chấm dứt công việc kinh doanh của bọn buôn người” và rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ người di cư.
Bà Merkel cũng cho rằng EU cần sẵn sàng để trả những người nhập cư từ Hi Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ một cách nhanh chóng để tránh dồn ứ người di cư trước khi hệ thống mới có hiệu lực.
Tổng thống Pháp François Hollande cũng lên tiếng cho biết không thể cam đoan thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ là một cái kết vui vẻ”.
Cuộc khủng hoảng nhập cư cũng đã khiến châu Âu ngày càng chia rẽ với lo ngại rằng chính sách miễn thị thực của khu vực Schengen có nguy cơ sụp đổ, khi các quốc gia trong khối tái đề xuất việc kiểm soát biên giới cũng như lo ngại về sự phát triển của các đảng dân túy chống lại người nhập cư.
Đến cuối ngày hôm qua 18-3, theo Reuters, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về vấn đề này. Bước tiếp theo, ông Tusk sẽ chuyển bản dự thảo thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đến lãnh đạo 28 nước EU để thông qua.
Một quan chức cấp cao EU khác cho biết dự kiến thỏa thuận này sẽ được thực thi từ ngày mai 20-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận