20/01/2024 13:05 GMT+7

EU cáo buộc Israel tạo ra Hamas, thực hư thế nào?

Hamas tấn công Israel ngày 7-10-2023, dẫn tới cuộc chiến thảm khốc tại Dải Gaza hiện nay. Nhưng chính Israel bị cáo buộc là bên tạo ra Hamas.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: REUTERS

Thông tin Israel bị cáo buộc liên quan tới việc Hamas hình thành và lớn mạnh là không mới. Nhưng đề tài này trở thành tâm điểm giữa cuộc chiến Gaza hiện nay, khi vấn đề giải pháp hai nhà nước được nhắc lại như một chìa khóa hòa bình.

Giải pháp hai nhà nước là gì, và vì sao Israel phản đối?

Hôm 19-1, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell lặp lại ý này, khẳng định Israel đã "tạo ra" và "tài trợ" cho Hamas.

Phát biểu này bắt nguồn từ câu chuyện về giải pháp hai nhà nước, tức cho phép Palestine thành lập một nhà nước Palestine song song với nhà nước hiện nay của Israel. Ý tưởng này đã hình thành từ những năm 1990, nhưng Israel về sau liên tục công khai bác bỏ giải pháp ấy.

Trong nhiều ngày qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh sự phản đối về việc thành lập một nhà nước của người Palestine.

Điều này khiến Israel chịu phản đối mạnh mẽ từ nhiều bên, thậm chí cả đồng minh Mỹ. Washington được hiểu đang muốn triển khai giải pháp hai nhà nước và xem đây là cách chấm dứt cuộc chiến giữa Israel với phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine.

Trở ngại lớn nhất cho giải pháp hai nhà nước là việc liệu đường biên giới của một nhà nước Palestine trong tương lai sẽ trông ra sao, tức Palestine và Israel ai sẽ nắm giữ phần đất nào.

Nhiều người cho rằng "biên giới" Israel - Palestine nên vẽ lại giống như thời điểm trước cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Cuộc chiến này đã dẫn tới việc Israel chiếm Đông Jerusalem, Bờ Tây, và Dải Gaza. Hàng loạt khu định cư của người Israel sau đó mọc lên ở Bờ Tây, và hiện có khoảng 600.000 người Israel sống tại Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Bản đồ Israel và Palestine. Phần màu xanh là vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng - Ảnh: Sky News

Bản đồ Israel và Palestine. Phần màu xanh là vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng - Ảnh: Sky News

Đại sứ Israel tại Anh Tzipi Hotovely nói với Sky News rằng Israel hoàn toàn không đồng ý thành lập nhà nước Palestine: "Israel hiểu, và thế giới cũng nên hiểu rằng ngày nay người Palestine không bao giờ muốn có một nhà nước nằm cạnh Israel. Họ muốn có một nhà nước từ sông tới biển. Họ đang nói to và rõ điều đó. Giờ đã hai tháng từ lúc cuộc chiến diễn ra rồi. Chính quyền Palestine không hề lên án vụ thảm sát (7-10). Đó là vấn đề lớn".

Cụm "từ sông tới biển" được bà Hotovely nhắc tới là biệt ngữ chỉ vùng lãnh thổ từ sông Jordan kéo ra Địa Trung Hải, ý nói Palestine chỉ muốn chiếm toàn bộ lãnh thổ Israel, gồm cả Bờ Tây lẫn Jerusalem.

Israel "tạo ra" Hamas như thế nào?

Trong phát biểu liên quan tới giải pháp hai nhà nước nêu trên, nhà ngoại giao Borrell của EU thẳng thừng nói Israel đã tạo ra Hamas, nhưng giờ lại không chấp nhận phương án hòa bình này.

"Chúng tôi tin rằng giải pháp hai nhà nước phải được áp lên từ bên ngoài để mang tới hòa bình. Mặc dù rằng, tôi nhấn mạnh, Israel đang tái khẳng định việc bác bỏ giải pháp trên, và để ngăn chặn nó, họ thậm chí đi quá xa khi tự tạo ra Hamas. Hamas đã được Chính phủ Israel tài trợ nhằm làm suy yếu chính quyền Fatah của người Palestine", ông Borrell nói.

Phong trào giải phóng Palestine (Fatah) trước đây hoạt động mạnh dưới thời ông Yasser Arafat, nhà lãnh đạo Palestine và là chủ tịch Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Hamas (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo), thành lập năm 1987, được xem là tổ chức thành lập để chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad, đồng thời cạnh tranh với PLO của ông Arafat.

Nhiều ý kiến lưu ý rằng Israel là bên ủng hộ Hamas từ những ngày đầu, trong đó có quan điểm nói Israel cố giúp Hamas nhằm chia rẽ phong trào dân tộc Palestine.

Vào năm 2007, Hamas chiếm quyền kiểm soát Dải Gaza sau cuộc chiến với Fatah thời ông Mahmoud Abbas.

Theo AFP, nhiều năm gần đây Dải Gaza nhận hỗ trợ hàng triệu USD từ Qatar, khiến Thủ tướng Israel Netanyahu gặp chỉ trích và bị cáo buộc tài trợ cho Hamas. Ông Netanyahu luôn bác bỏ cáo buộc này.

Việt Nam kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Gaza, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nướcViệt Nam kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Gaza, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước

Việt Nam bỏ phiếu thuận nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đồng thời lên án mạnh mẽ việc tấn công dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu ở Gaza.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp