13/04/2013 10:00 GMT+7

Đường thông, nhà đầu tư mới đến

TR.TÂN
TR.TÂN

TT - Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây nguyên lần 2-2013 tổ chức ngày 12-4 ở TP Pleiku (Gia Lai), rất nhiều ý kiến cho rằng để khu vực này phát triển, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

1e5q6lTF.jpgPhóng to
Quốc lộ 19, đoạn qua chân đèo Mang Yang (huyện Đăk Pơ, Gia Lai) - Ảnh: Na Uyên

Nhiều ý kiến tập trung phân tích những khó khăn, bất cập dẫn đến việc thu hút đầu tư vào khu vực còn kém là chính sách thu hút đầu tư chưa thuận lợi, thêm vào đó hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ khiến nhà đầu tư lo ngại...

Nhiều lực cản

Theo ông Trần Việt Hùng - phó trưởng Ban chỉ đạo Tây nguyên, từ năm 2009 đến tháng 12-2012 toàn vùng thu hút được 376 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 67.000 tỉ đồng. Tây nguyên có tiềm năng phát triển ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn những lực cản khiến khu vực chậm phát triển. Trong đó đặc biệt là kết cấu cơ sở hạ tầng, giao thông còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Quốc lộ 14 là con đường xương sống của Tây nguyên nối hai vùng kinh tế lớn nhưng đang xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh đó việc phát triển kinh tế chưa kết hợp tốt với giải quyết các vấn đề xã hội như tình trạng di dân tự do, sang nhượng đất đai trái phép chưa được xử lý... khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Chia sẻ quan điểm này, ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho rằng hệ thống giao thông của Tây nguyên đã hạn chế khả năng kết nối nội vùng và với các vùng phụ cận, cũng như hạn chế khả năng thu hút đầu tư. Cũng theo ông Vinh, Tây nguyên thu hút ít các dự án đầu tư là do chiến lược đầu tư của khu vực, của từng tỉnh chưa rõ ràng, cơ chế thu hút đầu tư mang tính tự phát, thiếu định hướng phát triển quy hoạch chung...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ về những khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư sản xuất, thực hiện các dự án tại Tây nguyên. Phía các doanh nghiệp, cá nhân nhấn mạnh đến yếu tố lãi suất vay hiện nay của các ngân hàng còn khá cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp. Hơn nữa việc vay vốn còn đòi hỏi quá nhiều điều kiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Bà Ui Nozomi, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - văn phòng VN (JICA), cho rằng để Tây nguyên phát triển cần xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường Tây nguyên theo trục dọc nội vùng, trục ngang là giữa Tây nguyên với TP.HCM, duyên hải miền Trung, vùng tam giác phát triển, vùng bôxit. Đồng thời đảm bảo hạ tầng công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và quản lý môi trường tốt để đảm bảo thu hút đầu tư...

Nâng cấp nhanh quốc lộ 14 và 19

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đời sống của người dân Tây nguyên đã được nâng cao rõ rệt, nếu năm 2001 thu nhập bình quân đầu người của vùng chỉ 2,9 triệu đồng/người/năm thì năm 2012 là 26,9 triệu đồng/người/năm, tăng trưởng bình quân toàn vùng đạt 11-12%/năm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng kết quả thu hút đầu tư khu vực Tây nguyên trong những năm vừa qua chưa cao, đặc biệt thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn thấp. Cho đến nay toàn vùng mới thu hút được 169 dự án FDI với tổng mức đầu tư dưới 1 tỉ USD (bằng 1,2% số dự án, 0,4% tổng vốn đăng ký của cả nước).

Thủ tướng khẳng định Tây nguyên là vùng trọng điểm về kinh tế - xã hội, là căn cứ để đảm bảo quốc phòng an ninh của cả nước. Lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên phải tìm mọi giải pháp, chính sách ưu đãi để huy động vốn cho vùng. Trong đó ưu tiên các nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt những trục đường nối liền Tây nguyên với các cảng biển ở duyên hải miền Trung hay các đô thị lớn ở Đông Nam bộ. Đặc biệt, với quốc lộ 14 và 19 qua Tây nguyên hiện đang xuống cấp phải kịp thời sửa chữa, nâng cấp.

Ngoài ra, cũng cần xem xét những thế mạnh của vùng là cà phê, cao su, thủy điện để tập trung đầu tư nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trình độ cao... Thủ tướng cho biết hiện Chính phủ đã giao các bộ ngành phối hợp với các tỉnh Tây nguyên tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu để doanh nghiệp nhanh chóng vực dậy và phát triển. Các ngân hàng nghiên cứu phương án cho vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất các dự án về nông lâm nghiệp, trong đó có những đề xuất chi tiết về vốn, về phương án thực hiện trình Chính phủ phê duyệt.

Ưu tiên vốn cho ngành cà phê, cao su

Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký cam kết giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp, địa phương cho các dự án đầu tư (tập trung vào ngành cà phê, cao su, thủy điện) tại các tỉnh khu vực Tây nguyên với số tiền 23.899 tỉ đồng. Trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn dành 12.930 tỉ đồng cho hai tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng để thực hiện các chương trình mua, chế biến, xuất khẩu cũng như tái canh, chăm sóc cà phê. Ngân hàng thương mại cổ phần dành 1.351 tỉ đồng vào Tây nguyên cho các dự án trồng, chăm sóc cao su, mua và chế biến cà phê...

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cam kết tặng các chương trình an sinh xã hội toàn vùng Tây nguyên hơn 248 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư vốn sản xuất, mua bò tặng dân nghèo, xây trường học cho những vùng khó khăn...

TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp