21/08/2018 11:55 GMT+7

“Em xin nợ học phí được không?”

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Hai triệu đồng học phí đại học mà không có đủ, chỉ có 1,5 triệu đồng, nên cô gái phải xin “cho em thiếu nợ được không thầy?”.

“Em xin nợ học phí được không?” - Ảnh 1.

Sau khi được “đặc cách” cho nộp chậm học phí, Hiên Kaly rạng rỡ bước vào giảng đường để hoàn tất các thủ tục - Ảnh: B.D.

Hôm nhận giấy báo nhập học, cả đêm nhà Hiên thức trắng. Ai cũng buồn vì không thể để Hiên đến trường vì quá nghèo.

Chiều 8-8, các gian tiếp đón học sinh làm thủ tục nhập học tại ĐH Sư phạm (ĐHSP - ĐH Đà Nẵng) đông nghẹt người. Những tân sinh viên quần áo tươm tất được người nhà đưa đến để làm thủ tục nhập học trong nét mặt háo hức. Tuy nhiên, có một em cứ đứng mãi...

Nấn ná, Hiên Kaly - cô gái nghèo người Cơ Tu ở thôn A Dinh, xã Chà Vành (huyện Nam Giang, Quảng Nam) - lúng túng bước tới hỏi thầy giáo trẻ: "Dạ thưa thầy, em xuống đây nhập học, chỉ có 1,5 triệu đồng để đóng học phí. Tiền còn thiếu em xin nợ được không?".

Đau đáu việc học

Nghe giọng lơ lớ pha trộn tiếng Kinh với tiếng người Cơ Tu, thầy giáo liền bỏ điện thoại xuống, ngước mặt nhìn cô học trò vẻ khắc khổ. Thầy giáo trẻ cầm tập hồ sơ, trong đó có một giấy gọi nhập học từ ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) gửi về thôn A Dinh. 

Hiên trúng tuyển vào ngành công tác xã hội với điểm số 18,25 nhưng sau nhiều đêm trằn trọc, đấu tranh tư tưởng, cả nhà Hiên ngồi im lặng nhìn nhau với nỗi buồn vô tận khi không thể có nổi 2 triệu đồng cho Hiên nhập học, cô gái ấy đã quyết định rủ anh trai "liều mình" tìm về trường. 

Nghe Hiên kể, thầy giáo trẻ im lặng, chạnh lòng rồi bảo: "Thầy sẽ đồng ý cho em nợ các khoản đầu vào. Đây, em viết đơn trình bày vào đây rồi thầy sẽ ký, chiều nay em sẽ được nhập học".

Vậy là sau hai ngày xuống trường, hai lần quay về làng trong nước mắt, cánh cửa đại học đã chính thức mở ra với cô tân sinh viên nghèo. Cầm tờ giấy "nợ" kinh phí đầu vào, Hiên mừng phát khóc. 

Câu chuyện của Hiên làm nhiều thầy cô và tân sinh viên rơi nước mắt. Hiên trúng tuyển vào ngành công tác xã hội ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) không phải lần đầu tiên. Một năm trước, khi vào ĐH Quy Nhơn làm thủ tục nhập học, Hiên cũng đành phải nuốt nước mắt quay trở về làng vì không đủ tiền trang trải ban đầu.

Năm nay Hiên lại thi, và lại đậu với điểm số 18,25. Ước mơ học hành luôn nằm yên chực chờ bùng cháy trong cô gái nghèo nhưng Hiên quyết định không đi học vì nhà không có gì để đóng học phí. 

Ngày 7-8, thấy thương em gái quá, anh trai Hiên bảo em ngồi lên xe máy anh chở xuống trường. Nhưng xuống "chỉ để xem thôi, cho thỏa lòng mong ước" chứ trưa hôm đó hai anh em lại lủi thủi quay về. 

Thế rồi đêm hôm đó, cha mẹ Hiên vì quá thương con nên đi vay đâu đó được 1,5 triệu đồng. Hai anh em lại đánh đường tiếp tục quay lại Đà Nẵng.

Lài được cô giáo của trường đại học dẫn đi làm thủ tục nhập học nhưng trong túi không một đồng xu. Luẩn quẩn mãi, khi được yêu cầu “nói thật” thì Lài mới ấp úng rằng mình trốn ba mẹ đi học mà trong túi trống trơn.

“Em xin nợ học phí được không?” - Ảnh 4.

Võ Thị Lài được cô giáo chủ nhiệm lớp đại học cưu mang - Ảnh: B.D.

"Em ăn ít lắm, chỉ cần được đến trường"

Hiên Kaly không phải là trường hợp duy nhất phải nhập học trong cái nghèo xơ xác ở ĐHSP (ĐH Đà Nẵng). Võ Thị Lài - cô gái gầy đen và nhỏ thoắt như cành củi khô, khuôn mặt đầy lam lũ vừa đậu vào khoa tâm lý giáo dục ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) với 19 điểm là trường hợp may mắn được các thầy cô giúp đỡ. 

Nhà Lài ở thôn Gò Rộc, xã Thanh An, huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi). Lài là con út trong nhà bốn anh chị em và cũng là người duy nhất đậu đại học. Hôm biết tin đậu đại học, ba mẹ Lài không cho đi học vì ở nhà ba Lài đau liên miên, chỉ một con bò với mấy con vịt chạy đồng thì lấy đâu ra tiền cho bốn năm đại học?

Lài kể trước hôm đón xe ra Đà Nẵng một ngày, em đã xếp những bộ quần áo vào túi vải để chuẩn bị vào TP.HCM làm thuê. Nhưng 0h đêm 7-8, khi nằm khóc tới ướt gối, nghĩ về công sức 12 năm đeo đuổi học hành mà tương lai lại kết thúc, phải đi làm công nhân, Lài đã bật dậy. Đêm đó, cô gái nghèo trốn ba mẹ, lặng lẽ ôm balô ra đường, đón xe ngược ra Đà Nẵng.

Ra đi trong cảnh không một xu dính túi, Lài chỉ còn cách nhắn tin "cầu cứu" nữ giảng viên ở trường đại học - người đã gọi thông báo cho Lài nhập học mấy hôm trước. Sáng hôm đó, Lài được cô giáo dẫn đi làm thủ tục nhập học nhưng trong túi không một đồng xu. Luẩn quẩn mãi, khi được yêu cầu "nói thật" thì Lài mới ấp úng rằng mình trốn ba mẹ đi mà trong túi trống trơn.

"Thấy Lài tái nhợt, da xanh xao, hốc hác, tôi gặng hỏi mới biết là Lài đói bụng, đi từ giữa đêm trước mà tới cuối chiều hôm sau vẫn không có miếng gì vào bụng vì chẳng có tiền. Tôi chở Lài đi ăn. Vừa ăn xong thì em lại bất ngờ "đề nghị" tôi cho về nhà ở cùng. Lài bảo rằng "cô ơi em ăn uống ít lắm, cô cho ăn gì thì em ăn nấy, miễn là được đi học"" - nữ giảng viên kể.

Quá xót xa trước hoàn cảnh của học trò nghèo, nữ giảng viên ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) đã vận động các thầy cô giáo hỗ trợ, gom góp tiền, giúp Lài hoàn tất các thủ tục. Lài được nhập học, rồi được cô giáo đón về cho ăn ở trong nhà để đeo đuổi giấc mơ học hành.

Cô Lê Thị Lâm - giảng viên khoa tâm lý giáo dục Trường ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) - cho biết sáng 7-8 khi cô gọi cho Hiên, Hiên bảo vì không có tiền nên hai anh em xuống trường rồi về. “Tôi nói với Hiên rằng em hãy quay lại, cô sẽ tìm cách giúp. Sáng hôm sau, khi Hiên quay lại trường, tôi dẫn tới các thầy cô, trình bày hoàn cảnh của em và rất may nhà trường đã tạo điều kiện để em vào học với cam kết đóng học phí sau khi vào trường” - cô Lâm kể.

Tiếp sức đến trường: Đi qua biến cố cuộc đời

TTO - Không còn oán trách số phận, những bác sĩ tắc trách đã khiến cô mất đi chân phải, giờ đây cô đã bước qua một cột mốc khác của cuộc đời - trở thành tân sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp