17/02/2023 11:43 GMT+7

'Ép' người vay mua bảo hiểm: Bảo hiểm nhân văn, đừng là ác mộng!

Bảo hiểm nhân thọ cần bảo vệ người dân trước rủi ro sức khỏe và tính mạng, tránh chạy theo doanh thu, thành "cơn ác mộng" của người đi vay, người gửi tiền và cả nhân viên ngân hàng.

Ép người vay mua bảo hiểm: Bảo hiểm nhân văn, đừng là ác mộng! - Ảnh 1.

Khách hàng tới trụ sở Manulife (quận 7) khiếu nại về bảo hiểm nhân thọ liên kết với SCB - Ảnh: B.M.

Sau tuyến điều tra "Ép" người dân mua bảo hiểm, ông Trần Nguyên Đán (giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM) trao đổi với Tuổi Trẻ về giải pháp để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh.

"Ép" mua bảo hiểm là bất hợp pháp

* Ông đánh giá thế nào về các cách "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn hiện rất đa dạng và tinh vi, như người nào cần vốn, mua bảo hiểm sẽ được giải ngân và giảm lãi suất, không thì... chờ vô thời hạn?

- Ngân hàng phải thẩm định hồ sơ vay dựa vào năng lực trả nợ của khách, đặt rủi ro khoản vay lên trên hết. Không có bất kỳ quy định nào về việc mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân sớm khoản vay.

Đặc biệt, để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, Luật kinh doanh bảo hiểm nghiêm cấm đại lý hứa thưởng, chia hoa hồng - "cắt máu" cho bên mua bảo hiểm. 

Việc mua bảo hiểm tại ngân hàng mới nhận được ưu đãi lãi vay các cơ quan chức năng cần vào cuộc trả lời xem liệu có thể xem là khuyến mãi bất hợp pháp?

Tại điều 47 thuộc thông tư 124/2012 do Bộ Tài chính ban hành cũng quy định: đại lý bảo hiểm không được khuyến mãi khách hàng dưới hình thức bất hợp pháp như hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác mà doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không cung cấp.

* Nếu đúng như nhiều tố giác, tiền gửi tiết kiệm của dân bị "bẻ lái" sang bảo hiểm nhân thọ, ngăn chặn thế nào?

- Việc tư vấn mập mờ hoặc gian dối để khách hàng chuyển từ tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm là hành động sai trái và thiếu đạo đức. Bởi khi tất toán sổ tiết kiệm, trường hợp xấu nhất là họ chỉ nhận lãi suất không kỳ hạn. 

Trong khi với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, thông thường nếu khách hàng nghỉ ngang trong 1 - 3 năm đầu thì sẽ gần như mất trắng tiền gốc đã nộp.

Luật kinh doanh bảo hiểm quy định khách hàng có 21 ngày cân nhắc. Nhằm ngăn chặn đại lý "giam" hợp đồng - đến gần ngày thứ 21 mới gửi cho khách, nhiều công ty bảo hiểm đã thay đổi quy định, bắt đầu tính 21 ngày từ ngày khách hàng ký vào giấy xác nhận bàn giao hợp đồng hoặc kích hoạt hợp đồng qua kênh online. 

Kẽ hở là đại lý bảo hiểm có thể lén kích hoạt hợp đồng bảo hiểm online. Do đó, cần có bộ quy chuẩn đạo đức về số hóa trong ngành bảo hiểm. Việc bàn giao hợp đồng bảo hiểm cần chặt chẽ như ngân hàng bàn giao thẻ tín dụng.

Ép người vay mua bảo hiểm: Bảo hiểm nhân văn, đừng là ác mộng! - Ảnh 2.

Ông Trần Nguyên Đán

Luật kinh doanh bảo hiểm quy định khách hàng có 21 ngày cân nhắc để duy trì hoặc hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Cần cảnh giác một số tư vấn, bởi chờ đến khi ngân hàng cho phép song lại quá 21 ngày, khách hàng cũng có thể không còn quyền hủy.
Ông Trần Nguyên Đán

Cần quy định rõ ràng hơn, phạt nặng

* Nhiều khách hàng tố bị kê sai nghề nghiệp, kê khống thu nhập trong hợp đồng bảo hiểm. Đây cũng là kẽ hở cho những đối tượng rửa tiền?

- Lưu ý, trước khi cấp hợp đồng, công ty bảo hiểm thường tiến hành thẩm định tài chính, không chỉ nhằm đảm bảo việc khách hàng đủ khả năng theo đuổi hợp đồng trong dài hạn (5 - 20 năm trở lên), mà còn tuân thủ theo quy định chống rửa tiền. Do vậy, báo cáo thẩm định khả năng tài chính của khách hàng là rất quan trọng.

Nếu tự ý kê sai nghề nghiệp và kê khống thu nhập của khách hàng trong phần thẩm định tài chính, lập tức vi phạm Luật phòng chống rửa tiền. Lúc này hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu.

Nếu được đại lý tư vấn đầy đủ, khách hàng hoàn toàn có thể biết rằng việc kê khống thông tin sẽ không được bảo hiểm chi trả. Vì vậy, việc khách hàng tố bị kê sai nghề nghiệp, kê khống thông tin cũng là bằng chứng để thể hiện khách hàng không có ý chí mua bảo hiểm.

* Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là một xu hướng ở nhiều quốc gia Âu - Mỹ. Tại Việt Nam, làm sao để kênh này phát triển lành mạnh?

- Ngân hàng/tổ chức tín dụng là đại lý tổ chức của công ty bảo hiểm, chịu sự chi phối bởi Luật kinh doanh bảo hiểm, tuân thủ các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của đại lý bảo hiểm. 

Để đảm bảo bancassurance phát triển lành mạnh, không biến thành "cơn ác mộng" của nhiều người dân, cần phải có cơ chế quản lý rõ ràng hơn.

Cần phải định nghĩa rõ hành vi nào là ép mua bảo hiểm. Không được vay nếu không mua bảo hiểm (dù được giảm lãi suất) cần được quy định là một dạng ép, tức gây áp lực để khách phải mua bảo hiểm không theo nhu cầu. 

Ở nhiều nước phát triển, nếu khách hàng bị ép mua bảo hiểm không đúng nhu cầu, NH sẽ bị phạt nặng, chẳng hạn theo tỉ lệ phần trăm trên tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm.

Không thể để diễn ra chuyện đổ lỗi, vì ngân hàng là đại lý tổ chức của công ty bảo hiểm. Khi đại lý làm sai, công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm.

Không để tồn tại "vùng bí ẩn"

* Tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm, hay tỉ lệ duy trì đóng phí bảo hiểm (K2) hiện vẫn là con số "bí ẩn"? Theo ông, cần làm gì?

- Cần sớm công khai tỉ lệ duy trì đóng phí bảo hiểm ở năm thứ hai và năm thứ ba. Chẳng hạn, nếu tỉ lệ này trên 80%, ngân hàng được phép tăng chỉ tiêu tăng trưởng bán bảo hiểm. 

Nếu tỉ lệ duy trì chỉ đạt từ 50 - 80%, ngân hàng không được phép tăng trưởng phí bảo hiểm theo kế hoạch. Trường hợp tỉ lệ K2 dưới 50%, có thể ngừng cho ngân hàng này bán bảo hiểm hoặc đưa chỉ tiêu tăng trưởng về mức âm, cho đến khi tỉ lệ K2 hồi phục trên mức trung bình.

Cơ quan quản lý cần có chuyên trang bancassurace, đăng tải công khai tỉ lệ K2 ở các ngân hàng đang hợp tác bán bảo hiểm. Dựa vào dữ liệu này khách hàng có thể đưa ra quyết định, "kiểu gì tôi cũng mua bảo hiểm, sao không mua chỗ nào có tỉ lệ tốt".

Để tạo số đẹp, hiện nay cách tính K2 của nhiều doanh nghiệp rất khác nhau, không thực chất. Do đó cũng cần chuẩn hóa cách tính tỉ lệ này.

Mời bạn đọc tham gia giao lưu trực tuyến

Sau loạt bài điều tra "Ép" người dân mua bảo hiểm (khởi đăng từ ngày 13-2-2023), Tuổi Trẻ đã nhận được gần 1.000 lượt bình luận, cung cấp thông tin về việc bị ép mua bảo hiểm với nhiều hình thức.

Ngoài ra, qua email [email protected] và hotline Tuổi Trẻ (0918033133) nhiều độc giả cũng đã gửi đơn kèm nhiều chứng từ, tài liệu nhờ Tuổi Trẻ gửi đến các cơ quan chức năng để mong lấy lại khoản tiền đã bị ép mua bảo hiểm.

Trong đó, không ít bạn đọc cho rằng mình là nạn nhân của việc đánh tráo khái niệm giữa tiết kiệm tiền gửi và bảo hiểm nhân thọ nên tiền thay vì được gửi tiết kiệm lấy lãi đã chuyển sang tiền mua bảo hiểm một cách oan ức.

Hầu hết phản hồi của bạn đọc đều cho rằng việc này đã xảy ra nhiều năm nay, có hàng trăm nghìn khách hàng rơi vào cảnh bị ép mua bảo hiểm mới được cho vay hoặc vay lãi suất ưu đãi hơn so với những người không mua bảo hiểm nhân thọ kèm theo.

Đã cần tiền mới đi vay ngân hàng rồi lại bị ép phải chi trả thêm một khoản không nhỏ ngoài lãi vay là không nhân văn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc về vai trò quản lý của cơ quan chức năng, đặc biệt là làm thế nào để từ chối mua bảo hiểm khi đang "khát vốn" và khi đã "lỡ leo lưng cọp" rồi thì làm sao lấy lại số tiền đó?

Trước nhiều băn khoăn của bạn đọc, Tuổi Trẻ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với sự tham gia của luật sư Trương Thanh Đức (hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp, ngân hàng); luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý về đầu tư và tố tụng) diễn ra từ 9h30 đến 11h30 ngày 17-2 trên www.tuoitre.vn. Kính mời bạn đọc theo dõi và đặt câu hỏi.

Đ.Q.

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phải hỗ trợ người dân

Trong trường hợp bị phát hiện bị "đưa vào tròng", khách hàng cần phản ánh lên công ty bảo hiểm và ngân hàng (lưu chứng cứ bằng email, ghi âm...), gọi tới đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ.

Về phía ngân hàng, phải chủ động xử lý nhân viên làm sai. Nếu hoạt động này mang tính hệ thống, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét xử lý ngân hàng.

Hiện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), theo tôi, chưa phát huy rõ vai trò giám sát.

Khi nhận đơn khiếu nại của người dân gửi về, cục không thể chỉ chuyển tiếp cho công ty bảo hiểm, mà còn phải theo dõi và cập nhật quá trình xử lý cho người dân, kết quả như thế nào. Nếu người dân chưa phục, cục phải có bộ phận tiếp dân để hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục khiếu kiện. Cũng cần có đường dây nóng có ghi âm để xử lý.

Giảng viên, công an... cũng tố bị "quẹo" tiền tiết kiệm sang bảo hiểm

Tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, chị Khanh (TP.HCM, giảng viên) cho biết cũng bị rơi vào trường hợp muốn gửi tiền tiết kiệm, cuối cùng thành ra hợp đồng bảo hiểm và đã đóng tổng cộng tới 340 triệu đồng.

Sự mập mờ thể hiện qua đoạn tin nhắn gửi đến điện thoại của chị từ nhân viên ngân hàng: "Chị Khanh ơi, em Toàn bên ngân hàng nè chị. HD (hợp đồng) đầu tư của chị có rồi, chị có đi ngang ngân hàng ghé lấy giúp em nha chị. Em cảm ơn chị ạ!".

Rơi vào cảnh tương tự, chị H. (TP.HCM) cũng thể hiện bất bình và cho biết thêm mặc dù làm công an, nhưng lại bị ai đó ghi vào trong hợp đồng bảo hiểm là... cho thuê nhà và căn hộ.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG (phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):

Không thể theo kiểu "bia kèm lạc"

Vừa qua báo chí có phản ánh việc một số ngân hàng thương mại trong quá trình cho người dân vay vốn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ. Việc ép cá nhân hay doanh nghiệp vay vốn phải mua mới giải quyết cho vay hoặc giải ngân tiếp là không đúng.

Chưa kể việc người gửi tiền tiết kiệm cũng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ thì đúng là lạ đời. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phải vào cuộc làm rõ.

Đại biểu NGUYỄN MẠNH HÙNG (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Tuần tới sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước

Qua phản ánh của báo Tuổi Trẻ, trong tuần tới, dự kiến ủy ban sẽ có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước và sẽ có trao đổi về vấn đề này.

Các giao dịch vay vốn, gửi tiết kiệm là giao dịch ngân hàng, còn muốn có hợp đồng bảo hiểm thì người dân phải đồng ý, có hợp đồng rõ ràng. Các quy định về ký kết hợp đồng kể cả phía bảo hiểm nhân thọ cũng quy định rất chặt chẽ. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi vấn đề này.

THÀNH CHUNG

'Ép' người dân mua bảo hiểm: Gian nan đòi lại tiền... tiết kiệm

Sau hành trình khiếu nại đầy chông gai về việc gửi tiết kiệm nhưng bị "quẹo" sang bảo hiểm nhân thọ, một số khách hàng đã được hoàn tiền song nhiều người khác vẫn bị từ chối với nhiều lý do.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp