11/05/2015 14:38 GMT+7

Đường VN chưa hợp cho môtô phân khối lớn

TRƯỜNG HIỂN  (Q.Tân Bình, TP.HCM)
TRƯỜNG HIỂN (Q.Tân Bình, TP.HCM)

TT - Đã có thêm nhiều tranh luận của bạn đọc về việc nên hay không nên cho phép môtô phân khối lớn chạy vào làn ôtô, đường cao tốc. Chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến về vấn đề này.

Một vụ tai nạn giao thông vào trưa 9-3 trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Vũng Tàu, làm chết tại chỗ người điều khiển môtô phân khối lớn - Ảnh: Đông Hà
Một vụ tai nạn giao thông vào trưa 9-3 trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Vũng Tàu, làm chết tại chỗ người điều khiển môtô phân khối lớn - Ảnh: Đông Hà

Đọc ba ý kiến về đề xuất cho phép môtô phân khối lớn chạy vào làn ôtô, đường cao tốc - hai ủng hộ, một không đồng tình - trên Tuổi Trẻ ngày 9-5, tôi thấy ai cũng có lý cả!

Hai ý kiến ủng hộ phân tích cũng có tình có lý về thực trạng của người sử dụng môtô phân khối lớn ở VN hiện nay, và việc “đẩy” môtô phân khối lớn vào chung đường với ôtô là hợp lý. Bởi vào đó, môtô phân khối lớn chẳng uy hiếp tinh thần được ai cả, và nó cũng khiến cho dân chơi loại xe này phải nâng kỹ năng của bản thân, còn hơn là để đi chung với xe máy bình thường làm người dân hoảng sợ.

Nhưng ý kiến của một tài xế không đồng tình với việc cho môtô phân khối lớn vào chung làn ôtô và đường cao tốc cũng không sai khi mà làn đường cho ôtô ở VN (trong nội thị) cũng chẳng rộng rãi, to lớn gì; hay đường cao tốc chẳng phải lúc nào cũng thênh thang.

Và một khi đã có ý kiến trái chiều nhau ắt sẽ dẫn đến việc tranh luận gay cấn. Từ đây tôi tự hỏi: Sao phải mệt mỏi, mất công sức cho môtô phân khối lớn?

Vì vậy, tôi xin có ý kiến về chuyện này như sau: Trước mắt nên hạn chế môtô phân khối lớn, đặc biệt những loại 800cm3 trở lên. Bởi có một điều mà chúng ta chưa thể bằng nhiều nước, đó là hạ tầng giao thông. Một khi hạ tầng giao thông còn kém, chưa nên cho phép sử dụng môtô phân khối lớn thoải mái như hiện nay. Đất nước còn khó khăn, xin hãy ưu tiên cho các phương tiện giao thông vì nhu cầu thiết yếu của người dân. 

Việc hạn chế này có thể ảnh hưởng đến đam mê của một số người mê tốc độ. Nhưng tôi  được biết cách đây hơn chục năm, ngành thể thao cũng đã tạo sân chơi cho giới trẻ mê tốc độ bằng nhiều giải đua xe hai bánh, nhưng cuối cùng nó cũng xẹp dần! Tại sao? Một người bạn của tôi làm trong ngành thể thao, từng tham gia tổ chức các giải đua xe máy, cho biết loanh quanh chỉ có mấy ông thợ sửa xe, độ xe hai bánh tham gia, chứ không có nhiều bạn trẻ tham gia.

 Tóm lại, khi nào đường sá như ở các nước phát triển, nhiều làn đường để lưu thông với nhiều quy định tốc độ khác nhau, khi ấy hãy có quy định rộng rãi hơn cho xe phân khối lớn.

Nếu cho phép, cũng cần có điều kiện

Đã có tranh luận trái chiều trong ý kiến phản hồi của bạn đọc về đề xuất cho môtô phân khối lớn chạy vào làn ôtô, đường cao tốc.

Nhiều bạn đọc đã gay gắt phản đối đề xuất này. Bạn đọc Võ Thị Ngọc Giàu cho rằng: “Không nên, vì đường cao tốc chỉ nên dành cho xe bốn chỗ trở lên, môtô phân khối lớn chạy tốc độ cao vào đường cao tốc lạng lách rất nguy hiểm và dễ gây tai nạn giao thông”. Bạn đọc Wilson Phạm cũng phân tích: “Trên đường cao tốc và quốc lộ mà môtô đi chung với ôtô là lợi bất cập hại. Ôtô lên đường cao tốc chạy 100 km/giờ mà còn lạc tay lái và tai nạn thường xuyên thì môtô chắc sẽ nhiều hơn. Một điểm nữa là lên đường cao tốc do đường thoáng và xe chạy tốc độ cao nên sức bạt của gió càng cao và càng dễ gây tai nạn cho môtô”.

Tuy nhiên, ở luồng ý kiến đồng tình của không ít bạn đọc lại cho rằng việc môtô đi vào đường cao tốc là chuyện nhiều nước đã cho phép, bị cấm ở nước ta là thiệt thòi cho người sở hữu xe này. Bạn đọc Lê Minh bày tỏ: “Tôi thấy đề xuất này quá hợp lý và hợp thời! Đa số đường dành cho xe máy chỉ cho tốc độ 40 km/giờ, xe 125 phân khối chạy còn thấy bức bối huống gì môtô phân khối lớn. Cần phải cởi trói tư duy cho sự phát triển của xã hội”.

Trung dung hơn, nhiều bạn đọc đề xuất nếu cho phép môtô phân khối lớn đi vào làn ôtô, đường cao tốc thì phải kèm theo những điều kiện cụ thể. Ví dụ như chỉ nên cho phép đi chung làn ôtô ở khu vực nội thị, chỉ cho phép với môtô trên 400cc... Bạn đọc Hồ Bảo Anh đề xuất: “Các ngành chức năng nên có các quy định cụ thể về tốc độ cũng như yêu cầu kỹ thuật an toàn của môtô phân khối lớn khi cho phép loại xe này đi vào làn ôtô hay đường cao tốc. Cách tốt nhất là nên có làn xe dành riêng cho môtô phân khối lớn trên đường cao tốc để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc”.

N.N. tổng hợp

Đi môtô kém an toàn

Thống kê của Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ về số ca tử vong do tai nạn môtô từ cuối những năm 1990 tới năm 2004 cho thấy kích thước dung tích xilanh ở những môtô bị tai nạn chết người cũng tăng dần theo số vụ. Nếu năm 1990 dung tích xilanh trung bình là 769cm3 thì năm 2001 đã là 959cm3, tăng 24,7%. Nếu tính tỉ lệ số người tử nạn theo đơn vị quãng đường đã đi thì số người tử vong do tai nạn môtô cũng cao hơn ôtô. Trên mỗi dặm đường đi qua (1.609m), nguy cơ tử vong ở môtô cao gấp 35 lần so với ôtô khách.

Còn theo số liệu của Bộ Giao thông Anh, nguy cơ bị chấn thương nghiêm trọng ở tai nạn môtô cao gấp 16 lần so với ôtô và cao gấp đôi so với xe đạp.

Nghiên cứu của Cơ quan An toàn giao thông Úc nhận thấy số ca tài xế môtô tử vong cao hơn gần 30 lần so với tài xế các phương tiện khác, tài xế môtô dưới 40 tuổi có tỉ lệ tử vong cao gấp 36 lần so với tài xế các phương tiện khác cùng độ tuổi...

Các số liệu bổ sung từ Mỹ cho biết dù môtô chỉ chiếm 2% trong tổng số phương tiện có đăng ký tại Mỹ, nhưng số ca tử vong vì tai nạn môtô lại chiếm tới 5% tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm.

Một trong những lý do chính khiến tỉ lệ tử vong trong các tai nạn môtô cao là vì bản thân thiết kế môtô gần như không có gì bảo vệ cho người lái khi xảy ra tai nạn.

D.KIM THOA

TRƯỜNG HIỂN (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp