Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vẫn hoan nghênh phán quyết của tòa và cho rằng việc tòa yêu cầu AstraZeneca cung cấp vắc xin là bằng chứng cho thấy hãng dược này đã vi phạm hợp đồng với EU - Ảnh: AFP
Nhiều hãng thông tấn quốc tế, trong đó có Hãng tin Reuters, đã gọi phán quyết ngày 18-6 là "một thất bại pháp lý" cho Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù vậy, một thông cáo báo chí của khối này vẫn khẳng định AstraZeneca đã "vi phạm nghiêm trọng" các nghĩa vụ trên hợp đồng với EU.
Khối 27 quốc gia này đã đệ 2 đơn kiện AstraZeneca, với đơn kiện đầu tiên yêu cầu hãng dược này phải cung cấp 120 triệu liều vắc xin trước ngày 30-6 và hoàn tất hợp đồng 300 triệu liều vào tháng 9.
Đơn kiện thứ hai cáo buộc AstraZeneca đã vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường 10 euro/liều/ngày chậm trễ.
Theo Reuters, tòa án ở Brussels đã bác bỏ yêu cầu trong đơn kiện đầu tiên của EU và tuyên bố AstraZeneca chỉ có nghĩa vụ giao 80 triệu liều trước ngày 27-9 tới. Phán quyết khẳng định AstraZeneca vẫn có nghĩa vụ hoàn tất hợp đồng giao 300 triệu liều nhưng không nói rõ thời hạn chót.
Thẩm phán cũng chỉ đề ra thời gian giao cụ thể cho 80 triệu liều đầu tiên và cảnh báo nếu quá thời hạn trên vẫn chưa giao đủ vắc xin, AstraZeneca sẽ bị phạt 10 euro cho mỗi liều. Mức phạt này được xem là nhẹ hơn mức do EU đề xuất.
Theo truyền thông phương Tây, những cột mốc mà tòa đề ra không còn nhiều ý nghĩa bởi tính đến ngày 18-6, AstraZeneca đã giao cho EU hơn 70 triệu liều.
Trong một thông cáo cùng ngày 18-6, AstraZeneca tuyên bố hãng sẽ hoàn thành mục tiêu 80 triệu liều và thậm chí nhiều hơn trước cuối tháng 6. Hãng cũng nhấn mạnh mong muốn "có các hợp tác mới với EU trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19".
AstraZeneca đã cam kết sẽ cung cấp 300 triệu liều cho EU trước cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc sản xuất buộc hãng này phải điều chỉnh và thông báo chỉ có thể giao 100 triệu liều. AstraZeneca cũng thừa nhận họ phải cung cấp vắc xin cho Anh trước theo hợp đồng đã giao ước.
Điều này khiến EU tức giận, đổ lỗi cho AstraZeneca đã khiến chiến dịch tiêm chủng của khối bị trì hoãn dẫn tới việc chậm mở cửa nền kinh tế. Phía EU lập luận AstraZeneca lẽ ra phải "nỗ lực tối đa" để giao vắc xin đúng hẹn và đủ số lượng, bao gồm cả việc huy động nhà máy ở Anh.
EU đã quyết định không mua thêm vắc xin của AstraZeneca và tìm kiếm các nguồn cung khác từ Pfizer, Moderna hoặc Johnson&Johnson sau khi hãng dược này "thất hứa", theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận