Một góc khu sau Trường Nguyễn Thượng Hiền nhiều cây cối, vắng vẻ mà tôi hay vào chơi mùa hè - Ảnh tư liệu
Ngoài khoái nhất coi phim, đám nhóc khu Hiệp Nhất còn có cả "chiến địa" để vui chơi mỗi ngày chính là bãi sau đầy cỏ cây xanh tươi của Trường Nguyễn Thượng Hiền.
"Cướp biển", bắt cá bảy màu, săn dế
Gần 40 năm đã trôi qua với rất nhiều đổi thay, kể cả ngôi trường kỷ niệm ấy, nhưng tôi vẫn nhớ mãi những ngày leo tường vào trường chơi, và tất nhiên có cả chuyện chui "lỗ chó" ở đoạn tường bể. Ba tháng hè, trường vắng ngắt ngơ, bãi sau trường còn vắng hơn để đám nhỏ tha hồ "lêu lổng".
Những năm đầu thập niên 1980, khu này còn có các dãy nhà tôn được cho là trại lính Đại Hàn trước năm 1975. Hầu hết dãy nhà này bị bỏ hoang, chỉ vài phòng được tận dụng làm lớp hè tình thương, xóa mù chữ. Thôi rồi, thế là những ngôi nhà lắp ráp có mái thấp lè tè biến thành "hang ổ đám cướp biển" như tụi nhóc chúng tôi thường tự ví von mình.
Dãy nhà tôn phía sau Trường Nguyễn Thượng Hiền ngày ấy là nơi đám nhóc chúng tôi mải mê chơi trò "cướp biển" - Ảnh tư liệu
Từ sáng sớm, khi cha mẹ vừa ra khỏi nhà quay quắt với cuộc mưu sinh thời khó, tụi tôi đã hè nhau cắt những dây mơ già vốn hay được trồng ở khu người Bắc ở để biến thành "đạn" mà "súng" là cọng thun móc ở đầu hai ngón tay chơi trò đánh trận ở các ngóc ngách dãy nhà hoang phế này.
Buồn cười nhất là chẳng hiểu sao cũng nghĩ ra được cái trò "cướp biển" thua trận, phải bỏ tàu nhảy xuống biển bằng cách trèo lên mái nhà tôn và cứ thế "phi thân" thẳng xuống đất. Trò chơi tuổi thơ rồ dại mà vui ơi là vui. Mái tôn nhà lắp ráp không cao, nền cũng là đất đầy cỏ dại, có nhảy xuống chỉ hơi thốn đầu gối một chút chứ chẳng chết "thằng Tây con cá rô cây" nào.
Bây giờ nhắc lại mùa hè xưa, tôi vẫn nhớ nơi này còn rất nhiều thú vui chỉ có ở năm tháng đó mà giờ nhắc lại lứa nhỏ chỉ tròn con mắt khó tin.
Bãi cỏ phía sau trường có nhiều vũng thấp, mùa mưa đọng nước, thế là ốc sinh sôi và có cả những con cá nhỏ. Những thằng nhóc "phá làng phá xóm" chúng tôi cầm bao nilông đi mò ốc cũng thi thoảng có được nồi ốc luộc ăn đã thèm ở thời buổi cái gì cũng thiếu.
Ngộ nghĩnh hơn là chơi chán trên bờ, tụi tôi còn lội xuống cả kênh Nhiêu Lộc ngày ấy còn lộ thiên. Và dù cũng đã ô nhiễm với các nhà nhà cao cẳng chi chít hai bên bờ, dòng kênh này thuở đó vẫn còn "chơi được" với đám lóc nhóc "trời gầm không sợ", kể cả dám bơi lặn lóp ngóp khi mưa dâng nước.
Thường là chúng tôi cầm rổ rá bắt cá bảy màu, vớt trùn chỉ và cứ thế lội xuôi dòng nước chảy từ đoạn kênh sau Trường Nguyễn Thượng Hiền đến cái cầu ở đường Phạm Văn Hai mới chịu leo lên. Khoảng nửa đầu những năm 1980, dòng kênh này còn là những lối tắt để qua khu Đệ Nhất khách sạn hay chợ Ông Tạ.
Từ đường Hiệp Nhất, chúng tôi men theo hẻm nhỏ gần chùa Di Đà rồi lội qua kênh Nhiêu Lộc ở đoạn có những tảng đá mà khi nước thấp có thể dễ dàng bước lên chúng để qua kênh không ướt chân. Khi nước mưa dâng cao, những tảng đá này lại biến thành "ngầm tràn" hấp dẫn đám nhỏ. Chúng tôi bước qua lại những tảng đá chìm này mà... mộng mơ mình đang lội suối rừng như trong phim.
Còn nhớ lối qua kênh Nhiêu Lộc này cũng đưa đám nhỏ một thời mê mẩn "phim tư liệu" đầy cảnh đấm đá, chưởng chiếc đùng đùng bước vào sân võ trên đường Hoàng Việt gần đó. Tôi khởi đầu lớp taekwondo của mình ở đây (sau chuyển về Câu lạc bộ 2 Tháng 9, rồi Không quân). Còn đám bạn đứa học vovinam, đứa theo karate. Vài đứa sau này đã lên hàng sư phụ với đai đen ngũ đẳng, lục đẳng...
Ngoài quanh quẩn chơi gần khu Hiệp Nhất, mùa hè chúng tôi ngày ấy còn lang thang đi chơi xa như qua khu bãi rau Lộc Hưng (phía sau Bưu điện Chí Hòa) để mò mẫm săn bắt dế hay lên sân Phú Thọ coi người ta tập ngựa, đá banh...
Nhưng có một kỷ niệm mà tôi đã và sẽ không thể quên được là khoảng mùa hè năm 1985-1986, thằng nhóc nhỏ như tôi đã biết mùi "buôn lậu" giữa trung tâm Sài Gòn là thế nào.
Lứa tuổi học trò ở Sài Gòn ngày trước có mùa hè nhiều thú vui - Ảnh tư liệu
Đi "buôn lậu" xà bông để được ăn kem
Gia đình tôi ngày ấy có một người bà con bán đồ lặt vặt ở chợ nhỏ quận 10. Chả hiểu thế nào mà ngày nọ cô biết được "đường dây" lên Thương xá TAX, mua xà bông kem đựng trong hũ nhựa để về bán tại các chợ nhỏ sẽ kiếm lời được ít đồng. Thế là, cô đạp xe chở tôi đi theo để hỗ trợ mình.
Nếu tôi nhớ không lầm thì việc mua xà bông kem ngày ấy khá nguyên tắc (như kiểu mậu dịch ngoài Bắc) nhưng lại vẫn có kẽ hở. Hay các cô bán hàng cố tình bỏ qua cái thằng nhóc ốm nhom, đen thui lui như tôi.
Quy định hồi đó là người khác quận vẫn có thể mua được xà bông kem ở thương xá trung tâm này (vì cô dẫn tôi đi có hộ khẩu ở quận 10), nhưng phải trình CMND và mỗi lần chỉ được mua vài hũ. Cô dẫn tôi đi đã trình CMND để được mua trước vài hộp. Khi ra ngoài, cô chuyển CMND cho tôi và dặn: "Con cầm cái này vào nói người lớn bận chuyện, nhờ con mua giùm".
Thằng nhóc "trời gầm không sợ", dám bơi cả dưới kênh nước đen Nhiêu Lộc, thì sợ gì mấy cô nhân viên. Thế là, tôi cũng xếp hàng đợi tới lượt mình rồi cũng mua được mấy hộp xà bông.
Tôi và cô ta mua hàng xong một lượt, đi bộ qua quán Bạch Đằng bên kia đường Lê Lợi ngồi ăn kem để chờ nửa tiếng sau quay lại mua tiếp. Có hôm, tôi bị cô bán hàng không cho mua nữa, nhưng phần nhiều tôi vẫn mua thêm được.
Mua đi bán lại đúng nghĩa "cò con", lời lãi được mấy đồng bạc cho cô ấy, nhưng thằng nhỏ nửa quê nửa phố như tôi vui ơi là vui, vì được lên trung tâm Sài Gòn, được vào Thương xá TAX đầy ắp hàng hóa và nhất là được ngồi vắt chân ăn kem Bạch Đằng. Buổi tối, tôi về kể lại cho đám bạn hàng xóm mà tụi nó như nhễu nước miếng và tròn con mắt vì... ganh tị.
Mùa hè của tụi tôi năm tháng khó khăn hậu chiến ấy đầy sắc màu khó quên như thế. Chơi thì "chơi thả cửa", vì cha mẹ có muốn quản cũng không quản được do người nào cũng phải lăn ra ngoài sấp mặt kiếm miếng cơm manh áo. Tuy nhiên, kỷ niệm chơi thì đầy, còn kỷ niệm nhỏ nhóc đã biết phụ giúp cha mẹ có kể mãi cũng không hết.
Khu Hiệp Nhất tôi ở ngày ấy chưa có nước máy, thằng nhóc nào cũng giỏi việc múc nước giếng về đổ đầy thùng phuy cho nhà xài. Rồi dù đi chơi đâu xa, tụi tôi cũng nhớ về bắc nồi cơm thuở còn chụm củi hoặc bếp dầu trước khi cha mẹ đi làm về, kể cả biết luộc rau, kho cá, giặt đồ.
Thời buổi miếng ăn còn thiếu hụt, ai mà hiểu osin là cái giống gì, nên lứa anh chị mới 8, 9 tuổi đã biết giữ nhà, trông em cho cha mẹ đi làm. Và tất nhiên phần nhiều là tụi tôi dẫn em đi chơi cùng, cũng "lêu lổng" giang nắng, tắm mưa. Tối về, em nhỏ bị sốt, cha mẹ cho anh chị vài roi lằn đít vì cái tội làm em bệnh, nhưng rồi mai mọi chuyện vui chơi lại tiếp tục như cũ.
Mùa hè vẫn thật vui...
Thời này, nhắc nhớ hè xưa đám nhóc suốt ngày dầm mưa, dãi nắng dù ở ngay thành phố, và từ khoái phim "chưởng" để mò đến sân võ luyện tập say mê mà thấy cũng hay hay và lợi ích sức khỏe.
Tuổi học trò ngày nay phần đông nếu tạm rời được bàn học thì cũng dính chặt màn hình điện thoại, máy tính. Việc kéo chúng đến sân võ luyện tập với sự say mê, bền chí như thời hơn 30 năm trước của chúng tôi quả không dễ chút nào.
-----------------------
Cứ nghĩ thú vui mò cua, bắt ve sầu đã lùi vào dĩ vãng cùng tuổi thơ thời 8X của chúng tôi. Nào ngờ dịp về quê, tôi lại gặp hình ảnh thân thương đó.
Kỳ tới: Mùa hè đi bắt ve
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận