18/11/2017 09:07 GMT+7

Em bé 7 tháng tuổi bị bỏ rơi trở về vòng tay mẹ

LAN ANH - NGỌC LOAN -  MINH PHƯỢNG -  LÊ PHƯƠNG - UYÊN TRINH
LAN ANH - NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG - LÊ PHƯƠNG - UYÊN TRINH

TTO - Câu chuyện bé 7 tháng tuổi bị bỏ rơi ở Mỹ Đình (Hà Nội) ngày 5-10 được thiếu úy công an cho bú đã kết thúc có hậu khi người thân đón về. Nhưng vẫn còn những trẻ khác đang bị bỏ rơi ngày càng nhiều...

Em bé 7 tháng tuổi bị bỏ rơi trở về vòng tay mẹ - Ảnh 1.

Mẹ cháu Quang Thị Th. sau 10 ngày bỏ đi đã quay về với con - Ảnh: ĐÌNH PHƯƠNG

Hơn một tháng sau khi bị bỏ rơi ở khoa khám bệnh, Viện Huyết học - truyền máu T.Ư (Hà Nội), bé trai Nguyễn Phước Đặng, hơn một tháng tuổi vừa được chuyển tạm sang một trung tâm bảo trợ xã hội, chờ một ngày được mẹ và người thân đón về.

Khi người mẹ...quay lưng

Những ngày bé ở Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, nhiều cô y tá và nhân viên xã hội của bệnh viện đã chia ca chăm bé, bác sĩ viện trưởng lên mạng xã hội kêu gọi mẹ bé quay về đón con, nhưng mẹ bé và người thân vẫn bặt vô âm tín. 

Nguyễn Phước Đặng là một trong ba em bé bị bỏ rơi ở Hà Nội trong vòng một tháng qua, và là em bé hẩm hiu nhất khi chưa được người thân đón về tổ ấm.

Cùng lúc bé Đặng bị bỏ rơi, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng vừa phải chăm sóc một bé gái sinh non và bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện. 

Trên giấy tờ, bé được đặt tên là Quàng Thị Th., mẹ bé là Quàng Thị L., mới 18 tuổi. 

Khi chào đời, bé Th. mới ở 28 tuần trong bụng mẹ và chỉ nặng 1,4kg, phải chăm sóc đặc biệt. Nhưng sinh con được vài ngày, L. chỉ nhìn con rồi nói với mọi người cùng phòng là đi ra ngoài ăn sáng và... bỏ về quê.

Bác sĩ Lương Thị Hoàng Lan - khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho biết qua hồ sơ bệnh án bệnh viện có địa chỉ mẹ cháu bé nên tìm được chị này đang sinh sống tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Chính quyền địa phương đã vận động người mẹ này xuống với con. 

Chia sẻ với chúng tôi, Quàng Thị L. cho biết thâm tâm không muốn bỏ con, nhưng vì sợ gia đình biết chuyện và không có tiền nên... đành phải làm. L. cho hay đến giữa tháng 9-2017, khi đi xe khách xuống Hà Nội xin việc, thấy đau bụng, vào viện cấp cứu L. mới biết mình mang bầu.

Theo bác sĩ Lan, dù sản phụ L. đã xuống với con nhưng với tuổi đời còn quá trẻ, lại bất ngờ trước việc có con nên việc chăm sóc bé rất lóng ngóng. Rất may là cô ấy đã biết nghĩ lại...

Chị Lê Kim Thủy, người lo thủ tục giấy tờ để đăng ký khai sinh cho những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) suốt 3 năm qua, kể rằng ở bệnh viện này trung bình ba năm gần đây có đến 60 trẻ bị bỏ rơi/năm. 

Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trên giường bệnh, lúc đứa bé khóc ré lên vì khát sữa quá lâu, mọi người trong phòng mới phát hiện mẹ bé đã trốn viện. Hoặc có trường hợp bé bị bỏ rơi ở gốc cây, ghế đá... 

Đó thường là những đứa trẻ của... Noel, lễ tết. Mẹ các bé hầu hết là những cô gái còn rất trẻ, vì lỡ dại, vì bị xâm hại...

Còn ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), thông tin: "Hiện không có khảo sát riêng toàn quốc nào về số trẻ bị bỏ rơi". 

Nhưng theo một báo cáo của cục này, từ năm 2004-2012 có tới 176.000 trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi. Và điều đáng ngại là khảo sát này cũng cho biết số trẻ bị bỏ rơi ngày càng tăng.

Em bé 7 tháng tuổi bị bỏ rơi trở về vòng tay mẹ - Ảnh 2.

Cháu bé bị bỏ rơi ở nhà nghỉ được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III (Hà Nội) - Ảnh: Đình Phương

Mong mẹ quay lại với con

Theo bà Mai Thị Hoa - phó chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, trẻ bị bỏ rơi ở các bệnh viện, trước cửa các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc nơi công cộng, sau thời gian thông báo theo quy định nếu không có người nhà tới nhận, các em sẽ được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc và tiếp tục tìm gia đình cho trẻ.

Tuy nhiên, bà Hoa nói nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi, khi phát hiện chậm đã không cứu được các cháu. Lý do: có người bỏ con còn biết để em bé trong giỏ, trong hộp có khăn ấm, viết giấy để gửi gắm; nhưng có người bỏ con sợ người khác biết nên để ở chỗ không có người qua lại, bỏ trong thùng rác... thành ra đã giết mất đứa con của mình. 

Đã từng có trường hợp đứa bé bị bỏ rơi bị chuột cắn ngón chân, ngón tay nên thành trẻ khuyết tật hay kiến bu đầy mắt, may mắn phát hiện kịp thời và bé được cứu sống.

60

Là trung bình số trẻ bị bỏ rơi/năm tại riêng Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM ba năm gần đây.

TS xã hội học, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng một đứa bé bị bỏ rơi sẽ gặp phải nhiều vấn đề bất ổn vì bé bị thiếu thốn tình cảm đầu đời. 

Người mẹ là quan trọng nhất với đứa bé, xây dựng nên niềm tin cho đứa trẻ về thế giới xung quanh. 

Nếu bị bỏ rơi, đứa trẻ dễ hoài nghi về mọi thứ và bản thân đứa bé sau này sẽ thiếu tự tin về chính mình, vì thiếu tình yêu thực sự từ người dứt ruột đẻ ra. "Cuối cùng, tội nghiệp nhất vẫn là đứa trẻ" - bà Thúy nói.

Bà Mai Thị Hoa kể đã từng giải quyết trường hợp có hai em nữ còn trẻ mang đứa bé đến bảo: đi sở thú thấy em bé này bị bỏ rơi. 

"Nghi ngờ là con của một trong hai em, dù nhận em bé nhưng tôi vẫn bảo các em cứ về suy nghĩ xem. Khoảng một tháng sau, mẹ cô gái lên nhận cháu". Vui mừng, bà Hoa chia sẻ: "Dù sao đi nữa, một đứa trẻ sống trong gia đình sẽ phát triển tốt hơn rất nhiều".

Em bé 7 tháng tuổi bị bỏ rơi trở về vòng tay mẹ - Ảnh 4.

Cháu Quảng Thị Th. lúc bị mẹ bỏ rơi nắm chắt tay bác sĩ khi được chăm sóc - Ảnh; LÊ PHƯƠNG

Với những đứa trẻ bị bỏ rơi có dị tật, bị khiếm khuyết sẽ được ở làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ). 

Chị Lê Kim Thủy cho biết có những đứa trẻ đã hơn 18 tuổi nhưng vẫn không được chuyển đi nơi khác, phần vì bệnh tật sợ ra ngoài không có người chăm sóc kịp thời, phần vì các em quyến luyến các cô.

 "Có đứa chuyển đi, cháu nhất định không chịu, khóc quá nên lại thôi" - chị nói. Chị Thủy kể cũng có lần đang tết chị phải chạy đi làm giấy chứng tử cho cháu bé vừa mới chuyển ra khỏi làng Hòa Bình. "Vì ra ngoài, các cô chưa kịp hiểu bệnh tình cháu nên chăm sóc không kịp thời"...

Ông Đặng Hoa Nam cho biết hiện ngân sách có hỗ trợ cho các gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ bỏ rơi, nghị định 56 của Chính phủ cũng có quy định trả chi phí khám chữa bệnh và một số dịch vụ hỗ trợ cho các cháu. 

Chi phí này sẽ được Chương trình mục tiêu về trợ giúp xã hội chi trả. "Trẻ bị bỏ rơi sẽ được chăm sóc và bảo vệ" - ông Nam nói. 

Tuy nhiên, ông Nam cũng kỳ vọng các bà mẹ lỡ lầm sẽ quay về với cảm xúc của tình mẫu tử, quay lại với con. Bởi khó có một môi trường nào hoàn thiện với cháu bé, sẽ khó có một ai yêu thương cháu bé như cha mẹ, như ở tổ ấm đích thực của các cháu.

Tuổi có quan hệ tình dục lần đầu ngày càng trẻ

Theo Điều tra quốc gia về thanh niên (SAVY) lần thứ 1 năm 2005, tuổi có quan hệ tình dục lần đầu ở thanh niên VN là hơn 19 tuổi, nhưng đến điều tra SAVY năm 2010, tuổi này đã giảm xuống 18 tuổi.

Thăm khám thực tế và khảo sát tại các bệnh viện phụ sản cho thấy có những trường hợp quan hệ tình dục tự nguyện từ khi mới 12-13 tuổi.

Tại một hội thảo toàn quốc về tình dục và sức khỏe sinh sản do ĐH Y tế công cộng Hà Nội tổ chức gần đây, các báo cáo cho thấy có nhiều thay đổi về hành vi tình dục của thanh niên, vị thành niên do mức độ phổ cập của Internet và điện thoại di động.

Một chuyên gia về xã hội học cho biết khi trao đổi với các bạn trẻ về tình dục trước hôn nhân, hiện đa số bạn trẻ trả lời đó không phải là điều gì to tát.

LAN ANH - NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG - LÊ PHƯƠNG - UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp