Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU - Ảnh: AP |
Theo Wall Street Journal, ngày 15-7, bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU đã ra thông cáo đại diện cho EU tuyên bố về quan điểm của khối này trước phán quyết của tòa trọng tài thường trực bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuyên bố chung được bà Federica Mogherini đưa ra sau khi 28 quốc gia thành viên đã không thể thống nhất được một lập trường rõ ràng cho vấn đề này.
Các thành viên trong EU đã tranh luận trong suốt 72 giờ về việc nên phản ứng như thế nào về phán quyết của tòa PCA vốn đã khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn Philippines trong những khiếu nại của họ về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Ba quốc gia thành viên gồm Croatia, Hungary và Hi Lạp đã liên tục ngăn cản việc ra tuyên bố chung của 28 quốc gia EU thừa nhận phán quyết của tòa thường trực.
Theo các nhà ngoại giao tham dự những phiên thảo luận này, ba nước này lo ngại việc thừa nhận phán quyết của PCA sẽ gây tổn hại tới những quan hệ kinh tế giữa họ và Trung Quốc.
Rốt cuộc bà Mogherini đã ra một thông cáo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và đảm bảo tự do cho các hoạt động đi lại trên biển và trên không.
Tuyên bố cũng nêu rõ "EU không nêu quan điểm về các khía cạnh chủ quyền liên quan tới những tuyên bố của các bên. Điều này cho thấy các bên liên quan tranh chấp cần phải giải quyết mâu thuẫn thông qua các giải pháp hòa bình, làm rõ các tuyên bố của họ và bảo vệ những tuyên bố đó theo phương thức tôn trọng và phù hợp với luật pháp quốc tế".
"EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc bảo vệ sự tự do, quyền và thực thi các trách nhiệm đã được quy định trong Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS), đặc biệt là quyền tự do đi lại trên biển và trên không".
Sự thiếu thống nhất và chia rẽ quan điểm trong EU về phán quyết của tòa PCA cho thấy tình thế vô cùng lúng túng đang diễn ra trong khối này, một liên minh luôn đặt lên hàng đầu việc ủng hộ luật pháp quốc tế và LHQ trong hầu hết các lập trường về chính sách ngoại giao của khối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận