Nhiều người không khỏi xót xa cho tuyến đường được đầu tư phục vụ du lịch biển, cũng như đặt câu hỏi phải chăng việc xây đường bê tông trên bãi cát như vậy là lãng phí?
Đường ven biển tan nát sau bão Trà Mi
Sau khi bão Trà Mi đổ bộ đoạn bờ biển ở khu vực giáp ranh địa giới phường Thuận An (TP Huế) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị xói lở, xâm thực nghiêm trọng.
Trước khi bão đổ bộ, khu vực này đã xuất hiện hiện tượng xâm thực bờ biển bất thường. Cát biển xói lở ăn sâu vào đất liền.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiệt hại do thiên tai ở khu vực này và huy động hàng ngàn lượt bộ đội, dân quân, người dân tham gia gia cố đoạn đập bị sạt lở.
Tuy nhiên mọi nỗ lực của quân và dân Thừa Thiên Huế đã đổ sông đổ bể khi bão Trà Mi làm sóng biển dâng cao kèm gió giật đánh tan toàn bộ tuyến kè tạm và con đường ven biển này.
Những khối bê tông vỡ tan nát nằm chổng chơ trên bờ biển. Khung cảnh đoạn bờ biển như vừa trải qua một trận bom.
Nhiều bạn đọc sau khi chứng kiến cảnh tượng trên đã không khỏi xót xa cho tuyến đường ven biển ở Thừa Thiên Huế tan tác sau thiên tai. Một số người còn cho rằng tuyến đường bê tông ấy không nên xây dựng trên bãi cát biển, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng xói lở như ở khu vực đập Hòa Duân.
TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan - cho rằng tuyệt đối không nên làm kè bê tông hay đường bê tông trên bãi cát.
"Rất nhiều bài học về việc xói lở bờ biển, mất đi bãi cát, bãi tắm tự nhiên chỉ bởi vì chúng ta lấn các công trình bê tông ra bãi cát. Sóng sẽ lấy hết cả cát và bê tông. Tiếc rằng hầu hết các bãi cát ven biển miền Trung đều đã bị kè cứng rồi", ông Huy viết.
Nguyên nhân do đâu?
Theo PGS.TS Võ Ngọc Dương (Trường ĐH Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng), hiện nay việc tính toán thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, các công trình gia cố bờ, phòng chống thiên tai đều có tiêu chuẩn thiết kế và quy trình chặt chẽ, đặc biệt là đối với các đoạn xung yếu, nguy cơ sạt lở cao.
Qua hình ảnh trực quan tại Huế thì cần xác định cụ thể đây là công trình kè biển chống sạt lở hay là chỉ là lớp bê tông gia cố mái tại khu vực này.
Theo ông Dương, nếu đây là công trình kè biển chống sạt lở thì có thể nhận định công trình chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn. Còn nếu đây chỉ là công trình gia cố mà chưa có kè biển chống sạt lở thì nó sẽ rất dễ bị phá hoại trong điều kiện ngập lụt, sóng biển do bão.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Dân, chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết đoạn đường ven biển bằng bê tông bị sóng đánh tan nát nói trên là đoạn đường nội bộ trong bãi tắm, được huyện đầu tư nhiều năm về trước để phục vụ du lịch.
"Lúc xây dựng người ta không nghĩ rằng có một ngày biển bị xâm thực mạnh đến như vậy. Riêng trong năm 2024 đã có khoảng 100m bờ biển ở đoạn này bị xâm thực, lấn sát đến tuyến đường ven biển này và sau bão Trà Mi thì tuyến đường bị tàn phá", ông Dân nói.
Ông Dân cũng cho biết đây chỉ là tuyến đường nội bộ, không có chức năng chống xói lở bờ biển. Trong những năm gần đây xã Phú Thuận đã được quan tâm đầu tư khoảng 2,5km kè biển và 0,5km kè ngầm chống sạt lở ven biển, với tổng kinh phí gần 354 tỉ đồng. Riêng đoạn bờ biển bị sạt lở vừa qua là đoạn chưa được đầu tư xây dựng kè.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận