Ngày 24-9 là thời điểm người Đức bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Liên bang Đức 2017, nhằm chọn ra các thành viên của Quốc hội liên bang (Bundestag) thứ 19, qua đó sẽ quyết định ai là lãnh đạo (liên minh) đảng cầm quyền, đồng thời sẽ là tân thủ tướng trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo.
Lợi thế của bà Merkel
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hi vọng có nhiệm kỳ thứ tư sau 12 năm liên tiếp lãnh đạo đất nước. Giới quan sát quốc tế nhận định bà Merkel sẽ giành chiến thắng năm nay.
Các cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử lần này cho thấy Đảng CDU của bà Merkel đang dẫn trước Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) với khoảng cách khá an toàn từ 12-17 điểm.
Tuy nhiên, sự chú ý cũng đặt vào ông Martin Schulz, cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu và hiện là lãnh đạo SPD.
Người đàn ông nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ này đã trở lại chính trường Đức, mang theo một số thách thức đối với chính sách của bà Merkel về người tị nạn, Liên minh châu Âu (EU), kinh tế...
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Thủ tướng Merkel đã có lúc bị sụt giảm uy tín nghiêm trọng, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng di cư mà Đức cũng như EU nói chung phải gánh chịu.
Ông Schulz trong khi đó với kinh nghiệm ở Nghị viện châu Âu được xem là làn gió mới, với một số ý tưởng cải cách, mặc dù không cực đoan.
Khảo sát cho thấy CDU và SPD đang dẫn đầu, đồng nghĩa tân thủ tướng Đức hoặc sẽ là bà Merkel, hoặc ông Schulz. Một cuộc đấu tay đôi với lợi thế nghiêng về bà Merkel.
CDU thực chất là liên minh giữa CDU và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria (CSU), nổi bật ở lời hứa về việc làm, giảm thuế, đầu tư cho lĩnh vực công cộng.
Phe trung tả SPD trong khi đó hi vọng sẽ tiếp tục giữ chỗ trong chính phủ bằng việc tạo ra một liên minh lớn (Grand Coalition).
Đây là đảng theo khuynh hướng truyền thống của tầng lớp lao động, tuyên bố đầu tư vào giáo dục và hạ tầng, đặc biệt sẽ lấy nguồn tài chính từ việc đánh thuế người giàu.
Không có "địa chấn"
Sau những diễn biến và khảo sát gần nhất, người theo tư tưởng ủng hộ một EU thống nhất và nước Đức ổn định có thể phần nào yên tâm. Gần như chắc chắn Đảng CDU của bà Merkel sẽ chiến thắng, vấn đề là sẽ liên minh với ai mà thôi.
Trên thực tế, cuộc bầu cử Đức được xem là bài kiểm tra quan trọng sau cùng của năm 2017 xét về góc độ sự tồn vong của EU. Năm nay là thời điểm làn sóng dân túy "càn quét" châu Âu, chủ yếu dựa vào nỗi bức xúc với vấn đề nhập cư.
Cú "domino" từ chiến thắng của ông Donald Trump (Mỹ) và việc Anh rời EU (Brexit) rốt cuộc đã không diễn ra.
Tại Hà Lan, đảng dân túy cực hữu Vì tự do của ông Geert Wilders không thể thắng được đảng trung hữu Nhân dân vì tự do và dân chủ của Thủ tướng Mark Rutte.
Tại Pháp, bà Marine Le Pen - một người cũng chống nhập cư và đe dọa "Frexit" như ông Wilders - cũng đã thất bại trước đối thủ Emmanuel Macron.
Hàng loạt kết quả bầu cử ấy đã "giảm tải" đáng kể cho bà Merkel, người được xem là vị cứu tinh cho sự tồn vong của EU.
Và ngay cả khi kịch bản ông Schulz chiến thắng xảy ra, cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu này cũng không phải nhân vật bài EU.
Một chút lo lắng đã dịu xuống sau thời gian ngắn Đảng Lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD) nổi lên như một hiện tượng.
AfD khai thác sự bực tức của người Đức đối với việc chính phủ của bà Merkel đón nhận quá nhiều người nhập cư, sau đó xuất hiện các cuộc khủng bố khắp nơi. Đảng này mang tư tưởng bài EU, đòi một "Dexit" và cấm cửa dân nhập cư.
Trong hệ thống bầu cử Đức, đảng nào muốn có thành viên trong quốc hội sẽ phải đạt ít nhất 5% tỉ lệ phiếu bầu ngày 24-9 này.
Điều đó đồng nghĩa xét theo khảo sát, AfD đang xếp thứ ba ở Đức và rất nhiều khả năng sẽ là đảng cực hữu mạnh nhất tại quốc hội trong 60 năm qua, theo AP.
Nhưng rốt cuộc, AfD sẽ khó có khả năng mang tới "sự lựa chọn thay thế" như cái tên của họ, vì người Đức đang có khuynh hướng bầu cho lựa chọn cũ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận