Phiên bản đầu tiên của dự luật "Về tính minh bạch của ảnh hưởng nước ngoài" (gọi tắt là dự luật "đại diện nước ngoài") đã được thông qua trong phiên đọc đầu tiên tại Quốc hội Georgia hôm 7-3 (giờ địa phương). Sau hai ngày xảy ra biểu tình rầm rộ phản đối dự luật, Đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền thông báo rút lại dự luật.
Dự luật ràng buộc những gì?
Dự luật "đại diện nước ngoài" được Đảng Quyền lực nhân dân (chiếm chín ghế trong Quốc hội) đệ trình ngày 14-2. Trong đó yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, báo in, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình có nhận từ "thế lực nước ngoài" ít nhất 20% thu nhập hằng năm dưới hình thức hỗ trợ tài chính hoặc đóng góp bằng hiện vật phải đăng ký với Bộ Tư pháp là "đại diện có ảnh hưởng nước ngoài".
Dự luật định nghĩa "thế lực nước ngoài" là các cơ quan chính phủ nước ngoài, các công dân nước ngoài, các pháp nhân được thành lập không theo pháp luật Georgia, cũng như các quỹ, hiệp hội, công ty, nghiệp đoàn và các tổ chức, hiệp hội khác được điều chỉnh theo luật pháp quốc tế.
Các "đại diện có ảnh hưởng nước ngoài" sẽ phải nộp bản kê khai tài chính ở dạng điện tử nêu rõ nguồn gốc, số lượng và mục đích của mọi khoản tiền và tài sản vật chất đã nhận và chi tiêu. Dự luật quy định mức phạt 25.000 lari Georgia (9.600 USD) nếu không thực hiện nghĩa vụ đăng ký hoặc không nộp đủ báo cáo tài chính.
Ngày 22-2, Đảng Quyền lực nhân dân tiếp tục đệ trình phiên bản dự luật thứ hai mở rộng định nghĩa "đại diện có ảnh hưởng nước ngoài" không chỉ có pháp nhân (tổ chức) mà kể cả thể nhân (cá nhân), đề nghị mức phạt tù lên đến năm năm.
Đảng Giấc mơ Georgia (chiếm 75/150 ghế trong Quốc hội) đã bày tỏ ủng hộ dự luật "đại diện nước ngoài" với lập luận đề cao tính minh bạch. Chủ tịch Quốc hội Shalva Papuashvili giải thích: "Công dân Georgia có quyền biết những lợi ích nào và kiểu đầu tư nào phía sau các thực thể tham gia xây dựng và đưa ra các quyết định chính trị".
Hậu quả khôn lường
Đảng Giấc mơ Georgia biện bạch dự luật "Về tính minh bạch của ảnh hưởng nước ngoài" có nhiều điểm tương đồng với Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA) của Mỹ. Song theo phân tích của Trung tâm Quốc tế về luật phi lợi nhuận (ICNL) ở Mỹ, thật ra giữa hai đạo luật có nhiều khác biệt.
Điểm khác biệt quan trọng là FARA không yêu cầu đăng ký chỉ với lý do có nhận tài trợ nước ngoài, mà là với đại diện cho người đứng đầu nước ngoài và hoạt động theo chỉ đạo và kiểm soát của chính phủ nước ngoài. Trên thực tế chỉ có 5% những người đăng ký theo luật FARA là tổ chức phi lợi nhuận, còn hầu hết là chi nhánh của các chính đảng nước ngoài.
Đảng Giấc mơ Georgia tuyên bố thẳng thừng dự luật sẽ có "tác dụng ngăn ngừa" đối với phe đối lập và các tổ chức phi lợi nhuận liên kết với phe đối lập. Ngược lại, những người phản đối lo ngại nhiều hậu quả xảy ra nếu dự luật được thông qua: Gruzia sẽ khó lòng gia nhập EU, các nhóm dễ bị tổn thương như người tàn tật sẽ mất quyền lợi do các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp, các tổ chức có thể sa vào vòng kiểm tra không giới hạn và có thể bị phạt nặng.
Đất nước nhỏ bé Georgia với 3,7 triệu dân đã nộp đơn xin gia nhập EU cùng với Ukraine và Moldova vài ngày sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ. EU đã cấp tư cách ứng viên cho Ukraine và Moldova nhưng yêu cầu Georgia tiếp tục cải cách nhiều hơn nữa. Dự luật "đại diện nước ngoài" ra đời trong bối cảnh những trao đổi ngày càng gay gắt giữa Georgia và các đối tác phương Tây.
Trong năm qua, Chính phủ Georgia đã cao giọng chưa từng có khi cáo buộc EU và Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Georgia và thậm chí còn cố lôi kéo Georgia vào cuộc chiến chống Nga.
Trong khi đó, người đứng đầu EU về đối ngoại Josep Borrell khẳng định nếu dự luật có hiệu lực, nó "có thể gây hậu quả nghiêm trọng" trong quan hệ với EU vì không phù hợp với các chuẩn mực và giá trị của EU. Tòa án Công lý châu Âu từng hủy bỏ một đạo luật tương tự ở Hungary vào năm 2020.
Trong thời gian tới, nếu đảng cầm quyền khơi lại dự luật, đường vào EU của Georgia ắt sẽ còn lắm chông gai!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận