Họa sĩ Đức Huy - giảng viên sơn mài Trường đại học Nghệ thuật Huế - cho rằng có thể gọi các tác phẩm này là "nghệ thuật ý niệm", nhưng tác giả Đức Phước thì nói có thể gọi tên nó là gì cũng được, miễn là bạn cảm thấy xúc động.
Đó là những cái cây, những chiếc ghế, chiếc bàn, chiếc ô tô, chiếc đồng hồ... với hình hài y như đồ chơi thời thơ bé của mỗi người, được tạo bằng chất liệu sơn mài.
Trên mỗi đồ vật có gắn những chiếc gương mà khi đứng trước những hình hài thơ ngây ấy, ai cũng nhìn thấy mình trong đó.
"Được tương tác với người xem là nội dung mới mà chúng tôi hướng tới trong triển lãm này" - đó là lời ngỏ của triển lãm Duyên bốn mùa.
Họa sĩ Nguyễn Đức Phước (sinh 1991) làm quen với sơn mài từ khi 6 tuổi, học điêu khắc tại Đại học Nghệ thuật Huế, rồi học điêu khắc và thiết kế đồ họa tại Học viện Nghệ thuật Vân Nam (Trung Quốc), hiện lại đang học tiếp nghệ thuật đa phương tiện tại Đà Nẵng.
"Tôi cảm thấy rất thích thú với những sáng tạo đầy hồn nhiên của Phước. Anh đã làm mới một chất liệu cũ là sơn mài, và nghĩ ra một cách tạo hình riêng, không giống ai, nhưng ai xem cũng thấy mình trong đó" họa sĩ Nguyễn Văn Hè, một họa sĩ trẻ của Huế, đã nhận xét như thế.
Triển lãm kéo dài đến 25-1, tại Viện Pháp tại Huế (1 Lê Hồng Phong, Huế).
Người xem có thể ngồi chơi trên chiếc ghế trẻ thơ - Ảnh: Minh Tự
Hoặc có thể soi lại quá khứ của mình - Ảnh: Minh Tự
Chiếc đồng hồ - ý niệm thời gian - được gắn trên mọi thứ đồ vật được sơn mài một cách ngộ nghĩnh - Ảnh: Minh Tự
Họa sĩ Nguyễn Đức Phước (áo trắng) đang trò chuyện với người xem - Ảnh: Minh Tự
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận