Các nhân viên y tế hỗ trợ chôn cất một phụ nữ thiệt mạng vì virút Ebola tại làng Mutwanga, ở tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo - Ảnh: EPA
Theo báo The Guardian ngày 15-5, đây là số người mắc bệnh và tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 8-2018 tại Congo.
Đáng nói là kể từ đầu tháng 5-2019, các cuộc giao tranh và đụng độ giữa các nhóm vũ trang và lực lượng an ninh đã buộc 12.000 người thuộc các tỉnh Bắc Kivu và Ituri ở phía đông Congo phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Sự dịch chuyển vì tình thế của người dân ở các vùng dịch Ebola hoành hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch lây lan, cũng như cản trở các nỗ lực phòng bệnh.
Ông Jeremy Farrar, người đứng đầu Tổ chức Wellcome Trust, nhìn nhận: "Tôi rất lo ngại, lo ngại hơn bao giờ hết". Ông lên tiếng kêu gọi các bên ngừng bắn để các đội y tế có thể tiếp cận chữa trị những người mắc bệnh và bảo vệ những người khác trong cộng đồng.
"Chúng ta vẫn chưa thể biết dịch bệnh đã đạt đến quy mô tuyệt đối ở Tây Phi hay chưa, nhưng con số hiện nay là rất lớn so với bất kỳ đợt bùng phát nào của dịch Ebola và vẫn đang tăng thêm. Đáng nói là dịch không chỉ lan rộng hơn về mặt địa lý, mà các con số mới thật đáng sợ và chuyện chúng đang tăng lên mới làm ta khiếp hãi", ông Farrar nêu cảnh báo.
Trong khi đó, ông Farhan Haq - phó phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) - cho biết các cơ quan chức năng của Congo và quốc tế mới chỉ huy động được một nửa trong số tiền 148 triệu USD cần thiết để giúp nước này đối phó với Ebola.
Ngân sách dành cho kế hoạch ứng phó nhân đạo tổng thể ở Congo đang bị thiếu trầm trọng, khi mới chỉ nhận được 12% trong tổng số 1,65 tỉ USD. Điều này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng đối phó với dịch bệnh.
Vấn đề là giới truyền thông, sau một thời gian, đã tỏ ra thờ ơ về các thông tin dịch bệnh ở quốc gia châu Phi, trong khi tập trung cao độ cho dịch sởi ở Mỹ chẳng hạn.
Bà Mwamini Kahindo, một người được chữa khỏi bệnh Ebola, làm giúp việc chăm sóc trẻ em ở Trung tâm chữa trị Ebola tại Butembo, CHDC Congo, vào tháng 3-2019 - Ảnh: REUTERS
Hôm 8-5, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định toàn bộ cơ quan này sẽ vào cuộc để chấm dứt nạn dịch Ebola đang hoành hành tại CHDC Congo.
Ông Guterres cam kết với cách tiếp cận mở trong vấn đề này, thông qua đầu mối tập trung là LHQ, ở thủ đô Kinshasa (nơi LHQ có đại diện đặc biệt) và ở những khu vực khác (nơi Tổ chức Y tế thế giới - WHO - đảm nhận trách nhiệm ứng phó chính).
Cũng theo ông Farhan Haq, cả LHQ và WHO đang duy trì liên lạc chặt chẽ với lãnh đạo Congo ở Kinshasa và khu vực phía đông đất nước này.
Dịch Ebola lần thứ 10 ở Congo được tuyên bố vào ngày 1-8-2018 tại tỉnh Bắc Kivu và ở khu vực giáp ranh với tỉnh Ituri.
Hiện WHO đang triển khai các hoạt động đối phó với dịch Ebola lây lan, bao gồm tiêm chủng, tìm hiểu các trường hợp nhiễm bệnh và huy động sự tham gia của cộng đồng.
Tuy nhiên, các trường hợp lây nhiễm Ebola vẫn có xu hướng gia tăng thời gian gần đây, khiến các nguồn lực y tế trở nên khó khăn.
Đây là dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử, sau đợt dịch năm 2014 cướp đi sinh mạng hơn 11.300 người ở Tây Phi.
Virút Ebola rất dễ lây lan và gây ra một loạt triệu chứng bao gồm sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau toàn thân. Trong nhiều trường hợp, người nhiễm bệnh còn có thể bị xuất huyết bên trong và bên ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận