01/11/2018 11:37 GMT+7

EC ghi nhận nỗ lực của VN về "thẻ vàng" hải sản

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Hàng loạt câu hỏi đã được đưa ra cho phía VN. Trả lời Tuổi Trẻ, trưởng đoàn nghị sĩ Nghị viện châu Âu cho rằng VN đã có những bước tiến lớn trong xây dựng khuôn khổ pháp lý, việc cần làm tiếp theo là thực thi trong thực tế.

EC ghi nhận nỗ lực của VN về thẻ vàng hải sản - Ảnh 1.

Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu hỏi chủ một tàu đánh bắt xa bờ ở TP Quy Nhơn - Ảnh: DUY THANH

Đoàn của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu, phái đoàn châu Âu tại Hà Nội đã đến làm việc với UBND tỉnh Bình Định sáng 31-10, kiểm tra một số cơ sở về thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để khắc phục "thẻ vàng" với hải sản VN.

Đặt hàng loạt câu hỏi

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Định, ông Mato Gabriel - nghị sĩ, trưởng đoàn - đã đặt hàng loạt câu hỏi: Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thủy sản 2017 và các biện pháp chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), vậy việc thực thi các văn bản này thế nào? Các ngành có sự phối hợp ra sao? Để thực hiện chống đánh bắt IUU thì tỉnh bố trí đủ nguồn lực và con người để thực hiện chưa?...

Một nghị sĩ khác, bà Ulrike Rodust đề nghị lãnh đạo Bình Định đánh giá về những thay đổi nguồn lợi thủy sản trong 10 năm qua, có giải pháp gì đối với lực lượng khai thác quá lớn hiện nay?...

Kiểm tra tại cảng cá Quy Nhơn, các nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã hỏi các nhân viên công vụ tại đây những vấn đề như: Tàu đăng ký xuất - cập bến là bằng điện tử hay viết tay? Làm sao biết được tàu cá đang đánh bắt khu vực nào và kiểm soát được tàu? Có bán cá trên biển không và nếu có thì làm thế nào để kiểm tra nguồn gốc hải sản?...

Các nghị sĩ cũng bất ngờ lên tàu đánh cá xa bờ của ông Nguyễn Thanh Tùng (P.Đống Đa, TP Quy Nhơn) đang neo đậu tại cảng và đặt nhiều câu hỏi với chủ tàu từ vùng biển đánh bắt cách bờ bao xa, khai thác bằng ngư cụ gì, bảo quản ra sao, bán hải sản thế nào...

Đã triển khai giải pháp cấp bách

Ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - báo cáo rằng để triển khai chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản, Sở NN&PTNT ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" của EC.

"Bình Định đã thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá, công bố danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU lên trang thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT... Bình Định cũng đã kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo 7 UBND xã và 2 UBND huyện để tàu cá xảy ra vi phạm" - ông Phan Trọng Hổ nói và cho hay đã tăng cường nâng cấp hệ thống giám sát hành trình trên biển, chuẩn bị thành lập lực lượng kiểm ngư đầu năm 2019.

Giải đáp thêm, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay tuy tỉnh chưa có đánh giá cụ thể về nguồn lợi thủy sản trong 10 năm gần đây, nhưng nhìn nhận ban đầu thấy có giảm sút. "Mỗi năm tỉnh Bình Định tổ chức 3 đợt thả cá ra biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản" - ông Châu cho hay và hi vọng đến ngày 1-1-2019, EC sẽ gỡ "thẻ vàng" đối với hải sản VN.

Nhà nước cần quản lý chặt

Một thành viên khác của đoàn, nghị sĩ Marinho Pinto Antonio nhận xét: "Tôi tin tưởng VN trung thực, thẳng thắn trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Chúng ta có thể đạt được hoặc không đạt được những mục tiêu chống khai thác IUU, nhưng phải quyết tâm...". Vị nghị sĩ này cho hay sẽ góp phần để tháo gỡ "thẻ vàng" của EC.

Trưởng đoàn Mato Gabriel đánh giá cao những cố gắng của Bình Định và hi vọng những nỗ lực này sẽ giúp đưa đến kết quả EC sớm gỡ "thẻ vàng" cho hải sản VN. Ông nhận xét việc doanh nghiệp mua và chế biến sản phẩm có nguồn gốc là "cam kết rất mạnh mẽ".

Tuy nhiên, ông cũng nhắn nhủ: "Nhưng quyết tâm đó chỉ với doanh nghiệp không thì chưa đủ, mà cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước"...

Có thể tổn thất 10.000 euro/container

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký VASEP, cho biết đối với xuất khẩu hải sản của một quốc gia, có thể xảy ra ít nhất 5 hệ lụy nếu như bị nhận "thẻ vàng" của EC, trong đó điển hình là xuất khẩu hải sản sang EU sẽ giảm. Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn. 100% container hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị "thẻ vàng" sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc, sẽ mất thời gian dài, thậm chí 3-4 tuần/container.

Riêng phí kiểm tra "nguồn gốc" khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng. Nhưng rủi ro nhất là tỉ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại.

Trường hợp như Philippines, có đến 70% số container bị trả lại. Tổn thất trung bình có thể lên đến 10.000 euro/container (khoảng 265 triệu đồng). Nếu bị chuyển sang cảnh báo "thẻ đỏ", đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.

T.MẠNH

"Thẻ vàng" không phải một chế tài xử phạt

Sau chuyến kiểm tra, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, nghị sĩ Mato Gabriel đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà VN đã đạt được. Ông nói: "Chúng tôi sẽ có những đánh giá tổng quan sau khi kết thúc chuyến kiểm tra, giám sát. Chúng tôi coi việc EC cảnh cáo "thẻ vàng" đối với hải sản VN không phải là một chế tài xử phạt, mà đây là cơ hội để khuyến khích VN thay đổi, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm".

"Vấn đề chống đánh bắt IUU là câu chuyện chung của thế giới. Nghị viện châu Âu cũng như các cơ quan khác của EU sẽ hỗ trợ VN trong vấn đề này. VN đã có những bước tiến lớn trong việc xây dựng những khuôn khổ pháp lý mới. Việc cần làm tiếp theo là thực thi điều đó trong thực tế" - ông Gabriel nói.


DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp