19/11/2014 10:45 GMT+7

​Duy trì rạp phim vì... nhiệm vụ chính trị

K.NAM - PHƯƠNG NGUYÊN - ĐỨC HIẾU
K.NAM - PHƯƠNG NGUYÊN - ĐỨC HIẾU

TT - Cũng như nhiều rạp chiếu phim ở thủ đô và các tỉnh thành khác, nhiều rạp chiếu phim ở các tỉnh miền Tây cũng ngưng hoạt động và “vắng như chùa bà đanh”.

Tại Kiên Giang, ông Đoàn Đức Ân - giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh (đơn vị sở hữu rạp chiếu phim Thắng Lợi, phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá - rạp chiếu phim duy nhất còn lại của cả tỉnh) - cho biết mặc dù doanh thu sáu tháng đầu năm đạt trên 1,65 tỉ đồng (vượt kế hoạch), nhưng lợi nhuận gần như không có.

Lợi nhuận gần như không có

Nguyên nhân, theo ông Ân, do tiền bản quyền phim đã chiếm 60%, nhà đầu tư máy móc chiếu phim 20%, trung tâm chỉ còn lại 20%. Khoản thu này chỉ vừa đủ trang trải chi phí, trả lương nhân viên. Ông Ân cho biết thêm từ cuối năm 2013 nguồn phim nhựa đã hết, rạp chỉ có máy chiếu phim nhựa nên đành kêu gọi một doanh nghiệp ở Hà Nội đầu tư máy chiếu phim kỹ thuật số. Doanh nghiệp này đầu tư toàn bộ máy móc cho hai phòng chiếu và chia 20% doanh thu.

“Mấy năm trước rạp có kinh doanh thêm dịch vụ karaoke, nhưng do quản lý không nổi nên đã dẹp. Giờ thì ngoài bán vé tụi tôi bán kèm thức ăn nhanh, nước giải khát... để tăng doanh thu chút ít” - ông Ân cho hay.

Hiện tại mặt tiền rạp Thắng Lợi chia làm ba phần, bên trái cho thuê bán bánh kem, bên phải là xe bán vịt quay, lối đi chính giữa dành cho khách xem phim nhưng vắng ngắt.

Người phụ nữ bán vịt quay trước rạp cho biết thỉnh thoảng cũng thấy có khách xem phim nhưng chỉ lai rai vài người. Hôm nào phim hay lắm mới được vài chục người vô rạp. Ông Ân thừa nhận có ngày chỉ bán được 2-3 vé.

“Nói thật tôi rất ngại trao đổi với báo chí, bởi doanh thu thì có nhưng chẳng được bao nhiêu và hoàn toàn không có lợi nhuận. Chúng tôi phải cố duy trì rạp phim thực chất là để phục vụ nhân dân và làm nhiệm vụ chính trị là chính” - ông Ân nói.

Đã có thời gian trung tâm kêu gọi các doanh nghiệp chiếu phim trong và ngoài nước liên doanh nhưng họ không đồng ý vì hệ thống rạp chiếu phim của họ thường nằm trong những trung tâm thương mại tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, rạp của mình thì không đáp ứng được điều kiện đó
Ông BÙI THẾ LÂM (giám đốc Trung tâm Phát hành phim Hải Phòng)

 

Nhiều rạp chiếu ngưng hoạt động

Tại Cần Thơ, ông Phạm Văn Luận - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ - cho biết hiện tại chỉ còn rạp 1 tháng 6 (rạp Huỳnh Lạc cũ) là còn thuộc Nhà nước, do Công ty CP Điện ảnh TP Cần Thơ quản lý nhưng vốn nhà nước cũng chỉ còn 24%. Rạp này chỉ có 110 ghế nhưng hoạt động cũng èo uột do không có nguồn phim phong phú.

Ông Luận cho biết thêm sau năm 1975 tại Cần Thơ, ngoài rạp Huỳnh Lạc còn có bốn rạp chiếu phim khác do Nhà nước tiếp quản là Thanh Bình, Tây Đô, Thống Nhất và Trung Ương. Bốn rạp này hoạt động không hiệu quả nên đã ngừng kinh doanh từ lâu. Hiện khu đất hàng ngàn mét vuông của rạp Thanh Bình và Tây Đô (nằm liền kề) đang bỏ hoang khoảng bảy năm nay không sử dụng.

Theo ông Luận, công ty điện ảnh thuê khu đất này của Nhà nước để cùng một đối tác mở trung tâm điện ảnh, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn nên không thể triển khai nhiều năm nay. Năm 2014, UBND TP đã thu hồi khu đất này nhưng chưa có quyết định giao cho đơn vị nào.

Còn bà Vũ Thị Cánh, giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, cho biết rạp Thống Nhất đã được bán cho một ngân hàng từ lâu nhưng chưa thấy ngân hàng này sử dụng. Khu rạp này hiện rất xuống cấp, một số hộ đang làm nơi kinh doanh mua bán. Còn rạp Trung Ương thì bà Cánh cho biết không nắm được vì quá lâu năm rồi.

“Bom tấn cũng thành bom xịt”

Hải Phòng hiện có ba rạp chiếu phim nhà nước là: rạp Công Nhân, rạp 1-5, rạp Lê Văn Tám đều thuộc Trung tâm Phát hành phim Hải Phòng, tuy nhiên cả ba rạp đều hoạt động rệu rã vì không còn mấy khán giả mặn mà.

Dù là chiều chủ nhật, phòng chiếu phim tại rạp Công Nhân cũng chỉ vẻn vẹn... bốn khách - Ảnh: Đ.Hiếu
Dù là chiều chủ nhật, phòng chiếu phim tại rạp Công Nhân cũng chỉ vẻn vẹn... bốn khách - Ảnh: Đ.Hiếu

Chị Trịnh Thị Hương (22 tuổi, nhân viên văn phòng hiện sống tại phường Lãm Hà, quận Kiến An) cho biết: “Từ lâu lắm rồi tôi không còn đến rạp chiếu bóng nhà nước nữa, cả rạp có một phòng chiếu nên chẳng có nhiều sự lựa chọn trong cùng giờ chiếu. Phim ở đây thường chiếu sau khi đến VN cả vài ba tháng, khi đó bom tấn cũng thành bom xịt rồi còn đâu”.

Tại rạp chiếu phim Lê Văn Tám (đường Mê Linh), bên cạnh phòng bán vé là tấm quảng cáo về dịch vụ cho thuê hội trường.

Còn ở rạp Công Nhân, bên ngoài rạp có dán những poster phim bom tấn, nhưng là bom tấn của thời điểm vài ba tháng về trước. Ông Hà Quang Minh, trưởng rạp, ngồi lặng lẽ trước quầy vé cùng vài ba nhân viên, thở dài: “Tình hình là bây giờ rạp chúng tôi chẳng mấy khách đến xem nữa. Cuối tuần còn đông người chứ ngày thường chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.

Dù giá vé rẻ bằng một nửa so với xem ở rạp tư nhân và là dịp cuối tuần nhưng rạp Công Nhân vẫn “vắng như chùa bà đanh”. Ông Minh lý giải: “Trong khi các rạp tư nhân trang bị máy chiếu phim số hàng tỉ đồng thì rạp tôi chỉ có máy chiếu phim nhựa 35mm và thiết bị chiếu phim số không chuyên, hệ thống âm thanh cũng đã quá lạc hậu, chưa kể nhiều khi còn không có phim để chiếu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rạp Công Nhân có hai phòng chiếu, trong đó một phòng có sức chứa gần 400 người, tuy nhiên phim thường được chiếu tại phòng nhỏ 24 chỗ để cắt giảm chi phí. Khi có hai khách đến hỏi mua vé, anh Phạm Thanh Thiếu Văn (nhân viên của rạp) vội chạy lên mở máy: “Bây giờ có khách là phải chiếu, vẫn phải duy trì hoạt động của rạp”. 

K.NAM - PHƯƠNG NGUYÊN - ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp