Sớm mai ngái ngủ, tôi vẫn co ro nằm gắng, trùm chăn kín mít, đợi rét buốt dịu đi. Xuân lỡ gieo rắc những nụ hoa còn e ấp thu mình. Trong nỗi nhớ âm thầm gọi lên, ký ức ngày ba mươi Tết năm 2019 có lẽ êm đềm nhất đối với gia đình tôi.
Cha trở về khi đã thu lại gọn ghẽ mẻ lưới giăng cuối vụ với đầy ụ cá tôm. Chợ tan lúc chiều tà đã ngả bóng, mẹ vội rảo bước nặng đôi quang gánh trĩu vai chất đầy gạo nếp, thịt nạc, đậu xanh và những tàu lá chuối xếp đều. Trước hiên nhà anh tôi kiên nhẫn ngồi xới rơm khô lót ổ cho bầy gà đẻ trứng.
Tôi mải mê lượm lặt, nhặt nhạnh từng quả bông gòn già bung vỏ rớt rụng, bay tứ tung vung vãi trên từng bậc thềm mỗi đợt gió khẽ lay lắc để nhồi vào ruột gối đã xẹp đi phần nào. Mỗi người một việc, không nhắc đến nhưng thâm tâm ai cũng biết Tết đã về.
Chập choạng tối, ngoài trời thêu thân bu kín lối. Sau bữa cơm tối cả gia đình quây quần ấm cúng với cá bống kho, chén cơm trắng, tô canh rau đắng nóng hổi chuyện trò không nguôi đủ no bụng ấm lòng.
Dưới xó bếp đượm thơm vị chua ngào ngạt rượu gạo ủ dài ngày, than hồng thổi lại lách tách đỏ lửa, bắc nồi mẹ hông xôi sắn nấu chè đậu xanh. Tôi nhanh nhảu phụ sắp bàn, đong ly gạo đầy, rót dầu thắp đèn để chờ cúng giao thừa.
Cha và anh tôi tranh thủ lau lá, gói ít bánh chưng xanh, thắp nén nhang trầm đặt lên bàn thờ tổ tiên đủ đơm lâu ngày Tết. Đầu thôn cuối ngõ, trẻ con chả chịu ngủ, chạy quanh xóm làng thức đợi mùa xuân sang.
12h hơn trời khuya lắc khuya lơ, tôi đã kịp chợp mắt, say giấc mơ êm đẹp vẫn nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng pháo nổ ầm ầm. Nhưng dường như giấc mơ đó quá ngắn ngủi, lời khấn nguyện với mong ước niềm vui và bình an bị dập tắt bởi những vật vã của cuộc đời. Hạnh phúc tự nhiên bị thắt chặt bởi những rối ren.
Tháng 6-2020 cả nhà lao đao nhận thông báo anh tôi mắc căn bệnh suy thận trong một lần đi khám sức khỏe vì các cơn đau lưng, nặng ngực, buồn nôn và mệt mỏi kéo dài thường xuyên. Các xét nghiệm chuẩn đoán cho thấy tình trạng bệnh đã mấp mé sang giai đoạn cuối với các chỉ số vượt ngưỡng, định lượng ure trong máu quá cao.
Sóng gió ập đến đột ngột và bất ngờ. Cuộc sống lay lắt của cái nghèo bắt đầu réo rắt gọi tên khi tiền của mẹ cha dành giụm đều gom hết để anh tôi chữa bệnh.
Eo hẹp và thiếu thốn kinh tế khiến cha quyết định bỏ nghề sông nước, cất mái chèo gắn bó nhiều năm, xa nhà miệt mài nắng mưa chẳng nghĩ, theo những chuyến xe chở chè thuê đỗ đèo ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), được đồng vô đồng ra, dư giả chút ít gửi về.
Xăng văng, tất tả ngược xuôi Tết đến vẫn cố làm thêm. Mấy năm rồi cha không có mặt ở nhà, chỉ đều đều cuộc gọi hỏi thăm chớp nhoáng báo bình an....
Khoảng cách 20km từ nhà lên bệnh viện trung ương ba lần một tuần trở nên xa hơn bao giờ hết những ngày anh tôi đi chạy thận. 4 đến 5 giờ đồng hồ nằm lọc máu ở phòng bệnh với đống dây dợ, máy móc lằng nhằng dài đằng đẵng như thể một năm.
Ở độ tuổi hai mươi tươi đẹp, anh tôi tiều tụy chống chọi mọi cơn đau và đối diện với vô số bó buộc về tinh thần, ở viện nhiều như cơm bữa.
Tết này qua Tết khác cứ thế mờ nhạt trôi nhanh cùng thời gian, chưa lần nào trọn vẹn. Có lúc sức khỏe anh tôi tạm ổn, những tưởng sẽ đón năm mới ở nhà, vậy mà bao thấp thỏm, trăn trở, lắng lo vẫn rình rập không tha.
29 Tết xe cấp cứu hú còi liên tục giữa đêm khuya gấp gáp từng nhịp thở. Tôi và mẹ luân phiên ở lại viện trực canh, chăm lo miếng ăn, thuốc thang cho anh... Mùi Tết buồn le lói.
Căn nhà trống trơn vắng bóng, tro củi nguội tanh, màng nhện giăng mắc chẳng rảnh rang quét dọn. Tết là sợi nhớ sợi thương gắn kết gia đình, vậy mà nó dần trở nên mờ nhạt hẳn.
Ký ức còn hiện hữu giữa cơn mệt lã hành hạ, anh tôi thủ thỉ thèm được về nhà ăn Tết như những ngày xưa cũ, muốn ngửi khói trắng quẩn quanh vấn vương từng ngõ ngách ở gian bếp dù cay đến nhòe mắt hay ho sằng sặc đến đắng lưỡi....
Nghe một Bác đã ngoài 60 tuổi nằm chung phòng với anh tôi tâm sự rằng biết bệnh tình của mình chẳng còn nước còn tát, chỉ có ước mong cuối cùng là về nhà ăn bữa Tết đúng nghĩa, đoàn viên với con cháu thì dù ra đi cũng thanh thản.
Hay một bé mới lên 10 trớ trêu lại rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo này, luôn đưa mắt nhìn xa ra khung cửa sổ mếu máo hỏi người thân khi nào được về nhà. Tôi biết dù là anh tôi, hay các bệnh nhân ở đây, về nhà ăn Tết trở thành nỗi khát khao, mong mỏi thật sự lớn lao đến nhường nào với họ...
Để rồi suốt mấy mùa chờ đợi khắc khoải, thật may mắn năm nay niềm tin về cái Tết ấm êm đếm ngược trên đầu ngón tay chờ ngày anh tôi phẫu thuật ghép thận từ nguồn tạng của người hiến tặng....
Én líu ríu gọi bầy bay rờm rợp. Đâu đấy mùi lá khô cháy đỏ hăng nồng sộc vào cánh mũi đánh thức tôi tỉnh hẳn. Về nhà từ hôm qua, đánh một giấc ngủ dài. Sáng ra thấy mẹ đang nhóm lửa cặm cụi nấu cháo để chốc lát mang vào bệnh viện.
Tiết trời ảm đảm tháng 12 rắc lên lòng người chút phiền muộn, trầm tư và âu lo ghé ngang hy vọng đường về nhà của cha và anh tôi chẳng còn xa nữa!
Tính đến ngày 24-1, cuộc thi Về nhà đã nhận được hơn 370 bài dự thi. Cảm ơn các bạn đã gửi bài.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận