Phóng to |
Dương Thụy trước Đại học Oxford, London |
- Hồi còn học phổ thông, lúc nào môn văn cũng hấp dẫn tôi. Tôi thích được thầy/cô dạy môn văn gọi đọc diễn cảm các bài tập đọc, các đoạn văn. Từ nhỏ tôi đã đọc sách rất nhiều. Hồi đó sách in trên giấy rất xấu, mực in nhòe nhoẹt và thường chỉ là các sách dịch của Liên Xô. Vớ được cuốn nào là tôi ngấu nghiến cuốn ấy, kể cả các sách của người lớn dù đọc chẳng hiểu gì. Năm lớp 12, môn văn và môn tiếng Pháp tôi luôn được điểm cao nhất lớp và kể cả nhất khối. Tuy nhiên, học giỏi văn không có nghĩa là viết văn được nên tôi không hề nghĩ mình sẽ sáng tác...
* Thế bạn phát hiện mình viết được từ năm nào? Tác phẩm đầu tiên được đăng báo nào? Viết về đề tài gì? Cảm xúc khi lần đầu được đăng bài?
Sinh năm 1975 tại Sài Gòn, đúng vào năm thành phố được thay tên, có thể coi Dương Thụy như là một cây bút 100% TP.HCM. Học Trung học Lê Quí Đôn, rồi Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (cử nhân văn chương Pháp), sau đó lần lượt du học ở Bỉ (thạc sĩ quản trị kinh doanh), Pháp, Tây Ban Nha, Anh... và hiện đang làm giám đốc truyền thông - đối ngoại Tập đoàn dược phẩm Sanofi-Aventis tại VN, Dương Thụy chính là một trong những cây bút hiếm hoi có vốn tri thức đầy đặn. Công việc chuyên môn rất bận, nhưng Dương Thụy vẫn dành thời gian cho văn chương. Đã có bảy tập truyện ngắn với ba giải thưởng văn học, đầu năm 2007 Thụy cho ra tiểu thuyết đầu tay Oxford thương yêu (NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi Trẻ) lập kỷ lục 7.500 bản in sau hai lần tái bản, và vừa được tiếp tục in thêm 4.000 bản nữa! Từng viết khá nhiều cho Áo Trắng, nên khi chúng tôi muốn gặp, Thụy rất vui vẻ đón tiếp... |
Năm tôi học lớp 12, anh Phạm Công Luận, khi đó là phóng viên báo Hoa Học Trò (nay là trưởng đại diện phía Nam), đến nhà xin ba mẹ tôi cho tôi làm người mẫu bìa báo. Tình cờ thấy cuốn sổ chép truyện của tôi, anh chọn ra một truyện. Búp bê băng giá là tác phẩm được đăng báo lần đầu của tôi, trên báo Hoa Học Trò Xuân Quí Dậu (1993). Cảm xúc thì tôi không nhớ lắm nhưng... nhuận bút thì nhớ như in là 100.000 đồng (rõ ràng là hơn đứt nhuận bút bài thơ của cô bạn). Truyện viết hóm hỉnh về một cô bé được một cậu bạn trong lớp tán tỉnh nhưng rồi cậu đành ngán ngẩm vì nàng quá “băng giá”...
* Thụy còn nhớ bài hoặc truyện nào được đăng trên Áo Trắng lần đầu? Số ra ngày nào? Một kỷ niệm của bạn với Áo Trắng?
- Sau khi những truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Hoa Học Trò, tôi mạnh dạn gửi truyện cho Áo Trắng, được coi là có chất văn chương cao hơn. Truyện đầu tiên được đăng là Thực tập trường đời, kể về chuyến đi làm hướng dẫn viên du lịch của cô sinh viên thực tập bị say xe. Tôi vui lắm vì được đăng truyện trên Áo Trắng là “ước mơ lâu đời” của mình. Khi đó tôi là sinh viên năm nhất. Vài truyện nữa được đăng thì tôi được anh Đoàn Thạch Biền giới thiệu kèm đăng hình rất “khí thế”. Anh Biền còn khuyên: “Đừng viết vui vui kiểu con nít nữa, lớn rồi, viết sâu sâu chút đi!”. Khi đó tôi chưa biết yêu là gì, chỉ mới biết “khoái khoái” người khác phái nhưng cũng cố tưởng tượng một chuyện tình cho truyện ngắn Mưa phùn. Truyện đăng trên Áo Trắng và được nhiều người khen “đỡ con nít hơn!”.
* Nhận xét về Áo Trắng ngày xưa và bộ mới bây giờ? Những khác biệt, hay dở? Theo bạn, Áo Trắng có vai trò gì trong việc phát hiện và định hình những cây bút trẻ?
- Áo Trắng ngày xưa thật lãng mạn với trang bìa vẽ các thiếu nữ ngây thơ, sau này là hình chụp mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được tôi đặc biệt “si mê”. Áo Trắng bây giờ dĩ nhiên không thể lãng mạn như xưa vì thời thế đổi thay, ai lãng mạn quá chắc... “có vấn đề”. Tuy vậy Áo Trắng vẫn trung thành với văn chương, đó là điểm khác biệt với những tờ báo khác dành cho tuổi học trò ngày nay. Tôi vẫn thầm cảm ơn Áo Trắng và anh Đoàn Thạch Biền là “ân nhân” giúp tôi đến với giới sinh viên và độc giả cả nước. Chính anh Đoàn Thạch Biền đã tập hợp những truyện ngắn đầu tiên của tôi in thành cuốn sách đầu tay Dấu lặng trong điệp khúc.
* Những góp ý của Thụy cho Áo Trắng bộ mới?
- Áo Trắng bộ mới vẫn nên xem trọng văn chương nhưng song song đó cần tạo thêm nhiều sân chơi nhằm kích thích sức sáng tạo của các cây bút trẻ. Trang bìa nên phong phú hơn, không nhất thiết phải là hình ảnh các thiếu nữ áo trắng. Nói chung về mặt hình thức, Áo Trắng nên thay đổi cho mới hơn, hấp dẫn hơn.
* Làm sao Thụy có thể viết văn được khi công việc chuyên môn quá bận? Sau một số giải thưởng viết văn và thành công của tiểu thuyết đầu tay, bạn sẽ chuyên tâm hơn vào chuyện viết lách hay cũng chỉ coi đây là một hobby (sở thích) ngoài giờ?
- Công việc chuyên môn bận rộn là một trở ngại khiến tôi không viết được nhiều. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhờ có công việc chuyên môn, có những chuyến công tác, những mối quan hệ xã hội dày đặc mà tôi mới có chất liệu để sáng tác. Tôi viết vào những ngày cuối tuần, những buổi trưa không ngủ, những buổi tối không phải làm thêm giờ. Dù thành công hay không thành công tôi vẫn thích viết và xem việc viết lách là “niềm vui cao cả” của mình chứ không chỉ là hobby bình thường.
* Xin cảm ơn Thụy. Câu hỏi cuối: bạn có vui lòng công bố địa chỉ để các fan có thể liên lạc?
- Rất sẵn lòng. Các bạn có thể liên lạc qua email: [email protected].
Áo Trắng số 7 (ra ngày 15-8-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận