18/08/2022 09:55 GMT+7

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 8: Hè về cho tôi biết tương tư...

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Với học trò lứa 8X đời đầu chúng tôi, được nghỉ hè là niềm hạnh phúc vì không phải lo dậy sớm đi học, không phập phồng bị gọi lên bảng dò bài, đặc biệt được hòa mình với ruộng đồng, được chơi thả diều. Nhiều đứa còn chăn trâu, giữ bò phụ ba mẹ.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 8: Hè về cho tôi biết tương tư... - Ảnh 1.

Trường THPT Nông Sơn, nơi tôi lưu dấu mối tình đầu lãng đãng tuổi hoa niên - Ảnh tư liệu

Mối tình đầu từ mùa hè năm đó

Có mùa hè, tôi leo lên xe đò ra Đà Nẵng phụ quán ăn, nuôi ước mơ được học tiếp. Mối tình học trò cũng chớm nở từ lần xa quê đó, với những lần thư đi thư về động viên nhau vượt khó...

Đó là mùa hè năm lớp 10, Điểu - một người bạn gần nhà, cùng tuổi nhưng học khác lớp - rủ tôi: "Cậu có dám ra Đà Nẵng kiếm việc làm thêm không?". Tôi hơi chần chừ vì từ nhỏ tới lớn có đi đâu ra khỏi lũy tre làng.

Quê tôi thuộc năm xã vùng tây Quế Sơn (Quảng Nam). Cả khu vực là một thung lũng, bao quanh là núi, sông, đường đi cực kỳ khó khăn. Nhìn từ đỉnh đèo Le xuống, mọi thứ như lọt trong lòng chảo, trùng trùng núi non với màu xanh bất tận. 

Tôi chưa bao giờ dám mơ mình sẽ đi đâu đó khỏi con đèo này, kể cả ngày hè. Mùa hè khi còn nhỏ thì đi rẫy đi rừng, chạy chợ giúp ngoại giúp má, thi thoảng làm diều thả giữa cánh đồng sau mùa gặt, theo mấy đứa có trâu có bò để thỏa ước mong được cưỡi trên lưng chúng, nghêu ngao hát bài tự chế. 

Còn giờ đi tận Đà Nẵng, biết má có cho? Tôi băn khoăn với Điểu và được bạn bảo đảm: "Cứ nói là có chị Đường xin việc giúp rồi, làm vài tháng rồi về mà".

Chị Đường là chị ruột của Điểu, vì hoàn cảnh khó khăn nên sau khi học xong lớp 9 đã nghỉ học để đi làm phụ việc cho các quán ăn ở Đà Nẵng. Điểu bảo đảm vậy với má và ngoại tôi, còn tôi thì quyết tâm muốn đi kiếm tiền để trang trải cho năm học mới. 

Nhờ vậy, má và ngoại đã bấm bụng để tôi đi làm thêm ngày hè với đủ lời dặn dò. "Có chi thì nhờ chị Đường đưa ra bến xe về với má, ngoại nghe", má tôi nhắc đi nhắc lại.

Trên chiếc xe đò chòng chành vượt đèo Le, tôi nhìn xuống quê nhà, thấy mái tranh nhà mình nhỏ còn hơn một chấm đen. Tôi giấu nước mắt vào trong vì nghĩ, đi làm thêm hè này để có tiền học tiếp. Phố xá Đà Nẵng mênh mông, xe cộ tấp nập. 

Tôi và Điểu được chị Đường xin vào làm "chạy bàn" cho một tiệm cơm gà trên đường Nguyễn Chí Thanh, gần Nhà hát Trưng Vương. 

Chân "chạy bàn" mà chúng tôi làm được mô tả: phải thức dậy lúc 5h sáng để quần quật giặt khăn bàn, lau bàn ghế, dọn toilet, phụ bếp, xong mặc đồ lịch sự để phục vụ bàn cho đến 14h chiều mới nghỉ, 16h chúng tôi lại tiếp tục làm phục vụ bàn cho đến 21h, rồi dọn dẹp đến tận 23h mới nghỉ. Cường độ làm việc như vậy thực sự quá áp lực với chúng tôi trong tuổi ăn tuổi ngủ.

Tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà, nhớ bạn nên viết thư về cho má, cho bạn. Người bạn mà tôi ấn tượng nhứt trong năm đầu cấp III là Nhàn. Tôi gọi cô ấy là "chị" vì Nhàn lớn hơn 1 tuổi. Trước đó, do bệnh tim, Nhàn phải nghỉ học một năm nên mới vào lớp tôi. 

Hè năm đó, cũng trong nỗi lo tái bệnh phải nghỉ hẳn, Nhàn tạm biệt năm học với tôi bằng một lá thư khá dài, kể hoàn cảnh mình. Tôi đồng cảm nên viết thư động viên Nhàn, đồng thời cũng kể việc mình đang đi làm ở tiệm cơm.

Sau lá thư đó, tôi lại nhận được thư Nhàn, cũng là những lời chia sẻ chân thành, động viên tôi cố gắng. Sự chia sẻ của "chị" khiến tôi ấm áp, vui khôn tả. Hình như là yêu. 

Tôi cũng không biết nữa, nhưng mỗi khi nghĩ về Nhàn, nhớ những câu chữ động viên, an ủi của cô ấy khiến tôi thêm động lực. Tôi vượt qua hai tháng làm thêm cực nhọc ấy với tổng tiền lương 400.000 đồng, đủ để mua sách vở và mua một chiếc quạt máy cho má, ngoại tôi ngủ ngon hơn.

Sau hè, tôi gặp lại Nhàn và vỡ òa, "chị" đã vượt qua được nỗi lo bệnh tật trước đó và quyết định sẽ đi học cho đến khi nào... hết khả năng. Tôi mừng như thể được tưới tắm sau những ngày hè nắng oi. 

Tôi bắt đầu tình yêu đầu như thế, với Nhàn, một người lớn hơn mình 1 tuổi. Tất nhiên, đó là tình yêu trong sáng kéo dài cho đến hết năm 12...

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 8: Hè về cho tôi biết tương tư... - Ảnh 2.

Hai cha con tôi bên dòng sông Thu Bồn yêu thương đầy kỷ niệm hè xưa - Ảnh: TRẦN TRỌNG HIẾU

Những lá thư gửi vội

Ở trong lớp, tôi vẫn gọi Nhàn là chị và xưng em... ngọt xớt. Có lẽ, bạn bè thời đó không ai nghĩ tôi và cô ấy có tình ý gì với nhau. Tôi vẫn học giỏi, Nhàn vẫn cố gắng từng ngày. Tôi nghĩ đây là ưu điểm khi tôi và Nhàn thương yêu nhau, trở thành những người tốt hơn trong kết quả học tập chứ không chểnh mảng việc chính.

Mỗi tuần chúng tôi đều viết thư cho nhau. Bữa nào có thư gửi Nhàn, tôi sẽ đi thiệt sớm và bỏ vào ngăn bàn của cô ấy, rồi hồi hộp ngồi canh cho đến khi người kia nhận được rồi cười chúm chím khi đọc mới thôi.

Nhóm bạn thân của Nhàn và tôi có Yến, Ý. Hai bạn kia cũng gọi Nhàn là "chị" như tôi và họ kể cho nhau nhiều thứ. Có lẽ cả chuyện chúng tôi ngầm quen nhau trong lớp Yến và Ý cũng biết được.

Nhớ có lần đó, chúng tôi giận nhau không nói chuyện một tuần. Sau đó, tôi đã phải nhờ Yến hẹn Nhàn vào nhà của bạn ấy rồi tôi giả bộ... tình cờ đi ngang, ghé vào chơi để gặp. Khi đó, chúng tôi mới có thể cười được với nhau. 

Mà yêu nhau giận nhau cũng có cái hay. Nó giúp mình thương người đó sâu đậm hơn vì... cứ nghĩ về họ hoài. Thậm chí nhờ những lần giận nhau, nhớ nhau quá, tôi đã làm được cả thơ tình học trò:

"Tôi nhớ em như nắng vàng nhớ từng ngọn cỏ

Như cơn mưa chiều nhớ những cơn dông

Tôi nhớ những sáng bọn mình cùng thong dong

Nhặt từng cánh bằng lăng tím ở góc sân trường...".

Lá thư nào tôi cũng viết "Nhàn thương!" để vào đề, nắn nót thật nhiều sau giờ học, nhứt là khi nó được viết dưới đèn bàn học trò. Chữ tôi và Nhàn đều dễ coi, tôi thì được má luyện viết chữ hoa từ nhỏ, từng đi viết báo tường cho trường nên cô ấy rất thích. Tôi không biết đến giờ này Nhàn có còn giữ lại những lá thư tôi viết hay cũng dại khờ giống như tôi đã từng làm là đốt đi tất cả.

Tôi không quên được lúc mình tạm dừng tất cả hy vọng sẽ gặp lại Nhàn từ năm 2 đại học. Sau rất nhiều lá thư gửi đi mà không hề có một hồi âm nào từ Nhàn trong suốt năm nhứt đại học, tôi đã khóc rất nhiều. 

Nó như một sự dồn nén. Bạn có bao giờ thương một người, nghĩ về họ mỗi ngày, ghi tên họ chi chít trên quyển vở học mà không thể kết nối được với họ?

Nhiều năm sau đó, khi tôi đã dần quen đời độc thân, sống đời cư sĩ thong dong, tôi lại được nghe tin Nhàn qua Yến. Từ sau khi tôi rời quê đi học, gia đình Nhàn dọn ra Đà Nẵng sống, cô ấy cắt liên lạc với tôi. Bạn bè chung của cả hai nói, "Nhàn không muốn làm phiền và cản lối tôi đến thành công". 

Do cuộc sống cuốn đi, thời đó không có điện thoại, sau hàng chục lá thư gửi đi nhưng bặt vô âm tín nên tôi cũng để tình cảm mình "đóng băng". Tôi không tiếc nuối nữa, không giận Nhàn vì hiểu mọi gạch nối trong đời này dài hay ngắn đều có nhân duyên của nó.

Tôi không nghĩ về Nhàn và cũng bắt đầu không nghĩ về người con gái nào khác nữa. Với tôi, Nhàn là người đã chở mùa hè cùng tình yêu đầu của tôi đi chơi đâu đó cho tới tận bây giờ...

Bài báo này có thể Nhàn sẽ đọc được khi đã là vợ là mẹ. Tôi tin, Nhàn sẽ mỉm cười một đoạn đường đã qua. Tôi luôn mong Nhàn sẽ hạnh phúc thật nhiều bên người thân thương. Nếu có dịp gặp lại, tất nhiên tôi vẫn gọi Nhàn là chị, như một người thân của mình.

*****************

Tháng 5 đang nắng chang chang mà bất ngờ mây đen cuộn về. Nghe tiếng trời gầm ầm ì, đám trẻ tụi tôi nghỉ hè, xúm nhau sửa sang chiếc đèn soi, ngóng trời mưa để đi bắt ếch.

>> Kỳ tới: Mùa săn “gà đồng”

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 7: Xóm Xì Trum những trưa hè không ngủ

TTO - Mùa hè của anh em tôi kéo dài 3 tháng, miệt mài "phá làng phá xóm" với đủ kiểu trò chơi tuổi học trò.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp