30/06/2016 09:11 GMT+7

Êkip bay CASA-212 trong ký ức đồng đội

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn và 8 đồng đội của mình đã hi sinh trong lúc đi tìm đồng đội. Là một người lính, họ đã sống trọn vẹn với Tổ quốc của mình.

Từ trái qua (lần lượt từ thứ 7 đến thứ 9): thượng tá Nguyễn Đức Hảo, đại tá Lê Kiêm Toàn và thiếu tá Nguyễn Văn Chính trong ngày nhận chiếc CASA-212 đầu tiên - Ảnh: Đỗ Công Thắng
Từ trái qua (lần lượt từ thứ 7 đến thứ 9): thượng tá Nguyễn Đức Hảo, đại tá Lê Kiêm Toàn và thiếu tá Nguyễn Văn Chính trong ngày nhận chiếc CASA-212 đầu tiên - Ảnh: Đỗ Công Thắng

 

12g đêm. Lữ đoàn 918 vẫn sáng đèn. Ở những hàng ghế đá, các phi công, nhân viên kỹ thuật... ngồi im lặng trong bóng đêm. Trong bữa cơm nhiều ngày nay, có lúc họ đã chảy nước mắt vì nhớ đồng đội.

“Một người quân tử”

“Anh Toàn là người quân tử, rất tốt, rất nghĩa tình, thương anh em lắm”, những đồng đội của lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn khẳng định.

Đại tá Nguyễn Hoài Thủy (phó tham mưu trưởng lữ đoàn 918) nói: “Anh Toàn nóng tính nhưng không độc đoán, bảo thủ và chưa bao giờ đưa ra một quyết định sai lầm. Anh sống rất thật, cương trực, rất biết chia sẻ, bảo vệ anh em, luôn là chỗ dựa tinh thần cho anh em”.

Là một trong những người rất gắn bó những chuyến bay làm nhiệm vụ quan trọng với lữ đoàn trưởng, thiếu tá Dương Tú Nam (chủ nhiệm kỹ thuật hàng không lữ đoàn 918) khẳng định: “Trong công tác chuẩn bị máy bay, anh Toàn rất chú trọng. Anh luôn dặn anh em kỹ thuật: với máy bay hiện đại này phải có tri thức mới làm tốt công việc của mình”.

Là phi công cấp 1 với hàng ngàn giờ bay tích lũy, đại tá Lê Kiêm Toàn thường bay kèm các phi công mới cho đến khi họ có thể bay độc lập.

“Khi dạy cho anh em phi công, anh luôn dặn: bao giờ cũng phải tự học, tự đọc sách, tự tìm tòi, mày mò học và phải hết sức đảm bảo an toàn bay” - đại tá Nguyễn Hoài Thủy nói.

“Điều tôi kính phục anh không chỉ trình độ bay mà còn là sự kiên trì với việc học - thiếu tá Nguyễn Văn Việt (biên đội trưởng CASA-212) cho biết - Khi vào Học viện Hàng không học ngoại ngữ để chuẩn bị đi Tây Ban Nha, anh Toàn mù tịt tiếng Anh. Vậy mà anh ấy học giỏi nhất nhì lớp, sau này bay toàn trao đổi bằng tiếng Anh như phi công hàng không dân dụng”.

“Con heo đất”

“Đức Lam là tổ trưởng máy bay động cơ của CASA-212, sau khám tuyển sức khỏe được tuyển chọn qua cơ giới trên không. Lam rất chịu khó, ngoan và nhát lắm. Gặp các anh lúc nào cũng chào từ xa”, thiếu tá Dương Tú Nam kể.

“Nó thật thà, chất phác kinh khủng. Cứ nghĩ gì nói đó. Tôi không thể nghĩ có người nào thật thà như vậy ở trên đời”, đại tá Ngô Quang Trung (dẫn đường trên không máy bay An-26, phi đội 1) nhắc lại nhiều lần câu nói đó trong suốt cuộc trò chuyện khi kể về người đồng đội mà anh quý như cháu ruột: trung úy chuyên nghiệp Lê Đức Lam (cơ giới trên không phi đội CASA-212).

Đại tá Trung tâm sự: “Nó ngoan lắm. Trăm thứ ở đơn vị từ đưa quà cho anh em ở miền Nam, photo in ấn... cũng đều nó. Anh em đi bay, trưa nó thức, không nghỉ, đưa con các anh đi học. Hôm qua ăn cơm nhắc nó anh em còn khóc. Nó tốt tính mà nhiệt tình lắm. Nó không bao giờ nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người khác”.

Lấy nhau hơn 1 năm hai vợ chồng mới có tin vui. Ngày biết tin, trung úy Lam khoe con heo đất mua để dành tiền cho em bé. Anh ra đi lúc vợ đang mang thai tháng thứ 7.

“Trước hôm nó đi bay, nó khoe đã bỏ heo được 1,5 triệu đồng. Tôi trêu: mày bỏ heo gì mà 6 tháng mới được ngần ấy tiền. Nói vậy chứ tôi biết nó chả có gì, toàn tiết kiệm tiền lẻ”, đại tá Trung kể.

Con heo đất tiết kiệm ấy hiện vẫn còn trong tủ ở đơn vị. Chuyến bay định mệnh đã tước đi những hạnh phúc giản dị nhất của đôi vợ chồng trẻ.

Đại tá Trung cho biết hai vợ chồng anh Lam thuê nhà ở trong ngõ 221 Hàng Bột (Hà Nội). Cái phòng nhỏ đến nỗi muốn ăn cơm phải nhấc các thứ ra mới có chỗ ngồi.

Hi sinh sau 4 ngày sinh nhật

Thượng úy Đỗ Văn Mạnh hi sinh chỉ 4 ngày sau ngày sinh nhật của anh (11-6)... Sinh năm 1989, Mạnh là cán bộ nhỏ tuổi nhất trong tiểu đoàn kỹ thuật của lữ đoàn 918. Anh đảm nhận vị trí đội phó đội 4 từ tháng 10-2014.

“Khi lên đội phó, Mạnh gặp tôi và nói: Em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành công việc. Thực tế chứng minh Mạnh làm việc rất tốt. Cậu ấy rất chịu khó, tự lọ mọ học tiếng Anh đọc tài liệu phục vụ công việc, về dòng máy bay mới, về kỹ thuật.

Sau khi tham gia một nhiệm vụ lớn, nó về rất hào hứng. Mạnh cái gì cũng tốt, từ chuyên môn đến tính nết. Nó lúc nào cũng tươi cười, hòa nhã với mọi người.

Biết Hưng đã đi 2 chuyến bay tìm kiếm nên mệt, hôm ấy Mạnh bảo với Hưng: thôi để Mạnh đi chuyến này cho. Nó không bao giờ nề hà, luôn sẵn sàng chia sẻ công việc với anh em”, thiếu tá Dương Tú Nam kể.

Trong khi đó, thiếu tá phi công Nguyễn Văn Việt nói về phi đội trưởng phi đội CASA-212 - thượng tá Nguyễn Đức Hảo: “Số anh Hảo vất vả lắm. Hồi vợ anh ấy sinh đôi, ở nhà cấp 4 của đơn vị. Bố anh hơn 70 tuổi vẫn phải vào bế cháu.

Hồi vào Sài Gòn học tiếng Anh để chuẩn bị đi Tây Ban Nha, sáng anh dậy sớm nấu cơm cho con ăn rồi mới đi học. Anh Hảo muốn hai đứa con đi bay như bố. Một đứa đang học dự bay ở Trường Sĩ quan không quân. Anh ấy tích cóp rồi vay mượn anh em cho thằng thứ hai học tiếng Anh để chuẩn bị thi vào hàng không dân dụng”.

Thượng tá Nguyễn Đức Hảo từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Anh em vẫn hay gọi đùa anh Hảo là “Hảo tồ” vì tính cách hiền lành, chân chất của mình.

Thiếu tá Dương Tú Nam kể thêm: “Anh Hảo tốt tính lắm, như một người anh mẫu mực, rất quan tâm anh em. Ai có khó khăn gì về gia đình anh đều chia sẻ. Tôi quý anh vì luôn yêu thương mọi người, không nghĩ xấu ai bao giờ, lúc nào cũng chỉ nhìn vào mặt tích cực, cái tốt của mọi người”.

Và những người khác

Còn rất nhiều câu chuyện dung dị mà cảm động về 9 thành viên tổ bay CASA-212, đang như dòng chảy không ngừng trong ký ức những người ở lại...

Đó là thiếu tá Nguyễn Văn Chính (chính trị viên phi đội CASA-212). Anh Chính đang được đào tạo để trở thành phi công lái chính. Với đồng đội, anh là một người điềm đạm, bay giỏi, tiếng Anh giỏi và rất thông minh. Đó là trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thái (nhân viên tuần thám trên không).

Trong mắt anh em, Thái là người hiền lành, ít nói, đa tài, cắt tóc đẹp, đàn ca sáo nhị đều được. Đó là đại úy Lê Văn Đình (trợ lý tuần thám), chàng sĩ quan trẻ đẹp trai với gương mặt hiền.

Anh Đình vốn xuất thân từ đội phòng chống ma túy của cảnh sát biển ở Nghệ An, đi khám tuyển đạt tiêu chuẩn nên chuyển qua làm tuần thám trên không khoảng 3 năm nay. Đó là thiếu tá - phi công kiêm dẫn đường Nguyễn Ngọc Chu - một phi công dày dạn, bản lĩnh khi từng kinh qua máy bay chiến đấu Mig-21 rồi chuyển về lái CASA-212 từ năm 2012.

Đó là trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Bá Thế (nhân viên tuần thám), một quân nhân luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ dù hoàn cảnh gia đình không may mắn...

Các anh đã không còn nữa sau chuyến bay định mệnh...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp