10/03/2021 11:18 GMT+7

Em đến bên đời, hoa vàng một đóa

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - "Đóa" là "từ chỉ riêng từng bông hoa hoặc cái gì sánh được với hoa do vẻ đẹp trọn vẹn của nó" và cho bốn ví dụ: "Đóa hoa hồng. Những đóa cẩm chướng. Ánh lên thành một đóa hào quang. Đóa mây rực rỡ".

1. Trong đời sống, chúng ta thường gặp từ "đóa hoa". Vậy "đóa" trong "đóa hoa" có nghĩa là gì?

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giảng nghĩa "đóa" là "từ chỉ riêng từng bông hoa hoặc cái gì sánh được với hoa do vẻ đẹp trọn vẹn của nó" và cho bốn ví dụ: "Đóa hoa hồng. Những đóa cẩm chướng. Ánh lên thành một đóa hào quang. Đóa mây rực rỡ".

2. Trong đời sống, nhất là trong ca khúc và thơ, ta có thể tìm thấy dễ dàng nhiều dẫn chứng cho hai ví dụ đầu. 

Chẳng hạn, tên bài viết này là câu đầu tiên trong ca khúc Hoa vàng mấy độ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001). Còn trong bài thơ Đóa hoa hồng, nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 1966) viết: Tình tôi như đóa hoa hồng/ Ở mương oan trái trong lòng tịch liêu/ Kinh đô cát bụi bay nhiều/ Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?

Trong bài báo "Dịch học phân tâm - Minh triết Kinh Dịch trong tương quan với phân tâm học Sigmund Freud" đăng trên tạp chí Sông Hương số 241 (tháng 3-2009), Nguyễn Mạnh Tiến có câu: "Lý tính sau những đóa hào quang chói lọi, bây giờ bị cáo buộc chính là thủ phạm trực tiếp của nền văn hóa phi nhân ở Âu - Mỹ hiện đại".

Thoạt nhìn, ví dụ thứ tư của Từ điển tiếng Việt dường như không tồn tại. Tuy nhiên, ta vẫn thấy thấp thoáng những dẫn chứng cho ví dụ này trong văn chương. 

Bài thơ Nôm Viếng Lê Khôi của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) có câu: Dẹp yên tám cõi mới buông tay/ Lồ lộ Thai tinh một đóa mây/ Tể tướng, bếp tàn, mai lạnh vạc/ Tướng quân doanh vắng, liễu chau mày. 

Ở đây, Lê Khôi (?-1446) là một khai quốc công thần nhà Lê sơ và là bác họ Lê Thánh Tông. Thai tinh (hay Tam thai) trong bài thơ là tên chung chỉ ba ngôi sao lớn, thường được ví với Tam công (ba chức quan cao nhất) trong triều đình phong kiến.

"Đóa mây" cũng xuất hiện trong các sáng tác ngày nay. Ca khúc Cho em một đóa mây sầu, do Ngọc Quy phổ nhạc từ thơ Phạm Kim Tiên, có câu: Cho em một đóa mây sầu/ Để em cài tóc, tô màu cho thơ/ Cho em một ánh trăng mơ/ Em soi nhân thế thờ ơ nghĩa tình.

3. "Đóa" là một từ Hán Việt. Trong tiếng Hán, "đóa" (6 nét, bộ mộc) có nhiều nghĩa mà hai trong số đó là bông hoa hoặc đám, áng, vầng (nói về mây, ánh sáng).

Tương truyền lúc đi sứ mừng Nguyên Vũ Tông (1281 - 1311) mới lên ngôi, Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346) được triều đình nhà Nguyên mời đọc văn tế một hậu phi vừa mất. 

Khi mở bài văn tế, Mạc Đĩnh Chi thấy chỉ có bốn chữ "nhất" nhưng ông ứng khẩu đọc ngay: Thanh thiên nhất đóa vân/ Hồng lô nhất điểm tuyết/ Thượng uyển nhất chi hoa/ Dao trì nhất phiến nguyệt/ Y! Vân tán, tuyết tiêu/ Hoa tàn, nguyệt khuyết (Một đám mây trên trời xanh/ Một hạt tuyết trong lò đỏ/ Một nhành hoa vườn thượng uyển/ Một vầng trăng cung Dao Trì/ Than ôi! Mây tán, tuyết tan/ Hoa tàn, trăng khuyết). 

Ở đây, Mạc Đĩnh Chi sử dụng "đóa" (tiếng Hán) theo nghĩa "đám, áng, vầng".

Trong bài thơ chữ Hán Tầm hữu vị ngộ (Tìm bạn không gặp), Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) sử dụng "đóa" theo nghĩa bông hoa: Bách lý tầm quân vị ngộ quân/ Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân/ Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân (Trăm dặm tìm anh chẳng gặp anh/ Đầu non vó ngựa đạp mây xanh/ Đường về chợt thấy mai rừng nở/ Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân).

Tiếng nước tôi: Người mà đến thế thì thôi Tiếng nước tôi: Người mà đến thế thì thôi

TTO - Trong truyền thống Việt ngữ học, từ hư là lớp từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp, không có ý nghĩa từ vựng, vì thế chuyển sang tiếng Anh, tiếng Pháp chúng được gọi là "từ rỗng nghĩa" (empty word, mot vide).

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp