Tuổi Trẻ ghi lại một số ý kiến từ người dân, chuyên gia và cơ quan chức năng về vấn đề này.
Ông Nguyễn Kim Toản (giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - đơn vị khai thác tuyến du lịch Sài Gòn Waterbus):
Cần thêm nhiều bến thủy
Nếu muốn phát triển đường sông, TP cần đẩy nhanh công tác quy hoạch bến thủy và gắn kết với đường bộ bằng cách tính toán xây dựng thêm nhiều bến.
Tôi thấy để phát triển giao thông đường thủy, chúng ta phải coi các bến trên đường sông giống như các điểm dừng, đón trả khách như trên đường bộ. Khi đó người dân có nhiều lộ trình đi lại để chọn lựa, có thể đi và dừng nhiều nơi dọc hai bên sông...
Đồng thời, chúng ta cần tính toán quy hoạch bến thủy theo tầm quy mô. Tùy theo cấp sông, mức độ kết nối, giá trị vận tải, du lịch... mà quy hoạch tổng số bến sẽ có trên tuyến, rồi sau đó linh hoạt xem xét làm thêm một số bến thủy. Tuy nhiên phải đảm bảo không vượt qua tổng số bến đã quy hoạch.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):
Đường ven sông hỗ trợ khai thác tiềm năng sông Sài Gòn
Các sở ngành cần dự báo, mô phỏng lượng xe qua lại của tuyến đường trước khi xây dựng. Cần có dự đoán khi làm đường này rồi sẽ giảm áp lực cho các tuyến đường quốc lộ kết nối vùng khác được ra sao.
Khi làm tuyến đường ven sông cần có những đánh giá về môi trường, xã hội, dân cư. Tuy nhiên giữa đường và bờ sông cần có khoảng hở nhất định để làm không gian công cộng. Tôi có một lưu ý khoảng cách giữa đường với bờ sông là bao nhiêu tùy mỗi chỗ khác nhau.
TP.HCM mang đặc trưng sông nước và đang có những dự án phát triển du lịch. Tuyến đường ven sông này hình thành có thể hỗ trợ cho chúng ta khai thác nhiều hơn tiềm năng sông Sài Gòn.
Còn đi vào thực hiện cụ thể thì cần tính toán thật kỹ. Con đường sẽ có đoạn thẳng, có đoạn uốn theo dòng sông để chúng ta được chiêm ngưỡng cảnh quan rất đẹp của con sông này.
Bạn đọc Hữu Đạt (TP Thủ Đức, TP.HCM):
Hành trình du lịch sẽ thú vị hơn
Đường ven sông Sài Gòn là một ý tưởng rất hay và cần sớm đưa vào thực hiện. Chúng ta có một con sông dài, chảy ôm lấy TP. Có đoạn sông chảy qua khu đô thị sầm uất bên phố, bên sông rất đẹp và đầu tư bài bản. Nhưng cũng có đoạn qua khu vực sình lầy, lau sậy và còn hoang vu.
Nếu chúng ta có đường ven sông thì cũng nên phát triển thêm các bến bãi, hạ tầng đi kèm để phục vụ người dân, du khách. Bởi lẽ dọc sông Sài Gòn có rất nhiều điểm tham quan, di tích lịch sử.
Trên hành trình du ngoạn sông Sài Gòn người dân, du khách sẽ có nhu cầu tiếp cận, lên bờ. Nếu làm được điều này, người dân có thể linh hoạt chọn cách di chuyển lúc đi thuyền trên sông, lúc đi phương tiện công cộng trên bờ.
Chúng ta đã từng nhìn con sông từ bờ và sẽ rất thích thú khi nhìn TP từ dưới thuyền. Góc nhìn rất lạ và thú vị.
Ông Trần Quang Lâm (giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Bổ sung quy hoạch sau đó bố trí vốn
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang phối hợp cùng Sở Quy hoạch kiến trúc, sở giao thông vận tải các tỉnh để rà soát lại hướng tuyến, đảm bảo tính khả thi. Trước tiên, thống nhất quan điểm các tuyến đường ven sông sẽ bám theo bờ sông Sài Gòn.
Hiện dự án đường ven sông Sài Gòn đang rà soát để bổ sung quy hoạch. Trên cơ sở đó TP sẽ xem xét bố trí vốn để tổ chức thực hiện theo phân kỳ và triển khai dần. Có một số đoạn chúng ta làm dự án giao thông riêng.
Các đoạn còn lại ở khu vực gắn với phát triển đô thị phải có quy hoạch, kế hoạch cụ thể trước tiên và huy động nguồn lực nhiều phương thức (phát triển nguồn đất từ mô hình TOD), có các loại hình BT thanh toán bằng tiền.
TP.HCM sẽ có thêm 20 bến thủy trong năm nay
Những năm qua và đặc biệt trong thời gian gần đây, TP.HCM đã rất chú trọng phát triển hạ tầng đường thủy nói chung và sản phẩm du lịch sông nước nói riêng.
Theo UBND TP.HCM, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch sẽ góp phần thu hút khách và giữ chân họ ở lại TP lâu hơn. Du lịch đường thủy cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng, tiềm năng của TP.HCM.
Để làm được điều này, TP.HCM đã và đang nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cho các chương trình du lịch đường thủy đang khai thác.
Đồng thời, thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa trong việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, cầu tàu, bến bãi, phương tiện... phục vụ du khách.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, TP.HCM sẽ khai thác sản phẩm du lịch đường thủy trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Riêng các tuyến kênh nội đô sẽ có ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy được triển khai trong giai đoạn này. Ngoài ra, nhiều chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển vào tuyến đường sông cũng được quan tâm thực hiện.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị với UBND TP.HCM về việc ưu tiên cập nhật 247 bến thủy nội địa đang hoạt động vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồng thời, bổ sung xây dựng mới 20 vị trí bến thủy nội địa mới trong năm 2023.
Theo sở này, hiện tại các địa phương đã có văn bản thống nhất và đang thực hiện việc cập nhật quy hoạch 411 bến thủy nội địa vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của mình. Thời gian cập nhật quy hoạch chi tiết cần tối thiểu từ 9-12 tháng.
Trong 411 vị trí định hướng đầu tư xây dựng bến thủy nội địa giai đoạn 2020-2030, có 247 bến đang hoạt động. 164 bến được đề xuất, đầu tư xây dựng mới nhưng ưu tiên làm trước 20 vị trí trong năm nay. Các vị trí đề xuất, đầu tư xây dựng mới còn lại sẽ tiếp tục cập nhật và thực hiện sau.
Trả lại không gian đôi bờ sông
Không gian ven sông Sài Gòn là không gian chung của cộng đồng, điều này không cần bàn luận thêm.
Vấn đề là qua thời gian, không gian này đã bị biến thành không gian riêng thuộc công trình nhà ở riêng lẻ, các khu dân cư lớn nhỏ "ăn ké" không gian sông lâu nay. Việc giải tỏa, thu hồi (và cả đền bù) không phải là việc dễ.
Cá nhân, tập thể nào đang lấn chiếm phải trả lại sớm để con đường ven sông sớm hình thành với chi phí tiết kiệm nhất. Việc này cần quyết tâm lớn và chi phí không nhỏ. Nhưng việc khó mấy cũng cần làm ngay sau khi quy hoạch chi tiết con đường ven sông này.
Đây không phải là chuyện tranh luận quyền được hưởng không gian sông nước của riêng một nhóm cư dân nào bởi không gian gần sông không của riêng ai.
Nhìn rộng ra hơn là chuyện kết nối giao thông thủy ở TP.HCM, giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Cùng với đó là lợi ích xã hội về giao thông, lợi ích từ phát triển kinh tế, du lịch đường thủy sẽ cùng đến.
Và đặc sản cảnh quan trên bến dưới thuyền của sông Sài Gòn mới có thể được giữ lại và phát huy như một nét văn hóa đặc trưng riêng có của TP này.
Quyết tâm hiện thực hóa con đường ven sông Sài Gòn được người dân ước mong chờ đợi. Khi đó, đôi bờ sông Sài Gòn mới thật sự liền mạch, sạch đẹp và mang dáng vẻ sự phồn thịnh, không còn những đoạn bị chặn và chiếm, những nơi bỏ hoang cỏ dại mọc đầy.
Bạn đọc MINH ĐỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận