Theo Hãng tin Reuters, ngày 22-6, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã có một số tuyên bố tại Bắc Kinh về việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định tăng mạnh thuế áp lên xe điện nhập từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 12-6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ áp thêm mức thuế từ 17,4% đến 38,1% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 4-7.
Ông Habeck đang có chuyến công tác Trung Quốc và là quan chức cấp cao châu Âu đầu tiên đến Bắc Kinh kể từ khi EU công bố chính sách thuế nói trên.
Không phải biện pháp "trừng phạt"
Trong các cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh, ông Habeck khẳng định việc tăng thuế không phải nhằm mục đích "trừng phạt".
Ông Habeck chia sẻ trong một phiên thảo luận: "Việc hiểu rằng đây không phải thuế trừng phạt là rất quan trọng. Những nước như Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những khoản thuế trừng phạt nhưng EU thì không. Châu Âu xử lý mọi chuyện theo cách khác".
Theo phó thủ tướng Đức, EC đã dành ra 9 tháng để tiến hành cuộc điều tra về việc liệu các công ty Trung Quốc có hưởng lợi từ các khoản tài trợ sản xuất quá mức của Chính phủ Trung Quốc hay không.
Ông Habeck khẳng định bất kỳ biện pháp liên quan đến thuế xuất phát từ cuộc điều tra trên đều "không là hình phạt". Thay vào đó, chúng là hình thức nhằm cân bằng lợi thế giữa xe điện Trung Quốc, được cho là hưởng ưu thế bất công về giá, và xe điện châu Âu.
Xe điện Trung Quốc rẻ nhờ cạnh tranh
Phản hồi ông Habeck, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Trịnh Sách Khiết tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm mọi điều để bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc".
Ông Trịnh nhấn mạnh việc EU tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc sẽ chỉ làm hại cả hai bên. Do đó, ông Trịnh gửi gắm ông Habeck "mong Đức sẽ phát huy vai trò lãnh đạo trong EU và làm điều đúng đắn".
Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cũng phủ nhận các cáo buộc tài trợ không công bằng. Ông cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng mới ở Trung Quốc là kết quả của những bước tiến toàn diện trong lĩnh vực công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng của Trung Quốc, vốn diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao.
Theo ông Trịnh, sự phát triển trên "là kết quả của sự cạnh tranh, chứ không phải từ các khoản tài trợ, càng không phải từ cạnh tranh không công bằng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận