07/10/2012 16:24 GMT+7

Elizabeth McLean kể chuyện Việt Nam

Nhà văn LADY BORTON
Nhà văn LADY BORTON

TTCT - Năm 2005, một tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế từ bỏ công việc của mình ở Canada, bán nhà, đóng gói đồ đạc và một mình đến Việt Nam. Sáu năm sau, quyển sách đầu tiên của bà về Việt Nam mang tên Imagining Vietnam (tạm dịch: Hình dung Việt Nam) giành giải thưởng Impress Prize for New Writers (*).

Nhân dịp Imagining Vietnam được phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế, tác giả quyển sách Elizabeth McLean đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi.

kcoq8v1T.jpgPhóng toBà Elizabeth McLean - Ảnh nhân vật cung cấp

Như sống giữa "nhà hát cuộc đời"

* Thưa tiến sĩ Elizabeth McLean, hẳn là phải có một nguyên nhân nào đó khiến bà quyết định đến sống và làm việc tại VN?

- Lần đầu tiên tôi nghe nói về Việt Nam là trong những năm 1970, khi tôi nhìn thấy các sinh viên biểu tình trong khuôn viên Trường đại học Toronto phản đối Chính phủ Mỹ gửi quân đến Việt Nam, và khi tôi đọc về những người Mỹ trẻ trốn sang Canada tránh lệnh quân dịch.

Khoảng ba thập niên sau đó, khi đang đi bộ cách nhà tôi không xa ở Ottawa, tôi đi qua một biệt thự hóa ra là Đại sứ quán Việt Nam. Có điều gì đó đã thôi thúc tôi vào đại sứ quán, nói với người phụ nữ tại quầy lễ tân rằng tôi đã có học vị tiến sĩ trong ngành quan hệ quốc tế từ một trường đại học Canada và hỏi liệu có việc gì đó mà tôi làm được tại Việt Nam. Cô ấy nói rằng cô đã tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế tại Hà Nội và có lẽ tôi có thể dạy ở đó. Cô ấy cho tôi tên thầy hiệu trưởng của học viện và tôi đã viết thư cho ông.

Ông ấy đã trả lời tôi rất nhanh rằng ông không thể đưa tôi tới Việt Nam, nhưng nếu tôi tự đến Việt Nam, ông muốn gặp tôi. Sau đó tôi nghỉ việc, bán căn hộ, rồi bay sang Hà Nội vào tháng 11-2005. Hai nhân viên cao cấp của Học viện Quan hệ quốc tế đã phỏng vấn tôi và hai tuần sau đó tôi đứng trên bục giảng.

Imagining Vietnam là tác phẩm mà Elizabeth McLean đã thai nghén từ nhiều năm đối thoại với những học giả lịch sử và văn hóa người Việt Nam, cùng với sự cân nhắc kỹ lưỡng về kiến thức và trí tưởng tượng của bà. Những câu chuyện trong Imagining Vietnam thổi vào quá khứ sức sống mãnh liệt, tinh tế và mê đắm. Đọc Elizabeth, ta tưởng chừng bà viết rất dễ, nhưng cũng như tất cả các nhà văn xuất sắc khác, bà đã lao động cật lực để biến nguồn cảm hứng của mình thành những câu chuyện mà hôm nay chúng ta có thể nâng niu.

* Khi đó, công việc ở Việt Nam của bà cụ thể là gì?

- Trong bốn năm đầu tiên tôi sống trên phố Chùa Láng, tại nhà khách của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao Việt Nam) và dạy môn quan hệ quốc tế đương đại cho sinh viên năm 4. Tôi hướng dẫn sinh viên đọc những bài viết phân tích từ các ấn phẩm nổi tiếng châu Âu, Mỹ và Canada rồi thảo luận trong lớp học về các chủ đề như biến đổi khí hậu, khủng bố, chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Barack Obama, vai trò của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc... Mỗi năm, tôi dạy năm lớp có rất đông sinh viên.

Sau đó, tôi đã sống một năm rưỡi với một gia đình Việt Nam ở nhà của họ trên phố Đội Cấn. Lúc đó, tôi làm việc cho Nhà xuất bản Phụ Nữ, điều phối công việc dịch thuật và phát hành tuyển tập truyện ngắn của những nhà văn nữ Canada. Tập truyện ngắn có tên Truyện ngắn nữ Canada được Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành vào mùa xuân năm 2011. Đó là tuyển tập 17 truyện ngắn của 15 nhà văn nữ Canada được dịch sang tiếng Việt, nhằm trình làng với độc giả Việt Nam hàng loạt đề tài và chủ đề của văn học đương đại Canada.

Những câu chuyện về mối bất hòa trong gia đình, những xung đột giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, và cho thấy cách những phụ nữ ở Canada đối phó với sự bất hạnh và thất vọng của cuộc sống. Nhìn chung, có lẽ những vấn đề gia đình trong các câu chuyện này cũng tương tự những vấn đề mà các gia đình Việt Nam gặp phải. Chúng phản ánh những điểm tương đồng và khác biệt về chính trị - xã hội giữa Việt Nam và Canada mà tôi thường nêu ra trong lớp học của mình.

* Hẳn bà đã có kế hoạch viết về Việt Nam trước khi đến đây?

- Không. Tôi đến Việt Nam vì tôi đã sẵn sàng cho sự thay đổi và muốn sống trong một nền văn hóa khác. Tôi lên kế hoạch kiếm sống bằng cách giảng dạy nhưng không quá 12-15 giờ một tuần (so với 40 giờ mỗi tuần mà tôi phải làm việc tại Canada). Tôi đã quyết tâm dành đủ thời gian cho việc du lịch, đọc về văn hóa Việt Nam và để viết một cái gì đó.

* Sinh viên của bà đã kể với tôi rằng bà đã sống một cuộc sống đạm bạc, gần gũi với người Việt Nam...

- Trên phố Chùa Láng, cuộc sống của tôi dễ dàng bởi nhiều sinh viên tuyệt vời của tôi sống ở ký túc xá gần đó. Các em biết nói tiếng Anh và chỉ cho tôi nơi ăn, nơi mua các thứ cần thiết, đưa tôi đến Thư viện Quốc gia để lấy thẻ hội viên, giúp tôi trong rất nhiều việc cần thiết khác mà tôi không thể kể hết. Khi chuyển đến Đội Cấn, tôi biết đủ tiếng Việt để có thể tự mua trái cây và rau quả ở chợ, gọi các món ăn ở quán ăn và hỏi đường.

Tôi quyết định không đi xe đạp hoặc xe máy, do đó tôi khám phá Hà Nội chủ yếu bằng việc đi bộ. Đó là cách tốt nhất vì bạn nhìn thấy những thứ ở cự ly gần. Bạn có thể trao đổi nụ cười với một người lớn tuổi, ôm lấy một đứa trẻ, chạm tay vào hàng hóa trong các cửa hàng, quan sát cách mọi người sống và làm việc. Đường phố ngày thường ở Hà Nội là cảnh của một nhà hát về cuộc đời.

Những câu chuyện kịch tính của con người diễn ra ngay trước mặt bạn khi những người phụ nữ vừa nấu ăn hoặc giặt giũ vừa tranh luận và dạy dỗ con cái, khi những người già vừa đọc vừa đuổi theo cháu chắt của họ, và khi những người đàn ông làm đủ mọi công việc mà ta có thể hình dung, từ sửa xe đạp đến rèn sắt thép. Khí hậu ấm áp của Việt Nam rất thuận lợi để người ta lang thang ngoài trời trong thời gian dài, một điều mà chúng tôi không thể làm ở Canada.

Tiếc là tôi phải rời Việt Nam vào tháng 6-2011 để trở lại Vancouver, dành nhiều thời gian hơn cho con trai và con gái của tôi. Ở Vancouver, tôi đang sống trên một con phố yên ắng với những ngôi nhà của những người ở một mình. Tôi ít khi nhìn thấy hàng xóm và ở đây dường như chẳng có gì diễn ra cả. Tôi nhớ sự náo động, lộn xộn, hối hả của Hà Nội. Tôi nhớ bún chả và bia Hà Nội biết bao.

EyU0w3vy.jpgPhóng to
Elizabeth luôn thích thú khi đến thăm nhà những người Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp

Từng nhân vật dẫn tôi qua những thăng trầm đời họ...

* Không có kế hoạch viết về Việt Nam trước khi tới đất nước này, vậy quá trình sáng tạo nên Imagining Vietnam như thế nào, thưa bà?

- Sau khi đến Việt Nam, tôi đọc ngấu nghiến những cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi bị mê hoặc, thật sự là choáng ngợp với những phong tục cổ xưa của người Việt: nhai trầu và nhuộm răng, rước dâu về nhà để cô dâu sống với chồng trong nhà của cha mẹ chồng, việc những người đàn ông có vợ hai, vợ ba, rồi cả khái niệm về lòng hiếu thảo.

Có rất nhiều truyền thống, phong tục hoàn toàn lạ lẫm với tôi và tôi may mắn được tìm hiểu cặn kẽ về chúng qua nghiên cứu của các học giả Việt Nam và Pháp, những người đã sống nhiều năm ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa và sau này đã viết về những trải nghiệm của họ. Những tác phẩm vô giá bao gồm Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến năm 1858 của Lê Thành Khôi, Connaissance du Việt Nam của Pierre Huard và Maurice Durand, và Văn minh nước Nam của Nguyễn Văn Huyên.

Tôi cũng học được rất nhiều từ hai chục tập sách viết về phong tục Việt Nam của Lady Borton và Hữu Ngọc, cả hai người là bạn tốt của tôi. Tôi sinh ra là một con mọt sách và bạn đã có thể tìm thấy tôi bất cứ lúc nào trong hiệu sách của Nhà xuất bản Thế Giới trên đường Trần Hưng Đạo, tìm kiếm sách tiếng Anh, hoặc cạnh những giá sách của Bảo tàng Lịch sử, phía sau Nhà hát lớn, nơi có bộ sưu tập tốt nhất những cuốn sách viết bằng tiếng Pháp.

Sau khi đã học được một chút về những phong tục và truyền thống cổ xưa của Việt Nam, tôi bắt đầu tưởng tượng về cuộc sống của người Việt vào thời đó. Tôi đã mơ về từng nhân vật một và để cho họ dẫn tôi đi qua những thăng trầm của cuộc đời họ. Những câu chuyện được lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam, nhưng những nhân vật đến từ trí tưởng tượng của tôi. Họ sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định, mà tôi đã nghiên cứu cẩn thận để đảm bảo rằng tên của các vị vua trị vì, những trận đánh hoặc những cuộc cải cách quan trọng được thể hiện một cách chính xác.

Tôi đã viết quyển sách trong năm năm và gửi nó tranh giải Ấn tượng dành cho nhà văn mới một tháng trước khi tôi rời Việt Nam.

* Không kém thú vị khi phát hiện bìa sách cũng do bà vẽ....

- Một năm trước đó, tôi nhìn thấy chiếc nón quai thao ở nhà một người bạn và đem lòng yêu chiếc nón đặc biệt này. Nón quai thao cực kỳ tinh xảo, bền chắc nhưng tinh tế, và hai dải vải màu đỏ gợi lên sự lãng mạn. Trước khi về Canada, tôi đã mua một chiếc nón quai thao rất đẹp tại chợ Đồng Xuân và đem về Vancouver. Tôi treo nón trên tường và nhìn nón quai thao khi tôi viết. Tôi đã vẽ một số bức tranh về chiếc nón bằng màu nước, sau đó đề nghị với nhà xuất bản dùng một trong các bức vẽ của tôi làm bìa cho Imagining Vietnam. Họ đã đồng ý.

Tôi hi vọng độc giả của tôi sẽ thích bìa quyển sách. Tôi mong muốn nhận được phản hồi của họ không chỉ về cái bìa mà cả những câu chuyện trong quyển sách - đầu tiên là từ những người Việt Nam có thể đọc được tiếng Anh và sau đó là những độc giả Việt Nam khác khi sách được dịch sang tiếng Việt. Tôi hi vọng họ sẽ giúp tôi sửa chữa những sai sót mà tôi đã phạm phải trong quyển sách.

* Bà sẽ tiếp tục viết về Việt Nam chứ, thưa bà?

- Tất nhiên, tất nhiên rồi. Tôi đã bắt đầu viết một tiểu thuyết về cuộc đời của Hai Bà Trưng từ khi tôi đang hoàn thành bản thảo của Imagining Vietnam. Lúc đó, mỗi khi gặp khó khăn về bản thảo Imagining Vietnam, tôi lại quay sang tiểu thuyết về Hai Bà Trưng và viết thêm năm câu văn nữa về hai bà. Tôi rất vui thích với việc đó. Bây giờ, có lẽ tôi may mắn vì được viết về hai bà ở Vancouver, vì tôi cần một khoảng cách xa để có thể quan sát những nhân vật của tôi bằng con mắt của người phương Tây.

Tôi quyết tâm hoàn thành tiểu thuyết này vì ở Việt Nam, Hai Bà Trưng là những người anh hùng dân tộc. Họ đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và lòng dũng cảm cũng như một nguyên mẫu của nữ tính Việt Nam. Tôi có ý định bỏ qua biểu tượng và mô tả về cuộc sống của họ lúc họ ở Mê Linh hai ngàn năm trước. Đó là hai chị em bướng bỉnh, dũng cảm và mạnh bạo, những người đã dứt khoát bước ra khỏi những vai trò nữ giới mà xã hội đặt lên vai họ vào thế kỷ thứ I. Họ đã phải rất cá tính và nổi loạn từ nhỏ để có thể lãnh đạo một cuộc nổi dậy thành công chống lại quân Hán hùng mạnh.

Có rất ít tài liệu thực tế về họ, chỉ có bộ khung của lịch sử về thời gian họ đã sống và những gì họ đã làm trước khi chết lúc còn rất trẻ. Điều đó có nghĩa rằng tôi có thể tự do "tưởng tượng" về tính nết, tính cách và cuộc sống đời thường của họ. Tôi đang sử dụng trí tưởng tượng của mình để làm việc với công suất 200%, và sẵn sàng cho sự ra đời của tiểu thuyết trong vòng ba năm nữa.

* Xin cảm ơn và chúc bà thành công với quyển sách thứ hai về Việt Nam.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI thực hiện

Rm0VB69A.jpgPhóng to
Tác phẩm Imagining Vietnam của McLean đoạt Giải thưởng Ấn tượng dành cho nhà văn mới của Vương quốc Anh

Imagining Vietnam dày 256 trang, được Nhà xuất bản Impress Books ấn hành vào tháng 10-2012. Tám truyện dài kịch tính trong Imagining Vietnam là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt 1.000 năm lịch sử gần đây nhất của Việt Nam, nối liền những biến cố lịch sử như sự khai sinh ra nước Đại Việt một nghìn năm trước và những cuộc xâm lược tàn khốc của ngoại bang.

Ngòi bút của Elizabeth McLean tái hiện sống động cuộc đời thăng trầm của những người phụ nữ và gia đình họ giữa những biến động lịch sử, làm nổi bật ý chí, lòng quả cảm, sự kiên cường và sức chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam.

(*): Giải thưởng Ấn tượng dành cho nhà văn mới, một giải thưởng uy tín từ Vương quốc Anh, trao tặng cho những nhà văn tài năng chưa từng xuất bản.

Nhà văn LADY BORTON
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp