Do đường sá chưa thông, cảng Cát Lái (quận 2) hiện hạn chế khai thác 81 chuyến tàu/tuần - Ảnh: Quang Định
Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP - cho biết theo quy hoạch đường vào cảng chỉ 12.000 xe/ngày đêm. Đến nay, theo ghi nhận có từ 19.000 đến 20.000 xe ra vào cảng Cát Lái thông qua đường như Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Có ngày lượng xe tăng đột biến lên tới 26.000 xe.
Ùn tắc trên đường Mai Chí Thọ, quận 2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Điều này đã dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên do vượt khả năng thông hành các tuyến đường kết nối cảng. Nếu không có giải pháp mở rộng, đầu tư thêm đường, thời gian tới giao thông rất căng thẳng bởi tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng rất nhanh. Kẹt xe không chỉ khiến cho chi phí logistics tăng mà còn lãng phí năng lực cảng Cát Lái", ông Trường cho hay.
Tại kỳ họp Quốc hội hôm 9-11, các đại biểu Quốc hội cũng đã đưa tình trạng kẹt xe ở Cát Lái ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Đường Đồng Văn Cống từ đầu năm tới nay có 25 vụ ùn tắc - Ảnh - QUANG ĐỊNH
Theo Sở Giao thông vận tải TP, từ đầu năm tới nay có 133 vụ ùn tắc trên đường Nguyễn Thị Định, 21 vụ nút giao An Phú, 102 vụ trên đường Võ Chí Công, 25 vụ trên đường Đồng Văn Cống (quận 2).
Ùn tắc khiến cho thời gian quay vòng xe ra vào cảng khá thấp, xe tải 2 chuyến ngày, xe container chỉ 1,5 chuyến/ngày. Con số quay vòng xe không như kỳ vọng so với chi phí đầu tư xe tải và xe container mà doanh nghiệp vận tải đã bỏ ra.
Đường vào cảng Cát Lái liên tục kẹt xe - Video: Châu Tuấn và camera giám sát giao thông
Tài xế Lê Minh Chiến (44 tuổi, ngụ Thanh Hóa) cho biết có ngày dòng xe kẹt dài từ nút giao An Phú (quận 2) về cảng khoảng 5km. Thời gian xe lết từng tí để vào cảng có thể đến 6-7 giờ đồng hồ, vì thế việc giao hàng cũng bị chậm trễ. Thậm chí, có trường hợp tài xế phải bồi thường vì giao hàng muộn, gây thiệt hại cho công ty.
Theo Sở Giao thông vận tải TP, về lâu dài để đưa cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu phát huy đúng tiềm năng, tháo nút thắt kẹt xe cần phải đầu tư mở rộng các tuyến đường kết nối. Cụ thể, khép kín Vành đai 2, hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy; mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống...
Tại các cảng Sài Gòn, Tân Thuận, Hiệp Phước... cũng cần được đầu tư mở rộng các tuyến đường kết nối để giảm ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa...
Thế nhưng danh mục đầu tư đường thì khá dài còn nguồn vốn lại eo hẹp. Thống kê cho thấy, 5 năm qua hằng năm ngân sách bố trí cho giao thông chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Trong khi, đường vào cảng làm không thể thực hiện theo hình thức PPP vì đa số là đường hiện hữu không thể đặt trạm BOT hoàn vốn.
Trước bối cảnh nêu trên, Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành TP nghiên cứu đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cảng biển trên địa bàn TP. Đối tượng thu phí là hàng hóa xuất nhập khẩu, ước tính số thu 3.000 tỉ đồng/năm. Số thu này sẽ đầu tư trực tiếp vào các danh mục tuyến đường trong cảng đang chờ vốn. Mô hình này đã được thực hiện ở Hải Phòng.
Sở Giao thông vận tải TP cho biết TP cam kết số tiền thu phí sẽ chỉ dành đầu tư mở rộng, làm đường mới vào cảng. Danh sách tuyến đường, lộ trình, thời gian đầu tư đường bằng nguồn thu phí sẽ được công bố sau khi TP triển khai thực hiện đề án.
Tài xế thường xuyên phải chờ qua cầu Phú Mỹ hướng về cảng Cát Lái - Ảnh: T.T.D
Hình ảnh camera giám sát ghi lại kẹt xe khu vực cầu Phú Mỹ - Ảnh cắt từ camera giám sát giao thông
Ùn tắc trên đường Võ Chí Công hướng về cảng Cát Lái đêm 9-11 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Kẹt cứng xe trước cổng kiểm soát vào cảng Cát Lái - Ảnh: CHÂU TUẤN
Có hôm, kẹt xe ở cảng làm cho điểm đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng ảnh hưởng dây chuyền - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận