19/05/2009 15:23 GMT+7

Đứt ruột đào gốc dâu, bỏ nghề nuôi tằm

DOÃN HOÀNG
DOÃN HOÀNG

TTO - Thời hoàng kim nghề trồng dâu nuôi tằm của dân Duy Xuyên (Quảng Nam) có hơn 1.000ha cây dâu với hàng chục ngàn hộ dân theo nghề. Nhưng nay nghề tằm đã tan thật sự bởi nông dân lần lượt đốn bỏ cây dâu, không theo nghề nuôi tằm, đồng đất gần như vắng bóng cây dâu.

QaNeHa1J.jpgPhóng to
Khung cảnh tất bật tại những lò ươm ở Duy Xuyên như thế này không còn bao nhiêu nữa - Ảnh: D.H.

Trưa nắng gắt, lão nông Nguyễn Tri (73 tuổi, thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) vẫn còn luẩn quẩn ngoài đồng Gờ, bên sông Thu Bồn. Ông là một trong số những hộ dân cuối cùng của thôn Đông Yên còn luyến tiếc cây dâu, nhưng cuối cùng cũng phải đốn bỏ, bỏ luôn nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống đã có hơn 40 năm nay của gia đình.

Cạnh đó, hàng chục hecta dâu bãi Ô Ba cũng bị người dân lần lượt đốn bỏ, nhường chỗ cho cây bông vải, ớt, đậu, bắp, dưa… Nông dân Võ Thiện Cơ cho biết giờ ra bãi tìm đỏ mắt không thấy đám dâu nào. Mà quả vậy, hàng trăm hecta đất đai vùng bãi bồi bên sông Thu Bồn của huyện Duy Xuyên tại các xã Duy Thu, Duy Trinh, Duy Châu, Duy Hòa, Duy Tân, thị trấn Nam Phước… trù phú vắng hẳn cây dâu, chỉ còn lơ thơ vài gốc được giữ lại để làm ranh giới đất gọi là dâu bờ.

tRlgngIV.jpgPhóng to
Dù tiếc nuối nghề truyền thống cha ông nhưng lão nông Nguyễn Tri (73 tuổi, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh) đành phải đào bỏ những gốc dâu cuối cùng, lấy đất trồng bông vải - Ảnh: D.H.

Đốn bỏ cây dâu, dứt áo với nghề nuôi tằm “ăn cơm đứng”, nhiều nông dân nói tiếc đứt ruột vì nghề này từng gắn bó với họ mấy chục năm, từng là nghề mang lại miếng cơm manh áo, phồn thịnh cho nhiều làng quê bên sông Thu Bồn. Nguyên nhân chính, theo ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên và người trồng dâu nuôi tằm, do thị trường đầy biến động và khắt khe, giá tơ liên tục giảm sút, chi phí nghề trồng dâu tăng cao, sản lượng kén mỗi ngày mỗi thấp ảnh hưởng thu nhập...

Lâu lâu lò ươm nổi lửa

Theo tính toán của nông dân Phạm Lượng, với 4 sào đất trồng dâu, một hộp trứng (tằm) ươm thành công chừng hơn 30kg kén bán với giá dao động 25.000 - 40.000 đồng/kg (kén), sau khi tính toán hết chi phí lời khoảng 500.000 đồng. Mỗi năm chỉ làm khoảng 6 hộp trứng (6 mí tằm) thì không sống nổi.

Chưa hết, nếu dùng trứng tằm phía Bắc giá thành rẻ, khoảng 90.000 đồng/hộp thì còn lời chút ít nhưng năng suất lại không cao, chất lượng tơ rất kém, thị trường chê. Còn dùng trứng tằm Ngọc Lâm (Trung Quốc) giá thành đến hơn 150.000 đồng/hộp, nuôi dễ thất bại vì yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhưng chất lượng tơ làm ra có nhỉnh hơn chút ít… Câu “một mí tằm bằng năm làm lúa” của dân làng nghề trước kia giờ trở nên quá xa lạ.

Nghề trồng dâu nuôi tằm có lắm công đoạn liên quan trực tiếp với nhau, nếu “vỡ” một khâu nào đều dễ khiến nghề này long đong ngay. Lò ươm tơ của ông Đoàn Giáp lớn nhất xã Duy Trinh, thời cao điểm (trước 2003) mỗi năm ươm không dưới 3 tấn kén, thu mua kén hầu hết của người trồng dâu các vùng lân cận như Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc, nay chỉ khoảng 3 tạ là cố lắm.

xVQVJYkn.jpgPhóng to
Tồn đọng hàng chục tấn tơ không bán được, giá kén mua vào cao… ông Đoàn Giáp (xã Duy Trinh) buồn hiu khi lò ươm thi thoảng mới đỏ lửa một lần - Ảnh: D.H.

Lò ông Giáp giờ chỉ ươm cầm chừng, mỗi ngày cho ra khoảng 20kg tơ mà thi thoảng mới nổi lửa, năm vừa rồi ông Giáp bị đọng lại hàng chục tấn tơ không bán được do giá thị trường quá rẻ, bao nhiêu vốn liếng chôn hết vào đây. Tương tự, hộ ông Nguyễn Một (làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh), hộ duy nhất của huyện Duy Xuyên chuyên cung cấp trứng tằm cho nông dân nuôi, thu mua kén, ươm tơ, hướng dẫn kỹ thuật… thời cao điểm mỗi năm có thể mua đến 30 tấn kén, nay chỉ còn chừng 8 tấn.

Các hộ như ông Giáp, ông Một phải mua kén tận Thanh Hóa về ươm, nông dân trong huyện không có kén để bán… Để tạo công ăn việc làm cho gần 20 nhân công lò ươm, những ngày lò không hoạt động ông Một tạo việc làm cho họ bằng cách mua đót về làm chổi bán. Ông Một nói để khuyến khích nông dân giữ nghề trồng dâu nuôi tằm, năm 2008 ông đã mua hơn 20.000 cây dâu giống về cấp cho dân nhưng không mấy ai mặn mà, mới đây ông phát hiện mấy hộ dân xã Duy Châu đào bỏ gốc dâu khi mới lên chưa đầy một tuổi.

Ông Một nói với giá kén thu mua hiện nay, 35.000-40.000 đồng/kg, người trồng dâu nuôi tằm sau khi trừ chi phí thuốc men, than, củi, nhân công… vẫn có lãi. Trước đó, giá kén có lúc rớt thê thảm - 18.000 - 20.000 đồng/kg người dân vẫn cầm cự được, nhưng nay thì dân nhất quyết từ bỏ bởi nhiều nguyên nhân như đã nói ở trên, thêm nữa vì sản lượng kén không còn cao như trước, có thể do ảnh hưởng môi trường. Cạnh đó nhiều thứ cây trồng khác cho thu nhập cao hơn khiến cây dâu và nghề nuôi tằm không thể cạnh tranh.

jghyvrSk.jpgPhóng to
Hoạt động cầm chừng, lò ươm của ông Nguyễn Một phải duy trì việc làm cho người làm công bằng cách làm chổi đót bán - Ảnh: D.H.

Lúng túng giữ nghề truyền thống

Nguy cơ xóa sổ nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Duy Xuyên là khả năng có thể thấy được. Theo ông Huỳnh Văn Ánh - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, thời điểm trước năm 1990, toàn huyện có hơn 1.000ha dâu với trên 90% hộ dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kể cả dệt vải… Nhiều nhất là xã Duy Châu với hơn 500ha, sau đó là Duy Trinh với khoảng 300ha. Nhưng diện tích trồng dâu liên tục giảm xuống do nông dân thi nhau đào bỏ mỗi ngày một nhiều.

Thống kê mới nhất của huyện cho thấy còn khoảng 58ha nhưng con số thực tế chỉ khoảng 20ha, do nông dân trồng cầm chừng, đào bỏ nhiều để xen canh với nhiều loại cây rau màu khác vì đất trồng dâu được Nhà nước ưu đãi, không thu thuế và ít nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ quỹ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Trong khi đó, đặc điểm của cây dâu không thể trồng xen với các loại cây khác.

Do không hiệu quả nên mới đây xã Duy Trinh phải thu hồi hơn 6ha đất trồng dâu, chuyển sang cho thuê trồng dưa để thu ngân sách cho xã. Ông Ánh nói ngoài gìn giữ nghề truyền thống cha ông, cây dâu trên bãi ven sông Thu Bồn còn là thứ cây trồng quan trọng chống xói lở, nhiều làng mạc ven sông không bị lũ dữ cuốn đi cũng là nhờ cây dâu. Hàng trăm hộ dân làng Lệ Bắc, xã Duy Châu không bị mất đất mất làng là một ví dụ.

Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng nói lãnh đạo huyện đang rất lúng túng chuyện cây dâu và gìn giữ nghề truyền thống. Trước đó, huyện cũng đã triển khai đề án đầu tư xây dựng làng nghề trồng dâu nuôi tằm phục vụ du lịch Thi Lai - Đông Yên với hơn chục hecta nhưng thất bại.

"Chỉ cần giữ được chừng chục hecta huyện sẽ cố nhưng mà khó quá. Nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề cần kinh nghiệm, mà lớp người già yếu không thể theo nghề, lớp trẻ không ai tiếp nối. Và thị trường khắt khe đã đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm của Duy Xuyên đi đến nguy cơ xóa sổ. Điều đáng lo hơn nữa là một lượng khổng lồ lao động địa phương - nhất là phụ nữ, không có công ăn việc làm khi thời vụ nông nhàn”, ông Dũng nói.

DOÃN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp