Một cánh rừng ở Lhoong, tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 21/3/2023. Ảnh: afp.com
Luật mới, cần được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua, sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà phê, ca cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, giấy in và cao su, và các sản phẩm phái sinh, từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
Các công ty đưa những sản phẩm như vậy tới châu Âu sẽ phải cung cấp chứng nhận sản phẩm của họ không thuộc diện bị cấm.
Theo đó, các công ty được yêu cầu cung cấp kết quả thẩm định chuyên sâu và thông tin có thể kiểm chứng về việc sản phẩm của họ không được trồng hoặc chăm sóc trên những vùng đất trống có được do phá rừng sau năm 2020.
Nhà chức trách EU sẽ thực hiện các quy trình kiểm tra tùy theo xếp hạng mức độ nguy cơ vi phạm của quốc gia xuất khẩu. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, có thể chịu mức phạt lên tới 4% doanh thu thường niên tại một nước thành viên EU.
Luật mới được đưa ra nhằm loại bỏ những yếu tố khuyến khích phá rừng trong các chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm tiêu dùng hằng ngày tại châu Âu. EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nêu trên lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Các hoạt động sản xuất phi pháp đã làm gia tăng tình trạng phá rừng ở nhiều nước như Brazil, Indonesia, Malaysia, Nigeria, CHDC Congo, Ethiopia, Mexico và Guatemala.
EU khẳng định luật mới đưa ra không nhằm vào quốc gia nào. Luật này đã được các nhà quản lý EU thống nhất từ năm 2022 và sẽ có hiệu lực sau khi được các nước thành viên thông qua.
Với các luật đã được nhất trí từ trước, quy trình thông qua tại mỗi nước thành viên thường chỉ mang tính thủ tục. Sau khi luật có hiệu lực, các công ty lớn sẽ có 18 tháng thích ứng trong khi các công ty nhỏ có 24 tháng. Giới chức các nước EU chịu trách nhiệm giám sát thực thi luật.
Nạn phá rừng dẫn tới khoảng 10% lượng khí thải toàn cầu gây biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong 3 thập kỷ qua tổng diện tích rừng bị phá đã rộng lớn hơn cả diện tích của EU (khoảng 420 triệu ha). EP ước tính EU chịu trách nhiệm với khoảng 10% diện tích rừng bị tàn phá trên thế giới./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận