24/07/2010 06:40 GMT+7

Em được nghỉ hè chưa?

NGUYỄN NGỌC HÀ
NGUYỄN NGỌC HÀ

TT - Hơn nửa mùa hè trôi qua, những chùm phượng đỏ đã lún phún màu lá xanh trở lại, nhưng có những bạn nhỏ vẫn chưa kịp viết nên dòng nhật ký mùa hè...

rioxOyrP.jpgPhóng to
Du lịch đại gia đình tạo sự gắn bó trong dòng họ giữa nhiều thế hệ với nhau - Ảnh: Ngọc Hà

Phần lớn các bạn nhỏ ấy vẫn ngày ngày cắp sách đến lớp, những kỳ nghỉ hè thoải mái chỉ là vội vã.

Học kỳ 3

Ngọc Trang, học sinh Trường Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM), được ba mẹ cho đi Đầm Sen một buổi, Suối Tiên một ngày. Sau đó tiếp tục học kỳ 3: học hè! Do ba mẹ em làm công việc tự do nên “du lịch Đà Lạt, Vũng Tàu” thật xa vời...

Anh chị Thu Hoàng làm cùng cơ quan, có tiêu chuẩn tham quan hè, do vậy hai con của anh chị là Ngọc Vinh và Ngọc Vân được “ăn theo” ba mẹ. Đi chơi về, hai em phải học thêm các môn chính tại nhà thầy cô. Nghe tôi hỏi có quá áp lực cho các em không khi đáng lẽ phải được nghỉ, chị Hoàng nghiêm mặt: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Cả hai vợ chồng đi làm, mấy đứa ở nhà với ai”.

Theo kế hoạch, như thường lệ, ăn sáng xong chị chở con đến nhà cô giáo học toán. Tầm 9g30, chị đón và chở tiếp hai em học thêm môn văn. Buổi trưa, chị đón con về ăn cơm rồi chở tiếp đến nhà thầy học tiếng Anh. 15g, chị đón con học tin học. Sau giờ cơm chiều, các em đi tiếp đến nhà văn hóa học đàn và họa. Tôi hỏi có hứng thú với vẽ và nhạc không, các em cùng trả lời: “Học gì cũng chán”!

OT3HT5aw.jpgPhóng to
Cho trẻ chơi đùa, chăm sóc động vật, chim chóc trong những ngày hè cũng là cách để trẻ yêu thiên nhiên, môi trường hơn - Ảnh: Ngọc Hà

Sau những kỳ nghỉ, nhiều em lại quay về với học và học. Ba mẹ có hàng ngàn lý do để đưa con cái vào những khóa học ngắn hạn. Chị Ngọc Sương, sau kỳ thi tuyển lớp 10, ngoài những môn chính chị sẽ cho con gái học thêm tiếng Pháp với lý do “Thì hè mới có thời gian học”!

Chưa kể không phải đứa trẻ nào cũng thích đi chơi trong các chuyến nghỉ mát của cơ quan ba mẹ vì theo cô Phượng, giáo viên một trường mầm non: “Thường lên lớp 8, con cái không thích đi chơi cùng cơ quan ba mẹ nữa”. Tại sao? Hỏi Ý Nhi, con chị, em trả lời: “Đi với cơ quan ba mẹ, chúng cháu là trung tâm để các cô chú bình phẩm, xét nét cách cư xử, chê bai trường các cháu học, về danh hiệu thi đua cuối năm học. Cháu học trường bình thường sẽ nghe các cô chú có con học trường “điểm” khoe con cái”...

Đa số lý do không có thời gian chăm sóc con, cả hai vợ chồng đều đi làm, gửi con tại các lớp học là thượng sách. Thường “ý tưởng đào tạo” con cái bắt đầu từ người mẹ. Cũng có nhiều bà mẹ trong khi chờ trường gọi học hè, cứ phát tiền cho con rồi tự ý con làm gì thì làm. Chị Cẩm, ở nhà nội trợ, sáng phát cho cu Bi năm ngàn, nếu chơi game thì nhịn ăn sáng, khi nào trường gọi tập trung học hè thì vào.

Và những ngày hè “tự túc”

Anh chị Lộc, chủ một tiệm Internet trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM), cho biết ngày hè học sinh chúi mũi vào game nhiều hơn. Thường anh chị mở cửa lúc 8g30. Ngày hè, mới 6g hơn đã có tiếng kêu cửa của các em học sinh hàng xóm. Hơn 7g tiệm anh chị chật cứng những khuôn mặt ngây thơ, chăm chú nhìn lên màn hình, say mê những trò bạo lực...

Thu Hiền, một học sinh lớp 8 đã biết tự lo cho mình. Khi còn nhỏ, Thu Hiền được gửi tại các nhà trẻ. Con lên tiểu học, tầm 7-8 tuổi, ba mẹ tập cho con thói quen đọc sách. Tự anh Khanh chọn sách cho con. Những ngày hè con chưa đi học, anh chị dặn con không được mở cửa cho người lạ. Vợ anh sáng nấu cơm cho gia đình ăn sáng, thức ăn dư ra để Thu Hiền ở nhà tự hâm lại. Khoảng 9g Hiền vo gạo, nấu cơm điện để trưa ăn rồi đọc sách.

Chiều, trước khi ba mẹ về, em đã sẵn sàng cho nồi cơm chiều. Cứ thế mà hôm nay, sau khi ăn sáng, ngày hè em vào nhà sách gần nhà, nằm trong khuôn viên một nhà thờ lớn để đọc sách ké. Đọc đến trưa, em về ăn cơm, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh nhà cửa rồi trở vào nhà sách. Đến chiều, ba mẹ về nhà cửa gọn ghẽ, nồi cơm sẵn sàng.

Theo anh Khanh thì “trẻ con nhà nghèo hoặc nông thôn đã biết tự kiếm cái ăn cho mình. Có đứa 6-7 tuổi đã biết băm rau nuôi heo, chăn gà vịt... Con mình chỉ nấu nồi cơm điện, giặt giũ quần áo, lau nhà... so ra sướng hơn nhiều. Hãy so sánh con mình với con nhà lam lũ để giáo dục con biết tự lo cho mình. Từ đó cháu sẽ suy nghĩ độc lập và tự lập trong cuộc sống...”.

Còn bé Mai Khôi (nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM), ngày hè không phải chạy đua với giờ học hè, thỉnh thoảng được ba chở ra vườn hoa trước nhà thờ Đức Bà (Q.1) cho bồ câu, chim sẻ ăn. Với ba Mai Khôi, đó là cách tốt nhất giáo dục con tình yêu thiên thiên và cả lòng nhân ái.

Hè về, mỗi nhà mỗi cảnh. Không phụ huynh nào cho cách chăm con của mình dở hơn người khác. Ai cũng có lý do để lên kế hoạch thay con cái. Thật “ảo tưởng” nếu đòi hỏi một mùa hè với những con diều căng gió, với những buổi tắm sông, hái ổi dọc bờ sông...

Tuy nhiên, xin hãy cho các em có thời gian để thở sau hơn chín tháng cùng thầy cô ngày hai buổi chạy theo chương trình học nặng oằn vai. Xin cho các em một thiên đường nhỏ của tuổi thơ để các em có cái nhớ về khi lớn lên. Xin cho hôm nay, hai từ nghỉ hè không đồng nghĩa với học kỳ 3 hay là những tháng “kinh hoàng” với thời khóa biểu kín mít cho kế hoạch đào tạo thiên tài của ba mẹ.

NGUYỄN NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp