Đây chính là cột mốc đầu tiên của ECOFA, start-up thành lập năm 2021 từ ý tưởng táo bạo mang đầy tinh thần khới nghiệp của kỹ sư cơ khí trẻ Đậu Văn Nam (32 tuổi) sản xuất tơ, sợi dứa để làm ra các loại vải dứa sinh thái.
Khát khao khởi nghiệp
Tốt nghiệp cơ khí, sau đó sang Nhật làm việc theo diện phái cử với công việc thiết kế cơ khí, máy móc tại một công ty đối tác của Toyota. Nhưng Đậu Văn Nam lúc nào cũng nung nấu ý định về Việt Nam khởi nghiệp.
Đi làm tại Nhật 6 năm, anh coi đó như bước đệm để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ một quốc gia hàng đầu thế giới về chế tạo máy móc, thiết bị. Bản thân luôn tìm ý tưởng để về nước khởi nghiệp, anh kết thúc 3 năm phái cử với nhiều ý tưởng nhưng chưa chắc ăn cái nào.
"Một lần tình cờ đến một quán rượu của Nhật, được giới thiệu về Tequila, tôi đã tò mò lên mạng tìm hiểu thêm thì biết câu chuyện về cây thùa xanh. Người Mexico nướng củ làm rượu, lá tách sợi làm vải, dây thừng", anh Nam kể.
Câu chuyện ấy gợi cho Nam ý tưởng rà tìm một loại cây tương tự ở Việt Nam. Một người bạn quê Nghệ An nói quê anh ấy trồng dứa rất nhiều mà chưa thấy ai làm sợi.
Về nước, tìm hiểu thêm anh biết Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều tỉnh miền Tây trồng rất nhiều dứa. Vùng nguyên liệu xem như khả thi để nghĩ tới sản xuất.
Quay lại Nhật, Nam tìm hiểu sâu hơn các loại máy móc và tìm những người đồng hành đầu tiên cùng hiện thực ý tưởng.
"Mất 2 năm tìm hiểu thị trường cũng như tính năng của vải dứa, hướng đi của start-up, mình thấy ý tưởng đã rõ ràng nên quyết định thành lập doanh nghiệp năm 2021", Nam nói.
Mọi thứ từ số 0, họ bắt đầu tách sợi dứa bằng tay lấy mẫu xơ đầu tiên rồi gõ cửa các thầy cô, chuyên gia để xác định liệu có thể kéo sợi từ xơ lá dứa hay không.
Sáu tháng sau đó, chiếc máy tách xơ thô đầu tiên được chế tạo với sự hỗ trợ của thầy dạy và bạn học tại Việt Nam. Những búi xơ dứa đầu tiên ra đời.
Sản phẩm tơ, sợi, vải dứa "made in Việt Nam"
Ở các vùng trồng dứa, sau khi thu hoạch, lá dứa chỉ là phế phẩm, thường được nông dân phun cỏ cháy rồi đốt đi. Các vùng bằng phẳng hơn như tại Nghệ An, họ dùng máy băm rồi đốt vừa tốn công vừa gây ô nhiễm môi trường.
Đột phá lớn nhất của ECOFA là đã chế tạo máy móc bông hóa xơ dứa thành công, chuyển xơ dứa từ dạng xơ rất dài thành dạng bông như bông cotton. Nhờ đó có thể kéo sợi trên các máy kéo sợi ngắn, sản xuất trên quy mô đại trà.
Tiền đề ấy rất quan trọng để ECOFA bắt tay với Bảo Lân Textile - một thương hiệu mạnh về nghiên cứu và phát triển (R&D) các dòng sợi vải sinh thái, có liên kết với mạng lưới nhà máy kéo sợi, dệt.
Tơ dứa của ECOFA tạo ra các sản phẩm đa dạng như jeans, thun, khăn lông, vải dệt thoi, vải dệt kim…
"Mỗi tháng, ECOFA đang cung cấp cho Bảo Lân 4 tấn sợi dứa. Thành quả chính là ECOFA cơ bản đóng gói quy trình sản xuất xơ dứa từ vùng nguyên liệu đến vải dứa một cách khép kín tuần hoàn, sản xuất ra vải dứa "made in Việt Nam".
Tất cả các khâu đều bằng máy móc, thiết bị tự động do ECOFA chế tạo gồm xưởng sản xuất xơ tự động và xưởng bông hóa cùng với 5 hợp tác xã", anh Nam tự hào.
Làm xong máy tách xơ lá dứa bán tự động đầu tiên với chi phí 150-200 triệu đồng, ECOFA đã nhân bản lên 15 máy rồi phát cho mỗi hộ dân một cái, sau đó thu gom lại sợi. Nhiều bài học được các kỹ sư trẻ vỡ ra, có lúc tưởng như thất bại.
"Khi phát máy cho các hộ dân trồng dứa tự tách xơ, sản lượng rất thấp, lúc 5 lúc 10 cân, không có định mức nào cả. Tính ra chi phí mỗi cân lá dứa lên đến 2.000 đồng", Nam nói về thất bại đầu tiên.
Đầu năm 2022, anh bắt đầu nghiên cứu chiếc máy tách xơ dứa tự động. Tháng 6 năm đó chính thức ra mắt mẫu máy tách xơ tự động ECOFA "một đầu cho lá, một đầu ra xơ".
Ở lần cải tiến máy này, ECOFA thay đổi cách làm. Họ hợp tác với các hợp tác xã mua lá dứa của người dân ở các vùng lân cận, tự tổ chức thu gom đưa lá dứa về sản xuất tập trung tại xưởng.
Hai sự thay đổi này giúp ECOFA vượt qua được thử thách đầu tiên. Mỗi ca làm việc, máy tự động tách xơ cho công suất 200kg, tương đương 10 tấn lá dứa tươi. Giá thu gom giảm còn 800 đồng/kg lá dứa tươi.
Hiện ECOFA mong muốn tìm các hợp tác xã, công ty dịch vụ nông nghiệp tại địa phương, các nhà đầu tư để đầu tư chung máy móc, từ đó có thể mở rộng sản lượng.
Đánh giá về tiềm năng của vải dứa, anh Nam nói nếu khai thác hết vùng nguyên liệu, mỗi năm có thể khai thác 2 triệu tấn lá. Với tỉ lệ sợi 2% sẽ thu được 40.000 tấn xơ lá dứa.
Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt của ECOFA là đáp ứng công suất của nhà máy kéo sợi, cung cấp 50 tấn xơ dứa/tháng.
11 sản phẩm từ phế phẩm của quá trình sản xuất vải dứa
Theo CEO Đậu Văn Nam, sản phẩm vải dứa từ lúc tách bã, kéo sợi từ lá dứa tươi để làm vải, các phụ phẩm đều được tận thu để làm các sản phẩm khác. Hiện tại đã có đến 11 sản phẩm được ECOFA nghiên cứu.
"Sau khi tách xơ có thể dùng bã ủ phân bón hữu cơ, ủ men làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, làm chất đốt hoặc tận dụng làm các sản phẩm khác như giá thể trồng nấm, giấy ăn một lần…
ECOFA cũng đang nghiên cứu các phương án để làm da sinh học, tấm đệm từ dứa nhưng hiện tại chưa thương mại những sản phẩm này mà vẫn chủ yếu ủ phân, làm thức ăn chăn nuôi, viên nén đốt lò", anh Nam thông tin.
Vinh danh các start-up tiêu biểu
Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào 10-11.
Các start-up vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa...
Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch PRO Vietnam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận